“Khánh Tây”, thi sĩ Việt mang hai dòng máu

“Khánh Tây”, thi sĩ Việt mang hai dòng máu
TP - Đúng anh là con của một người Pháp. Ở Vinh người ta gọi Phan Hồng Khánh là Khánh Tây. Bố anh là sĩ quan Pháp tên là De Moredin. Năm 1940, người sĩ quan này đã yêu thương và đính hôn với bà Phan Thị Túc. Hai người tổ chức đám cưới hẳn hoi.
“Khánh Tây”, thi sĩ Việt mang hai dòng máu ảnh 1

...Một lần ra Vinh tôi đã gặp được tác giả "Đảo hoang" (tên một bài thơ của Phan Hồng Khánh).

Dạo đó thời bao cấp, vợ chồng nhà thơ Tuyết Nga đang ở trong một căn phòng ở Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi quen Tuyết Nga qua những lần chị vào thăm anh em văn nghệ ở Huế, nên mỗi khi ra Vinh tôi đều đến thăm Nga.

Hôm đó, anh em văn nghệ sĩ Vinh tụ tập ở nhà Tuyết Nga rất đông, và họ đang uống rượu đọc thơ. Tôi thấy trong chiếu rượu có một người cao to, râu quai nón rất bặm trợn, khuôn mặt rất Tây, miệng lúc nào cũng cười tủm tỉm.

Một người hét lên: “Phan Hồng Khánh đọc thơ đi”. Anh đứng lên tôi mới biết người “giống Tây” ấy là  Phan Hồng Khánh. Điều ám ảnh tôi nhất là Phan Hồng Khánh chưa đọc thơ ngay, mà anh với tay rút ba que nhang trên bàn thờ nhà Tuyết Nga.

Anh bật lửa thắp hương rồi cắm vào ly nước giữa chiếu rượu. Khói nhang lên xanh vắt vẻo. Sau đó anh quỳ xuống, vái ba vái rồi lầm rầm điều gì không rõ, mặt nghiêm trang kính cẩn, như dáng người cầu nguyện:

Gánh khô gánh khát ta đi

Khát thì đắng họng, khô thì cháy gan

Lấy gì khô khát cho tan

Thôi thì cốc rượu uống tràn cung mây…

Rồi không đợi mọi người giục, anh đọc tiếp ba bài lục bát nữa… Thế rồi con sáo sang sông/ Để cho câu hát cứa lòng người ơi!/ Thế rồi bèo dạt mây trôi/ Lệ đầm vạt áo, nón rơi chân cầu/ Khăn hồng yếm thắm còn đâu/ Quả cau đã bửa miếng trầu đã têm

Tôi ngồi nghe sửng sốt. Đây là lần đầu tiên tôi thấy đọc thơ, nghe thơ trong hương khói nhang linh thiêng như thế nào. Và sao con người râu ria dữ dội thế, khổ người cao lớn thế, giống Tây như hệt thế, mà viết lục bát điêu luyện, nhuần nhuyễn, dân dã và đằm thắm thế?

Sau khi nghe Phan Hồng Khánh đọc thơ, tôi chủ động bắt tay anh và chân thành khen thơ lục bát của anh rất điệu nghệ. Anh cười bảo: “Thơ phú gì đâu, mình viết cho vui đời ấy mà!”.

Sau buổi gặp gỡ đầu tiên đó, tôi hỏi Tuyết Nga và nhà điêu khắc say thơ Đào Phương, mới biết rõ hơn về cuộc đời truân chuyên của Phan Hồng Khánh. Và câu chuyện về anh càng làm tôi cảm phục anh hơn.

Đúng anh là con của một người Pháp. Ở Vinh người ta gọi Phan Hồng Khánh là Khánh Tây. Bố anh là sĩ quan Pháp tên là De Moredin. Năm 1940, người sĩ quan này đã yêu thương và đính hôn với bà Phan Thị Túc. Hai người tổ chức đám cưới hẳn hoi.

Bốn năm sau, đầu năm 1944, bà Túc đẻ đứa con trai đầu lòng mang dòng máu Pháp - Việt. Chưa kịp làm giấy khai sinh cho con trai, ông De Moredin đã bị điều động về nước.

Không biết ông đau yếu hay bị tai ương gì mà không thể trở về Việt Nam tìm vợ con. Cho đến khi chết, Phan Hồng Khánh vẫn chưa liên lạc được với người bố Pháp của mình.

Bà Túc chờ chồng, nhưng không thấy tăm hơi. Một năm sau, bà làm giấy khai sinh cho con trai, đặt tên là Phan Hồng Khánh, mang họ mẹ. Do hoàn cảnh éo le phải “đi bước nữa”, đứa con Tây mang họ mẹ ấy chưa đầy hai tuổi đã được mẹ gửi lên cho một người quen ở vùng núi xa xôi.

Phan Hồng Khánh lớn lên bơ vơ, không hơi ấm cha mẹ. Những năm tháng ấy được anh bộc bạch trong bài thơ “Xin em đừng hỏi về tuổi thơ tôi” rằng: Tuổi thơ tôi “Quên cả nắng trời”… Chỉ biết rằng không có tuổi thơ tôi...

Vâng, đúng Phan Hồng Khánh là một đảo hoang! Mãi đến lúc vào tuổi học sinh, Khánh mới được mẹ đón về Vinh ăn học: Mẹ chuộc tôi - Hai lon gạo hẩm.

Theo lời giới thiệu của những người biên soạn tập thơ Phan Hồng Khánh, thì “Phan Hồng Khánh từng tham gia Thanh niên xung phong, lăn lộn nhiều năm trên các vùng trọng điểm ác liệt, về sau chuyển sang lái xe vận tải”.

Những năm 70, Phan Hồng Khánh đến với tình yêu nồng cháy của Phúc, người vợ của anh bây giờ. Anh làm rất nhiều thơ tặng Phúc. Hai vợ chồng có với nhau hai đứa con, đặt tên là Việt và Nam.

Nghĩa là trong lòng Phan Hồng Khánh lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm ẩn khúc, mặc cảm, sợ rằng, người đời nhìn mình với con mắt nghi kỵ, rằng mình không phải là người Việt.

Nên anh làm thơ lục bát, thơ anh dùng rất nhiều ca dao, dân ca, rất nhiều từ chân quê Việt: “Sèm bữa cà pháo mới/ Với ruốc hôi, lộc thơm/ Mỗi khi mùa hạ tới/ Có bạn hiền, rượu ngon” - "Nhớ bạn", rồi anh đặt tên con bằng chính tên Đất nước!

Nghĩa là anh làm tất cả những gì tâm linh, tâm huyết nhất để chứng minh với mọi người rằng mình là đứa con của đất mẹ Việt Nam. Mãi đến năm 40 tuổi anh mới về sống với gia đình.

Do thiếu thốn tình cảm gia đình từ thuở nhỏ, nên Phan Hồng Khánh rất thương vợ thương con. Chị Phúc vợ anh buôn bán ngược xuôi tảo tần. Nhiều đêm khuya khoắt vẫn chưa về.

Anh làm thơ tặng vợ: Sao em chưa về đêm xuống/ Suối lũ ngăn đường em chăng/ Phía núi mùa này mưa lớn/ Lòng anh không khỏi băn khoăn…

Cũng vì manh áo bắt cơm

Em phải ngược xuôi vất vả

Câu thơ chẳng thay được bữa

Anh đành sống để em nuôi!

 (Thơ tặng em)

Sau này, năm 2003, sau khi Phan Hồng Khánh qua đời được một năm, chị Phúc vẫn đi buôn bán kiếm tiền nuôi con.

Có lần chị đi thu mua gom gạo nếp ở các bản Lào về Vinh bán qua đường tiểu ngạch, bị Quản lý thị trường huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) bắt, vì không có giấy tờ.

Chị bị tịch thu chục tấn gạo nếp và bị phạt tiền rất nặng. Chị điện vào cho tôi ở Huế giãi bày nỗi phẫn uất của mình và đề nghị tôi giúp đỡ. Buôn gạo nếp phục vụ Tết nhất thì làm sao gọi là buôn lậu được.

Tôi đã điện cho những người có chức trách ở Quảng Bình đề nghị tha cho chị “vì đây là vợ của một nhà thơ đã qua đời, gia đình rất nghèo, hơn nữa nếu cần thiết thì đánh thuế, chứ ai lại tịch thu…”.

Nhưng “nhà báo” như tôi cũng là người thấp cổ bé họng, làm sao nói cho họ nghe? Mà bị tịch thu hàng hóa và bị phạt, vốn liếng của Phúc coi như đi đời nhà ma! Ôi cuộc sống sao mà đa đoan, cơ cực!

Nhà thơ Nguyễn Đăng Việt ở Vinh kể rằng, trước linh cữu Phan Hồng Khánh trong dịp Tết Nhâm Nhọ ấy, chị Phúc vợ anh đã khóc và bảo rằng:

“Vì em không có tiền để in cho anh một tập thơ riêng như ước nguyện của anh, nên em sẽ phô tô thơ anh thành nhiều bản và rắc thay vàng mã trên con đường đưa anh đến nơi yên nghi ngàn thu”.

Và chị Phúc đã làm đúng như vậy. Thật xúc động và thật lãng mạn. Và thật đúng với cuộc đời và tính cách của thi sĩ Phan Hồng Khánh. Thơ là cõi thiêng của hồn người, nó phải được đọc trong khói hương trầm, phải được rắc theo linh cữu đến tận nơi huyệt mộ!

Năm 2002, bạn thơ và gia đình mới tập hợp bài vở, kiếm tiền, in tập Thơ Phan Hồng Khánh gồm 90 bài. Tập thơ in đẹp, sang trọng. Nhà điêu khắc Đào Phương ở Vinh gửi vào Huế cho tôi một cuốn.

Đọc tập Thơ Hồng Khánh tôi mới biết thêm những cung bậc tình cảm, những nét tài hoa của anh trong thơ. Đọc thơ thấy Phan Hồng Khánh câu chữ chắt lọc mà chan chứa tình người, nghĩa bạn. Anh khóc một người bạn vừa qua đời: Cỏ xanh thế để làm gì/ Mà xanh một sắc xanh rì cỏ xanh

Nhà thơ Ngô Minh

MỚI - NÓNG