Huyện hai vua và hành gọi là hiềng

Huyện hai vua và hành gọi là hiềng
Hình như  nước mình nhõn có hai huyện là nơi sinh ra hai vua? Đường Lâm Sơn Tây của Ngô Quyền, Phùng Hưng. Thuỵ Nguyên (tên cũ) nay là Thọ Xuân xứ Thanh góp cho triều Tiền Lê một Lê Hoàn và Hậu Lê là Lê Lợi khởi đầu cho 30 vị vua sau này.

Tôi xoài người trên bãi cỏ phía trước đền vua Lê Đại Hành ở làng Trung Lập xã Xuân Lập hấc mắt lên mà ngắm đôi rồng dữ tợn thời Nguyễn hồi phục chế đền đang chầu vô mặt nhật để gẫm thêm về ông vua lạ này của Đại Việt.  Lọt lòng không biết mặt cha. Năm tuổi đã mồ côi mẹ. Nhờ hàng xóm đùm bọc... 16 tuổi mới xung làm lính của Đinh Bộ Lĩnh... Lê Hoàn đến với ngôi vua bằng con đường riêng chẳng giống với một ông vua nào cả? Không xuất thân từ tầng lớp trên, bồ côi bồ cút, chẳng hề có một cự tộc một trang xá nào làm hậu thuẫn cho mình! 

 Có lẽ trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có hai ông vua là Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ lý lịch về hai vị vua này đang có hai chỗ khuất chỗ trống! Đó là mục cha thân sinh ra vua. Không thấy có chính sử nào chép cả mà nhường chỗ cho Folklor những là dã sử những là huyền sử những là huyền thoại can thiệp! Có phải thời Tiền Lê lẫn Tiền Lý là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo đã chi phối những bí mật về nguồn gốc người cha sinh trần tục của hai vị vua này? Có phải vì đặc thù ấy lẫn những góc tối góc khuất của tiểu sử mà sau này có những địa phương không phải Thanh Hoá lúc âm thầm lúc rộ cả lên thậm chí đã ra hẳn cả sách nói Lê Hoàn là người quê mình?

Nhưng sự lầm lẫn, nói là đáng yêu cũng được, sau này đã được minh định bởi nhiều người đã quên coi xét lại chính sử lẫn hai tấm bia vẫn đứng lù lù 500 năm nay tại mé tả đền thờ Lê Hoàn một của Lễ Bộ thượng thư Nguyễn Thực soạn từ năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1624) và một của Lại bộ thượng thư Quốc tử giám tế tửu Phùng Khắc Khoan. Sự việc lẫn cứ liệu trên bia cùng với nhiều cuốn chính sử khác đã khẳng định chính xác quê của Lê Hoàn chính là làng Trung Lập này!   

Thống nhất bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, xây dựng mạng lưới giao thông trong đó có hệ thống sông đào mà bây chừ ta vẫn gọi là kênh nhà Lê, một ngàn năm rồi mà bây giờ vẫn tải nước qua ba tỉnh, có lẽ vẫn là thứ nước của 1000 năm trước? Là ông vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến nước Việt tổ chức lễ cày tịch điền nhằm khuyến khích nông tang. Mà điển ấy lệ ấy duy trì cho các vua dằng dặc từ bấy cho đến thời nhà Nguyễn!

 Kinh đô Hoa Lư tráng lệ nguy nga thuở ấy đã không trơ gan cùng tuế nguyệt đến bây giờ nhưng trong những trang sử của nền ngoại giao Đại Việt vẫn còn đang lấp lánh những dòng sau đây của Phan Huy Chú Nhà Tiền Lê tiếp đãi sứ Tống tình ý văn thơ rất là chu đáo, khúc hát hay cũng đủ khoa có nhân tài mà quốc thể được thêm tôn trọng làm cho người phương Bắc phải khuất phục (Lịch triều hiến chương loại chí -tập IV trang 178)

Đánh tan tác ba đạo quân xâm lược nhà Tống nhưng liền ngay đó thực thi một chính sách ngoại giao cực kỳ sáng tạo. Lê Hoàn đã thủ thỉ cùng quần thần... kết thân với hùm sói là điều ngu. Tin vào bụng dạ ngay thật của hùm sói còn ngu dại hơn. Nhưng ta không nên chọc giận hùm sói mà chi. Xua đuổi hùm sói không nên xua cùng đường... Chắc chắn vua Nguyễn Huệ Quang Trung cùng Ngô Thì Nhậm đã tham khảo cung cách ứng xử của tiền nhân gần tám trăm năm trước?

Huyện hai vua và hành gọi là hiềng ảnh 1
Đĩa đá vua Tống tặng vua Lê Đại Hành 

Dưới trướng của Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đã chọn được thủ lĩnh mà theo, tìm được chúa mà thờ. Cái duyên ngư đắc thuỷ ấy đã đưa Lê Hoàn ở vào vị thế Tổng tư lệnh quân đội khi mới ba mươi tuổi! Có lẽ nếu không có cái chết đột ngột của Đinh Tiên Hoàng do cái gã khốn nạn Đỗ Thích mơ thấy sao rơi vào miệng gây ra thì lịch sử nước Đại Việt mình hình như có cơ khác?

Khác gì chả biết nhưng sắc áo hoàng bào đã bất ngờ đậu trên vai vị tổng tư lệnh quân đội Lê Hoàn do đích hoàng hậu Dương Vân Nga khoác lên đã yểm yên khung cảnh hoảng loạn của một triều đình đang xảy ra nội chiến, hoàng đế cùng con trưởng vừa bị ám sát rồi sau đó hoàng hậu goá bên cạnh ông vua con sáu tuổi Đinh Toàn côi cút bấy bớt và ba tập đoàn quân hùng mạnh của nhà Tống đang lăm le ở các mạn hiểm yếu của bờ cõi Đại Việt. Yêu nhau cởi áo trao nhau...

Tôi thiển nghĩ, câu quan họ ấy chả phải vô tình đâu mà có tí ti hơi hướng mô phỏng về sự kiện đẹp mà lạ như huyền thoại mối tình Lê Hoàn - Dương Vân Nga chứ chả chơi? Một vị vua bách chiến bách thắng mà kết hôn với một người đàn bà khi ấy cũng đã ngót nghét bốn mươi! Cổ kim đã hiếm lại càng lạ hơn trong nhãn quan của những người trần mắt thịt? Một liên minh chính trị? Sự hoà giải với các thế lực vừa bị mình chinh phục để tăng cường sức mạnh của một nhà nước thống nhất? Cổ kim đã lắm lắm sự luận bàn...

Nhưng dường như tài trí lẫn sức mạnh không riêng Lê Hoàn mà cả dân Đại Việt đã nhân lên nhiều lần lắm với mối tình ấy? Lê Văn Hưu, nhà sử học thế kỷ 13 đã viết như thế này (Ngô Sĩ Liên có dẫn lại trong Đại Việt sử ký toàn thư): Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc đánh Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân( quân xâm lược Tống) dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi đã yên tĩnh. Cái công đánh dẹp ấy tuy nhà Hán nhà Đường cũng không hơn được!

Có cái lạ là công tích dẹp yên nội chiến, đánh thắng quân xâm lược Tống lớn dường ấy, công huân về mở mang thống nhất dựng xây đất nước đại Việt suốt 24 năm trị vì dường như đã lệch đã chuế so với cái khuôn thước  phong kiến. Có dằng dặc những năm, đôi trai tài gái sắc ấy không được phối thờ với nhau, ông một nơi bà một nẻo! Hãy nghe sử thần Ngô Sĩ Liên nghiêm khắc: ...Đại Hành thông dâm với vợ vua đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu mất cả lòng biết hổ thẹn há chẳng phải mở đầu cho mối hoạ đó sao? (Toàn thư) Tự mình đã trái luân thường/ Lấy chi rũ mối dựng rường về sau ( Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái- Đại Nam quốc sử diễn ca) vv...

Nhưng sau này, lịch sử đã công bằng chiêu tuyết cho Lê Hoàn -Dương Vân Nga, chiêu tuyết cho mối tình cỡ non sông ấy, trong đó có học giả Hoàng Xuân Hãn: ...việc này trái với khuôn phép nhà nho. Các sử gia nho xưa đã trịnh trọng chỉ trích như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ... Các vị ấy không hiểu rằng đời Đinh, Tiền Lê đạo Nho chưa có ảnh hưởng gì sâu vào dân Việt cho đến nửa đời Trần còn thế. Dân chúng đã lập đền thờ các vua Đinh Lê trên nền tảng cung điện Hoa Lư mà không quên bà Dương hậu, không những thế mà còn tự hợp hai vua tô tượng hai vua ngồi chung một toà với Dương hậu ở giữa. Nhưng đến đầu đời Lê Thái Tổ cho là trái đạo mà bỏ đi! Tuy vậy các nho gia phê bình cũng không ai trách bà mà chỉ trách Lê Hoàn (Hoàng Xuân Hãn tuyển tập).

Cái độc đáo đã dựng nên sự nổi trội của Lê Hoàn. Nguyễn Bặc, Đinh Điền là những khai quốc công thần là rường cột của tiên triều là bạn chiến đấu thân thiết của Lê Hoàn đã làm loạn. Phận sự Lê Hoàn là phải đánh dẹp. Và lần ấy  lưỡi gươm dẹp nội loạn của Lê Hoàn đã trù trừ không bổ xuống trong một trận dồn hai viên võ tướng đến cùng đường ta nghĩ Quốc Công và Ngoại Giáp sẽ hiểu được lòng ta mà đem quân về hợp sức chống ngoại bang.

Nhưng mưu phản ấy vẫn dai dẳng buộc lòng Lê Hoàn phải khai đao Đinh Điền và đóng cũi Nguyễn Bặc đem về Hoa Lư! Trong cuộc kháng chiến với quân xâm lược nhà Tống, Lê Hoàn đã cử Phạm Cự Lượng làm đại tướng thống lĩnh quân sĩ. Phạm Cự Lượng là ai? Chính là em ruột vệ uý Phạm Hạp trong đám quân nổi loạn bị chính Lê Hoàn chém đầu! Phải là tin người tin ở mình lắm mới có cung cách ứng xử khoáng đạt như vậy. Và cũng chính viên đại tướng này rất hăng hái trong việc khởi sự  tôn thập đạo Lê Hoàn lên ngôi thiên tử!

Làng Trung Lập sinh ra Lê Hoàn,  chẵn ngàn năm rồi mà tên làng vẫn không thay đổi từ thời Đinh! Phong thuỷ lẫn hiểm yếu đắc địa như thế nào chẳng biết nhưng Trung Lập như một cái gờ lớn được bồi tích bởi phù sa của sông Cầu Chày (trước có tên là Truỳ giang) và sông Chu (xưa có tên là Lương giang). Đợt khảo cổ năm 1985 đã tìm thấy ở Trung Lập trống đồng, bình thạp, mũi tên giáo mác bằng đồng có niên đại cách đây 2500 năm. Cách đây hơn ba ngàn năm đã có người Việt cổ sinh sống ở bãi bồi hai con sông lớn này như bây giờ dân Trung Lập cư trú vậy! Năm ất Tỵ 1005 Vua Lê Đại Hành mất.

Làng Trung Lập chỉ lập một ngôi miếu nhỏ ngay trên túp lều ngày trước mẹ con Lê Hoàn từng sống. Đầu thời Lý, vua Lý Thái Tổ cho xây dựng đền thờ theo hình chữ Công. Lạ nữa, qua từng ấy năm, những tao loạn trận mạc lẫn sức tàn phá của thời gian mà ngôi đền thiêng này vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay! Hiềm nỗi cũng cách đây chả lâu mấy, ngôi đền thiêng gồm nhà tiền đường năm gian, trung đường ba gian, hậu cung năm gian mà dân Trung Lập quen gọi là Nghè bị coi là tàn dư của đế quốc phong kiến một thời gian dài hết thành trại chăn nuôi rồi nhà kho. Đồ thờ tự trong nội cung bị thất tán bị phá khá nhiều. Nhưng may gần đây đã được tôn tạo bổ sung nên vẫn giữ được vẻ nghiêm ngắn khang trang như bây giờ!

Đây là công trình kiến trúc cổ độc đáo vào loại bậc nhất còn lại ở đất Thọ Xuân. Hậu thế rồi phải biết ơn những người có tên lẫn vô danh ở làng Trung Lập đã từng cất giữ những hiện vật tỷ như chiếc đĩa đá, dân còn gọi là đĩa ngọc do vua Tống Thái Tông là Triệu Khuông Nghĩa tặng vua Lê Đại Hành năm Canh Dần (990). Đĩa đường kính 47,5cm giờ vẫn rõ nét hai hàng chữ Giang Nam nhất phiến tuyết. Tác khí vạn niên trân (Giang Nam có phiến đá sắc trắng tựa tuyết làm thành vật quý  vạn năm). Dưới dòng lạc khoản đã mờ là chĩnh chiện quốc ấn của Vua Tống.

 Rồi còn những đạo sắc phong nữa chứ! Trong âm thanh chói gắt trống kẻng của khí thế hừng hực truy lùng tàn dư phong kiến vào những năm khó khăn ấy, những ai đó đã đủ tĩnh trí lẫn lanh khôn đút vội chúng vào đòn tay ống luồng rải rác ở một số nhà. Thất thoát bao nhiêu chả biết nhưng bây giừ đền may mắn có được 14 đạo sắc phong của các triều. Cổ nhất là triều vua Lê Gia Tông (năm Giáp Dần 1674). Mới nhất là Đồng Khánh nhị niên (1888). Rồi còn chiếc choé men lam thời Hậu Lê kia, một báu vật thờ cúng của đền may sao không bị đem đi muối cà hay đựng mắm hoặc rơi vào tay bọn bất lương chuyên săn lùng đồ cổ!

Nhớ buổi ngồi với chủ tịch xã Xuân Lập Đỗ Huy Vĩnh, một xã vinh dự góp cho nước Đại Việt một ông vua. Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi người vào hỏi ý kiến để hoàn tất công việc chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm 1000 năm ngày mất của vua Lê Đại Hành. Xuân Lập vinh dự được tỉnh giao trực tiếp tổ chức việc hành lễ. Thời trước vào những năm chẵn, dịp mồng tám tháng ba âm lịch đúng ngày mất của Lê Hoàn có lễ ở đền rất trọng gọi là Quốc lễ! Nếu không có quan ở triều đình về trực tiếp lễ tế thì quan đầu tỉnh phải làm phận sự ấy.

Là làng sinh ra vua ( đất quí hương) từ thời Hậu Lê, làng Trung Lập được miễn mọi phu phen tạp dịch lại được cấp 67 mẫu công điền dùng vào việc lễ nghi thờ cúng vua Lê Đại Hành. Những năm khó khăn thì chả nói, đã bẵng đã đứt đoạn đi bao thủ tục thờ cúng ở đền vua nhưng từ dạo dễ thở, vài năm gần đây việc ấy đã được nối... Làng Trung Lập có diện tích 12,5 ha canh tác, gần 600 hộ với gần ba ngàn  nhân khẩu. Số hộ đói không còn nữa mà chỉ còn 0,13% số hộ thuộc diện nghèo.

Có tới 14 thủ tục tưởng niệm vua Lê Đại Hành trong năm. Nhiều tục nay đã phải bỏ. Bỏ chắc vì nhiêu khê chứ chả phải con cháu nhạt lòng với tiền nhân. Như tục nung bánh chưng dâng lên đền vào 25 tháng Chạp (gọi là nung bánh vì bánh gói to có tiết diện 30x30cm một phần ba ruột bánh là gạo một phần ba là đậu xanh và thịt lợn đặc biệt là không có hành dày 15cm). Bánh được xếp vào chum to. Khi nước sôi già dùng nùn rơm quấn quanh chum rồi đổ trấu xung quanh. Lửa ấy âm ỉ ba ngày ba đêm. Bánh rền thơm lắm dùng để cúng ở đền. Có nhiều tục đã được khôi phục như trước chính kỵ hai ngày dân làng cho đánh cá ở cái hồ trước đền kia lên làm gỏi để tưởng nhớ cái thời vua Lê Đại Hành bắt sứ Tàu ăn gỏi theo tục người Nam. Tục tiến cốm để tưởng nhớ khi cùng đi đánh giặc với vua Đinh, Lê Hoàn cho quân sĩ gặt lúa xanh làm cốm vì kiệt nguồn lương.

Tục kết chạ thân tình như anh em giữa làng Trung Lập và làng Phong Mỹ tục gọi là Kẻ Mía là quê của cụ Lê Đột còn có tên là Lê Quan Sát bố nuôi Lê Hoàn. Có nhiều tục khác để tưởng niệm thuở thiếu thời Lê Hoàn ở quê thường nhiệt thành tham gia như tục xú cá, tục đi săn... Có một tục kiêng mà tục ấy dường như xuyên suốt một ngàn năm với người Trung Lập đến tận bây chừ. Vì huý của vua Lê Đại Hành là Hoàn (người xứ Thanh nói chung phát âm hoàn dễ ra hòn) nên làng Trung Lập không gọi các vật tròn tròn đều phải gọi là cục như cục đất cục đá viên bi. Củ hành phải tuyệt đối gọi là củ hiềng!

... Tôi chợt phải hấc mắt xuống bởi phát hiện một đoàn làm phim đang lặng lẽ tác nghiệp ở trong đền từ khi nào. Những li ti thanh minh như rây bột xuống nền nõn cánh tay của cô gái đang mải mốt với chiếc máy quay và cái ống kính đang nghiêm cẩn chầu vào một ngàn năm!

MỚI - NÓNG