Khai quật cảm xúc

TP - Trên hành tinh này mỗi người ta gửi cho nhau khoảng 6 tỷ khuôn mặt cười thông qua các mạng xã hội, tin nhắn... Và coi biểu tượng cảm xúc đó là độc quyền của thời đại @ mới khởi phát cách nay hơn hai thập niên. Nên không khỏi ngỡ ngàng khi mới đây người ta chợt phát hiện ra từ 382 năm về trước, tức là năm 1635, icon mặt cười đã xuất hiện trong một văn bản viết tay lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia ở Trencin (Slovakia).

Kỳ thực, icon mặt cười Slovakia chỉ phá kỷ lục về thời gian của mặt cười nước Anh, từng xuất hiện trong một bài thơ của thi sĩ Robert Herrick từ năm 1648, cách nay 369 năm.

Thời đại này, sao cứ cảm giác mỗi ngày đều phải sống với cảm xúc của ngày hôm qua. Dâng lễ với những chiếc bánh chưng to như chiếc chiếu. Chen lấn, đạp lên nhau cướp lộc. Bảo mẫu hành hạ trẻ con như kẻ thù. Tắc đường kẹt xe. Nhồi nhét hành khách sau Tết. Tai nạn giao thông kinh hoàng… Là chuyện của những năm ngoái, năm kia... 

Thế rồi vẫn là chuyện thời sự trên các báo hôm nay. Chỉ là thứ cảm xúc riêng ở xứ ta. Hay là của chung loài người? Câu thơ của Đỗ Phủ từ ngót 1.500 năm trước  “Chỉ thấy người nay cười, nào ai thấy người xưa khóc” (Đãn kiến tân nhân tiếu/ Ná văn cựu nhân khốc). Liệu cái cười của người xưa có khác với nay?

Biểu tượng gương mặt cười cổ xưa nhất vẽ nguệch ngoạc được phát minh từ 382 năm trước, liệu có giống nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa mà danh họa Leonardo da Vinci vẽ từ hơn một thế kỷ trước đó? Tác phẩm còn có tên La Gioconda, tiếng Ý là vui tươi, hạnh phúc.

Gương mặt cười Sovakia ra đời, chỉ 3 năm sau khi Galilei bị bắt ra tòa án dị giáo Rome và bị quản thúc suốt đời vì khẳng định “trái đất cũng đang quay”. Isaac Newton thì tìm ra lực hút trái đất, còn gọi là định luật vạn vật hấp dẫn.

 Dường như ngoài mặt cười, người ta chưa phát hiện ra thêm các biểu tượng cảm xúc nào khác xuất hiện từ những trăm năm trước. Những mặt khóc, mặt buồn, mặt mếu, mặt ác quỷ, trí thức… cùng hàng trăm icon ảo khác đang thịnh hành.

Con người cũng không thể sống với những cảm xúc khai quật được. Mà luôn đuổi theo nhịp đập cơ thể mình. Dẫu thường tìm cách cường điệu, thái quá nó lên, rằng chỉ niềm vui, niềm đau của mình là “nhất quả đất”. Và rất nhiều khi tự làm đau chính mình.

Ai rồi cũng vậy, “hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa” (Olga Bergon).

MỚI - NÓNG