Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” tại đền thờ vua Đinh, vua Lê:

Khẳng định tuyệt đối chủ quyền của Việt Nam

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định các bằng chứng khoa học, pháp lý cho thấy quần đảo Paracels - Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định các bằng chứng khoa học, pháp lý cho thấy quần đảo Paracels - Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam
TP - Sáng 26/4, Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã khai mạc tại khu di tích lịch sử đền thờ vua Đinh, vua Lê (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình).

 Nhân dịp này, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định tư liệu triển lãm đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc tuyên truyền chủ quyền của Tổ quốc.

Ông Ngọc cho biết: Đây đã là lần thứ 26 triển lãm được tổ chức. Trong khi những cuộc triển lãm đầu tiên chỉ nói về chứng cứ lịch sử thì các cuộc triển lãm gần đây bắt đầu đưa thêm những bằng chứng pháp lý. Đó chính là xác lập chủ quyền theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ được pháp luật quốc tế thừa nhận. 

Trong đó có Châu bản Triều Nguyễn (những văn bản chính thức và có dấu Châu phê bằng son đỏ của chính nhà vua triều Nguyễn) được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu, ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đó là nguồn sử liệu nguyên gốc vô cùng quý giá, phản ánh tư tưởng chính trị, chủ trương, chính sách của Nhà nước xưa trong các hoạt động đối nội và đối ngoại. Đây là nguồn tài liệu nguyên gốc quý hiếm, duy nhất, độc bản còn giữ lại đến ngày nay. Không chỉ là di sản vô giá đối với Việt Nam mà nó còn có giá trị nổi bật toàn cầu.

Triển lãm có trưng bày nhiều tài liệu của phương Tây, vậy việc thu thập các tài liệu này có khó khăn gì không, thưa ông?

Bản đồ phương Tây trưng bày ở triển lãm với số lượng hơn 100 bản, được chúng tôi sao chụp ở nhiều nơi trên thế giới. Có những tư liệu có giá trị đặc biệt cao, như Bộ Atlas thế giới, Bruxelles - 1827 do nhà địa lý học Philippe Vadermaelen (1795-1869), thành viên Hội địa lý Paris, chủ biên. Trong đó có bản đồ khẳng định tuyệt đối quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trải qua thời gian dài thương lượng và nhờ có những tấm lòng hảo tâm, cuối cùng chúng ta đã mua được bản gốc, mang về Việt Nam ngày 13/5/2014, hiện bộ bản đồ là tài sản lịch sử vô giá của quốc gia.

Sau hơn 1 năm tổ chức triển lãm, những giá trị mà các cuộc triển lãm mang lại là gì, thưa ông?

Sau mỗi cuộc triển lãm, chúng tôi lại có thêm được những kinh nghiệm và thậm chí là những tư liệu quý báu về chủ quyền biển đảo do chính người dân đóng góp. Như triển lãm tại TPHCM, một người dân đã cung cấp cho chúng tôi Giấy chứng sinh của một người sinh ra ở Hoàng Sa vào năm 1939, có giấy chứng sinh, có con dấu của chính quyền trên quần đảo Hoàng Sa khi đó xác nhận. Giấy chứng sinh ấy, thực ra chỉ là một thủ tục tư pháp rất nhỏ và đơn giản, nhưng nó cho thấy được đời sống dân sự ở thời điểm đó là rất cao, rất đáng được đánh giá; tổ chức dân sự ở Hoàng Sa thời điểm đó cũng đã rất chặt chẽ, có tổ chức... 

Qua những tư liệu như thế chúng tôi càng thấy rõ hơn được chủ quyền của ta đã được thực thi một cách đầy đủ và trọn vẹn ở Hoàng Sa. Giấy chứng sinh đó thuộc về bà Mai Kim Quy - công dân trên đảo Hoàng Sa, sinh năm 1939. Mặc dù chỉ còn là một hiện vật cũ kỹ do thời gian làm cho ố màu, tuy nhiên, những thông tin chính về một công dân Việt Nam được chính quyền sở tại xác nhận về sự ra đời của công dân này vẫn còn nguyên vẹn, đầy đủ.

Vậy theo ông làm thế nào để việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo thu hút được sự quan tâm của người dân?

Những hình ảnh sống động luôn gây ấn tượng mạnh và ghi dấu ấn trong mỗi người dân. Người đến triển lãm cũng rất hào hứng, tôi cho rằng đó là một thắng lợi của công tác tuyên truyền. Trước đây, chúng ta có tuyên truyền, giới thiệu nhưng không bài bản, không hệ thống, cũng chưa có những chứng cứ trực tiếp khiến hiểu biết, nhận thức của người dân còn chưa thật cao. 

Trong khi đó bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc hoạt động rất mạnh mẽ, rầm rộ. Tôi có tham dự cuộc họp, một sinh viên Trung Quốc nói liến thoắng về chủ quyền với các đảo, trong khi sinh viên Việt Nam thì hầu như lúng túng không biết gì ngoài tên hòn đảo. Đó là lỗi của chúng ta khi ta có chủ quyền mà chưa tuyên truyền một cách hệ thống, bài bản và mạnh mẽ.  

Ông có thể cho biết kế hoạch tuyên truyền về chủ quyền biển đảo trong thời gian tới?

Chúng ta đã đưa ra những bằng chứng xác thực để khẳng định tuyệt đối chủ quyền của Việt Nam và phủ định tuyệt đối việc Trung Quốc tự vẽ đường lưỡi bò vô lý. Cùng với sự ủng hộ của cả thế giới thì trên mặt trận tuyên truyền, Trung Quốc đã chùng xuống, không còn ngạo mạn như trước đây. Đó là thắng lợi ban đầu của cuộc đấu tranh lâu dài và vô cùng quyết liệt. Thời gian tới, những tư liệu lịch sử, bằng chứng pháp lý sẽ được đưa đến 64 tỉnh, thành trong cả nước, để nhân dân hiểu rõ hơn, vững tin về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. 

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.