Khánh đá tiếng ngân như chuông đồng

Chiếc khánh đá có tiếng kêu như chuông đồng
Chiếc khánh đá có tiếng kêu như chuông đồng
TP - Gõ nhẹ chiếc vồ gỗ vào khánh đá cổ, những tiếng “boong, boong” thanh thoát ngân vang, như tiếng chuông đồng.

Chùa cổ ngàn năm trên đỉnh Cô Sơn

Ngôi chùa cổ Long Cảm nằm bên bờ bắc của dòng sông Mã xưa, nay là nhánh sông Lèn. Chùa nhỏ, cảnh trí thanh u, kiến trúc cổ kính, tọa lạc trên sườn ngọn Cô Sơn đột khởi giữa mênh mông đồng ruộng phì nhiêu của thôn Trang Các (xã Hà Phong, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Xưa nay, chùa đều do các ni cô trụ trì, nên cảnh trí càng thêm tươi đẹp, thanh nhã.

Sư thầy Thích Đàm Quang, người đã trụ trì tại chùa Long Cảm suốt 30 năm nay nên tường tận gốc tích về ngôi chùa. Vào năm 1.020, trên đường từ Thăng Long tuần du qua xứ Thanh, vua Lý Thái Tổ có dừng xa giá tại vùng núi này, nơi xưa kia Triệu Đà đã từng dựng thành lũy, Triệu Quang Phục từng đóng quân. Đêm nằm mộng, nhà vua linh cảm thấy thần thiêng sông núi của xứ sở này ngầm phù trợ, ban thêm sức mạnh cho mình. Cảm tạ ơn đức ấy, Lý Thái Tổ bèn sai dựng một ngôi chùa, lấy tên là Long Cảm.

Trải qua gần 10 thế kỷ, các vua của triều đại sau đều rất quan tâm đến ngôi chùa nhỏ xinh, độc đáo này. Nhiều tao nhân mặc khách coi đây là chốn đi về bái Phật cầu an, vãn cảnh, tu dưỡng tâm tính, để lại khá nhiều thơ phú. Bên trong chùa có tám pho tượng của tám vị tổ sư từng tu hành tại chùa, được coi là những tác phẩm nghệ thuật cực quý hiếm, tinh xảo. Cạnh đó là những di vật khác có tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí ngót nghét ngàn năm, được cung tiến ngày càng nhiều hơn qua các lần tôn tạo, trùng tu. Sư thầy Thích Đàm Quang cười hồn hậu: “Biết nhà chùa còn gìn giữ được ít nhiều di vật cổ, thỉnh thoảng các chùa lớn trong tỉnh lại đến thỉnh mượn một số về chùa đấy”.

Ngồi trên sân chùa rợp bóng của cây muỗm cổ thụ, thoang thoảng mùi thơm từ cây hoa ngâu hơn 500 tuổi, chúng tôi ngắm nhìn phong cảnh đồng ruộng, thôn xóm xa xa dưới chân núi. Ấn tượng nhất trên khuôn viên này là những chiếc khánh đá cổ đang phơi sương gió ở phía góc sân chùa, hướng về phía bến đò sông Mã cũ.

Hai chiếc khánh ở chùa Long Cảm đều rất lớn, cùng có màu đá xanh xám, được treo trên các trụ to bên cạnh nhau. Điểm khác của chúng là một chiếc có những hoa văn chạm trổ hình đám mây rất tinh xảo, một chiếc thì đơn thuần là phiến đá lớn tạc hình bán nguyệt được làm phẳng. Chỗ rộng nhất của chiếc khánh cũ đo được 0,86m, chiều dài là 1,96m, dày 0,2m, chứng tỏ khi chế tác khánh, các nghệ nhân đã rất nghiêm ngặt tuân theo thước Lỗ Ban. Liền một phiến đá lớn, dày dặn, nên có lẽ mỗi chiếc khánh phải nặng vài trăm kg. Chiếc khánh đem về từ chùa Thượng còn lành lặn và to hơn chiếc kia một chút.

Sư thầy Thích Đàm Quang vui vẻ cho biết: “Chiếc khánh to và đẹp kia vốn không phải của nhà chùa đâu. Trước đây nó ở trong ngôi chùa bên làng Thượng. Mấy chục năm trước, chùa Thượng bị đổ, nhiều đồ thờ bị vỡ hỏng, có người tiếc chiếc khánh quý bèn đem giấu xuống ao bèo để bảo quản. Sau này, người đó thuê người trục vớt lên, đem về chùa này cung tiến, nên nhà chùa treo bên cạnh chiếc khánh cổ ở sân”.

Còn chiếc khánh cổ của chùa Long Cảm, ngay cả sư thầy Thích Đàm Quang cũng không rõ nó có từ bao giờ. Thầy tin rằng khánh được đặt cùng lúc dựng ngôi chùa, tức là đã ngàn năm nay rồi. Nhưng cũng có thể, niên đại gần hơn, do được làm khi tôn tạo, trùng tu chùa của người đời sau. Có thể, niên đại của chiếc khánh đá này vào khoảng thời Hậu Lê, chừng 300 - 400 năm trước. Trông nó khá giản dị, mộc mạc, không có hoa văn, lại bị sứt một mảng to nơi thường dùng để gõ, chắc do sử dụng nhiều nên vậy.

Khánh đá kêu như chuông đồng

Sư thầy Thích Đàm Quang rất thích thú với điều đặc biệt của chiếc khánh đá cũ kỹ này: “Chỉ cần lấy tay vỗ vỗ vào khánh đá, nó sẽ phát ra những tiếng kêu như tiếng chuông đồng. Dùng vồ gỗ mà gõ mạnh, nó ngân lên rất vang”. Nói rồi, sư thầy gọi một u già nhờ đi lấy chiếc vồ gỗ, để du khách tự trải nghiệm với hai chiếc khánh.

Chúng tôi lần lượt thử vỗ bằng tay, rồi dùng vồ gỗ để gõ khánh. Quả thật, với chiếc khánh lớn mới được đưa về từ làng Thượng, dù có gõ mạnh đến mấy cũng chỉ phát ra những tiếng “cạch, cạch” khô khốc, trầm đục. Nhưng chỉ gõ nhẹ vào chiếc khánh cổ, tiếng “chuông” đã vang vang, trong trẻo, thanh thoát rất thú vị.

Tự mình cầm vồ thử gõ cả hai chiếc khánh để so sánh, họa sỹ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Bảo trầm ngâm: “Sự khác nhau về âm thanh của chúng là do chất liệu đá mà nên. Chiếc khánh không kêu có lẽ được chế tác từ khối đá xanh bình thường. Còn chiếc khánh kêu kia, chắc chắn được chế tạo từ đá của núi Nhồi, không thể là đá ở bất cứ nơi nào khác”. 

Rồi ông cho biết thêm: “Núi Nhồi hiện nay thuộc phường An Hoạch (thành phố Thanh Hóa), cách vị trí chùa Long Cảm chừng hơn 20km về phía nam. Núi có tên chữ là An Hoạch, bên trên có cụm tượng mẹ con nàng Vọng Phu. Thời Tiền Lê, Lý từng là nơi sinh sống của rất nhiều người Lồi (nước Chiêm Thành xưa), nên còn gọi là núi Lồi, sau trại đi thành núi Nhồi. Trên đỉnh núi có hình hòn Vọng Phu, một truyền thuyết hóa đá chờ chồng của nàng Tô Thị xứ Thanh. Đá núi Nhồi rất quý, nên từ hàng ngàn năm trước, người dân ở đây đã có nghề khai thác đá ở núi này để làm khánh, bia, tượng, cột, chân cầu và các vật dụng khác”.

Khánh đá tiếng ngân như chuông đồng ảnh 1

Du khách thích thú với âm thanh của khánh đá cổ

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, núi An Hoạch có “thế núi cao mà thoải, sắc đá trắng mà mượt, tiếng kêu mà trong”, phù hợp với việc làm khánh đá. Người ta đã biết tận dụng đặc điểm độc đáo của đá Nhồi này từ rất lâu rồi. Trong sách “Quảng dư chí” từ thời Minh (Trung Quốc) có nói: “Đời Tần, quan Thái thú Dự Châu họ Ninh thường sai người lấy đá ở đây đem về làm khánh”. Hay như trong “Vân đài loại ngữ”, bảng nhãn Lê Quý Đôn chép chuyện quan Thượng thư Lê Hữu Kiểu khi làm trấn thủ Thanh Hóa sai người đến núi Nhồi lấy đá đẽo thành chiếc khánh hình cá, rồi khắc chữ vào khánh rằng: “Hoạch Sơn loại đá kêu vang/ Sắc xanh màu biếc mịn màng đẹp tươi/ Gõ lên sang sảng bên tai/ Tuyệt nhiên không chút trần ai lạc vần…”.

Các nhà địa chất cũng từng nghiên cứu về đá núi Nhồi để tìm câu trả lời cho âm thanh độc đáo của nó. Theo đó, đá núi Nhồi có hàm lượng canxi lớn nên có độ nguyên khối lớn, ít bị ăn mòn. Ngoài ra, chất đá mềm, mịn nên rất dễ chế tác các vật dụng. Nhưng lạ rằng, ở nước ta chỉ riêng ngọn núi này có chất liệu đá ấy, không tìm thấy ở những nơi khác. Các núi sát kề xung quanh núi Nhồi không cho tiếng kêu tương tự. Vì vậy, những chiếc khánh được làm từ đá núi Nhồi đều là vật quý báu cả về tinh thần lẫn vật chất, được người xưa rất coi trọng. Tất cả từ âm thanh đặc biệt của nó.

Hiện nay, không còn nhiều những chiếc khánh đá như vậy. Có thông tin ở Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh còn lưu giữ một bộ khánh làm từ đá núi Nhồi, nhưng chưa được tự tay gõ vào khánh, nên chúng tôi cũng chưa dám khẳng định về âm thanh của nó. Có thể đâu đó trong các bộ sưu tầm cổ vật tư nhân trên đất nước cũng còn những chiếc khánh phát tiếng kêu đang được lưu giữ cẩn thận. Nhưng ở chùa Long Cảm, chiếc khánh đá độc đáo đang vẫn được nhà chùa sử dụng hàng ngày. Nó được treo trên hai trụ xi măng mới đúc có hai hàng chữ Nho, bên cạnh hàng chục chân tảng bằng đá từ nền chùa cổ, không được che đậy gì. Phơi mình trong sương gió suốt nhiều thế kỷ, chiếc khánh đá cổ bị phong hóa ít nhiều, nhưng âm thanh còn rất trong trẻo, thánh thót như tiếng chuông.

“Khánh là một trong những pháp khí của Phật giáo, âm thanh có tác dụng rất mầu nhiệm đối với người tu thiền. Thiền sử kể, các thiền sư một khi đã nhập định đến một cảnh giới nào đó thì trời long đất lở xung quanh, thân tâm của các vị ấy vẫn bất động. Nhưng chỉ với một tiếng khánh nhỏ vang lên, cũng đủ làm cho các ngài thức giấc. Đôi khi, du khách vẫn tìm đến chùa để tự tay gõ nhẹ vào khánh đá mà nghe tiếng kêu, để tâm hồn thanh thản. Có người thì gõ chơi cho vui, không ít người lại coi đó như sự cầu may mắn, bình an đấy” - sư thầy Thích Đàm Quang vui vẻ cho biết.  

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.