Hụt hẫng với giám khảo Giọng hát Việt

Bờ vai Noo Phước Thịnh được dùng để chiêu dụ không biết bao nhiêu thí sinh. Ảnh: Windy
Bờ vai Noo Phước Thịnh được dùng để chiêu dụ không biết bao nhiêu thí sinh. Ảnh: Windy
TP - Khi khán giả chưa rõ chất lượng thí sinh, HLV chính là yếu tố lôi cuốn đầu tiên của The Voice. Nhưng có vẻ dàn HLV năm nay chưa làm được điều này. Ngoài Thu Minh, tất cả HLV còn lại đều trưởng thành từ The Remix- cuộc thi cũng của BTC The Voice. Đông Nhi và Noo Phước Thịnh vừa tạo được chút ấn tượng khi chấm The Voice Kid đã nhanh chóng được nâng cấp, biến Giọng hát Việt thành một kiểu “The Voice Teen”?!

Khi HLV thiếu chiêu

Với việc chọn các gương mặt được xem là “người nhà”, phải chăng đơn vị tổ chức muốn tiếp tục tạo điều kiện cho họ tiếp cận khán giả đại trà qua truyền hình. Hoặc đơn giản mời chỗ quen biết để giảm chi phí?!

Với những tên tuổi mới và phủ sóng trong lớp trẻ là chủ yếu, nhiều khả năng lượng khán giả đại trà xem Giọng hát Việt sẽ giảm hoặc cũng trẻ hóa. Phải chăng đó cũng có thể là mục tiêu mà Giọng hát Việt hướng tới. Vì giới trẻ mới là những người chi tiền nhiều vào những món hàng mà chương trình đang quảng cáo?!

Không ít ý kiến cho rằng HLV hát không hay bằng thí sinh mà cứ ngồi nhận xét rồi huấn luyện thì cũng kỳ. Nhưng đằng sau mỗi HLV là ê-kip hùng hậu của chương trình. Nên thiết nghĩ cũng không có gì đáng lo. Nhưng việc HLV hát không hay hơn thí sinh vẫn có thể gây hệ lụy. Vì rõ ràng HLV có xu hướng chọn theo gu thẩm âm của riêng họ. Thực tế trong những kỳ Giọng hát Việt quá khứ, không ít lần HLV sẵn sàng loại những thí sinh hát tốt nhất vào thời khắc quyết định. Với mục đích sâu xa gì chưa biết nhưng trước mắt, màn song ca giữa thầy và trò trong đêm chung kết cũng sẽ đỡ bất lợi cho thầy.

Vì vậy cái tối thiểu mà The Voice cần ở các HLV là khiếu ăn nói để chí ít giải trí cho khán giả. Và đáng tiếc đó là điều hơi xa xỉ với một số HLV kỳ này.

Sau khi thí sinh bị Tóc Tiên nhận xét hát nhiều chỗ chưa chuẩn vì hồi hộp, Noo động viên: “Anh rất tin em (?) Anh cam đoan với em những gì em vừa thể hiện là vô cùng vừa phải, vô cùng tuyệt vời”. Sau khi phủ nhận hoàn toàn những gì thuộc về chuyên môn mà đồng nghiệp vừa nói, anh tiếp: “Trái tim của anh nói anh phải chọn em và em phải về với anh”. Noo không chỉ nhận xét thiên về cảm tính mà còn thường xuyên mang bản thân ra để câu kéo thí sinh, cũng là để mua vui cho khán giả. Chẳng hạn: “Em còn rất non nớt, em cần một bờ vai, một vòng tay…”.

Có lẽ chỉ thí sinh nào có độ non nớt phù hợp với gật đầu trước những lý lẽ nhạt như Noo: “Em ơi, em mệt không, em mệt xuống ngồi với anh. Anh nhẹ nhàng tình cảm. Mình đến với nhau bằng tình cảm thôi. Trong team anh có vài bạn dễ thương xinh xắn, em vào cùng cả đội luôn”.

Khi Noo Phước Thịnh là người đầu tiên quay lại với một giọng nam, Đông Nhi không nén nổi háo hức, hỏi: “Đẹp trai không?!” Đường đường là HLV chương trình lớn, cả nước xem, thiết nghĩ Nhi nên kiềm chế chút. Trước sự háo hức của Nhi, Noo cũng tỏ ra khá tâm lý, anh đề nghị thí sinh giới thiệu bản thân: “Nói đi cho các chị em phụ nữ ngắm cái đã!”. Chả trách 2 HLV này tự nhận là bạn thân ngoài đời.

Đông Nhi cũng không đả động mấy đến chuyên môn, mà hay đánh vào cảm xúc thí sinh: “Ngay từ khi em bước chân về với chị, em đã trở thành người nhà của chị!”. Hoặc hứa hẹn một kết quả: “Với giọng hát của em, em thừa sức trở thành ngôi sao sáng kể từ sau cuộc thi này. Mà chặng đường đấy chỉ có chị làm được cho em thôi!”. Những điều này, HLV nào cũng có thể nói được.

Những “đòn” mới

Sau nhiều lần tổ chức, mãi đến kỳ này, Giọng hát Việt lần đầu tiên đưa ra mô hình song ca. Tức là một cặp thí sinh song ca với nhau cũng có thể cùng thi. Nhưng dấu ấn của nhà sản xuất hơi lộ với hai cặp song ca bố con và mẹ con ở tập đầu tiên. Nhất là khi hai bố con thú nhận chưa bao giờ hát chung. Còn người mẹ thì cho hay động cơ đi thi cùng con chỉ để động viên con theo đuổi ước mơ. Dường như họ “bất đắc dĩ” bắt cặp chỉ để thêm màu sắc cho cuộc thi, thi xong sẽ “đường ai nấy đi”. Ở tập hai, sự xuất hiện của cặp song ca đồng thời là anh em song sinh có phần thuyết phục hơn. Ít ra họ cũng cùng lứa tuổi, cùng gu nhạc và từng có thời gian biểu diễn cùng nhau.

Nhìn chung Giọng hát Việt năm nay không hiếm giọng ca hay nhưng chưa ai hội đủ các yếu tố làm nên một tiết mục gây chấn động. Nhà sản xuất đành phải nghĩ thêm chiêu để câu khách. Chẳng hạn dùng bài hát. Mới đây, chương trình cho lên sóng bài rất nổi tiếng một thời bị “cấm”: Thành phố buồn. Bài này được ca sĩ Hoài Lâm phối lại theo kiểu điện tử và cách hát của thí sinh Trần Anh Đức tỏ ra khá phù hợp với phong cách này. Nhưng rõ ràng thí sinh 18 tuổi được chú ý và thành công chủ yếu nhờ chọn bài hơn là giọng hát.

Trong phần quảng cáo cho tập 3, chương trình hé lộ một thí sinh giấu mặt ăn mặc như nam giới nhưng hát Mong anh về bằng giọng nữ. Gần đây, cư dân mạng chia sẻ rầm rộ clip và thông tin của nam ca sĩ Dimash Kudaibergen- người Kazakhstan có quãng giọng khủng, hát hay cả giọng nam lẫn nữ. Được biết một trường hợp như thế sẽ xuất hiện trong tập tiếp theo của Giọng hát Việt. Thí sinh này đang theo học Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

MỚI - NÓNG