Khi diễn viên thành “nô lệ” của khán giả?

Trò diễn “tay một đằng người một nẻo” của CLB Hài kịch Ứng tác Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà.
Trò diễn “tay một đằng người một nẻo” của CLB Hài kịch Ứng tác Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Hài kịch ứng tác - loại hình sân khấu không cần kịch bản vừa xuất hiện ở Hà Nội. Đến với sàn diễn 56 Nguyễn Khuyến, khán giả gần như có toàn quyền “sai khiến” diễn viên, tác động vào trò diễn tạo nên những tình huống mà hai bên đều không thể biết trước.

Bị khán giả nhốt vào “chuồng bò”

Các buổi diễn hàng tháng được CLB Hài kịch Ứng tác Hà Nội và Rotten Grapes- nhóm ứng tác viên người nước ngoài ở Hà Nội- đồng tổ chức.

Mở đầu đêm diễn tháng Ba là trò diễn dành cho 2 người. Khán giả lên sân khấu điều chỉnh cho hai ứng tác viên vào một tư thế kỳ quái và họ phải bắt đầu câu chuyện từ đó. Với tư thế đầu tiên, câu chuyện thành màn đòi nợ giữa bà chủ nhà và người thuê. Đang diễn thì bên ngoài hô dừng, hai diễn viên lập tức đóng băng. Thành viên khác thế chỗ, và diễn một chuyện khác hẳn. Có thể là chuyện ghen tuông giữa hai vợ chồng. Rồi một diễn viên khác tự động bước vào đóng vai người thứ ba...

Trong một trò khác, khán giả quyết định bối cảnh họ đang đứng: “Nhà tắm” hoặc “chuồng bò”. Diễn viên chọn “chuồng bò”. Và câu chuyện bắt đầu với cuộc hẹn hò ở chuồng bò, dẫn đến cuộc điều tra về án mạng của hài nhi bò… Khán giả tất nhiên rất nghịch. Như khi chủ trò đề nghị một từ khóa để bắt đầu trò mới, ai đó nói: “Phân”. May mà diễn viên còn được quyết định hai vai đầu tiên là bác sĩ và y tá.

Trò hiếm hoi có đạo cụ là cái bàn bên trên bày biện vật dụng linh tinh như cốc, bật lửa, chai nước, son môi. Có 4 diễn viên, nhưng 2 người không được dùng tay. Đề bài khán giả đưa ra là chuyên gia trang điểm làm việc với cô dâu trước ngày cưới. Ban đầu hai đôi tay ngoan ngoãn nghe chủ nhân nhưng khi chúng bắt đầu quậy hoặc khi cô dâu vớ chai nước đổ lên đầu trang điểm gia rồi tạt chính mặt mình, thì chủ nhân- giờ thành nạn nhân- phải tìm cách lái câu chuyện cho khớp với hành động.

Buổi diễn hai tiếng có khoảng 8 trò, với sự dẫn dắt của một chủ trò. Ở trò quy mô nhất, chủ trò mời khán giả ra điều kiện về vở kịch sắp diễn. Rồi chủ trò ngồi tại chỗ, giả vờ gõ gõ bàn phím “viết” luôn kịch bản cho diễn viên diễn tại trận. Khán giả đòi kịch bản phải có tính chất ngôn tình, kinh dị, tên là Con chó và những người bạn. Kịch bản ngẫu hứng tại chỗ kể về cô gái nuôi một con chó. Cả hai đều xinh đẹp, dễ thương. Tên hàng xóm muốn tán tỉnh nhưng không được lòng con chó. Lừa lúc cô gái đi vắng hắn lừa chó ra bờ sông giết. Kinh dị là khi con chó hiện hồn về, nói tiếng người… Tất nhiên chó là một trong những vai gây cười nhất.

Nói chung xem thể loại này, khán giả cười lăn ra theo đúng nghĩa vì ngồi bệt. Cả người diễn và người xem đều trên cùng sàn nhà, không có gì ngăn cách. Số người xem hôm đó không nhiều hơn diễn viên là bao, đều ở lứa tuổi 8X, 9X. Diễn viên đến với khán giả trong áo đồng phục, không chuẩn bị gì ngoài tinh thần hết mình. Người xem trả 60 nghìn đồng được “làm tình làm tội” người diễn, được uống nước uống bia thả phanh, còn được tặng quà khi tương tác với diễn viên.

Ứng tác với… đời

Ở vị trí người xem, sau buổi diễn tôi cảm thấy thú vị và sảng khoái, đồng thời tò mò không biết diễn viên có mệt sau khi phải vắt óc ứng tác với hàng loạt tình huống liên tục xảy đến. Đem thắc mắc hỏi Phạm Thị Hoài Thương (vai tay của cô dâu, vai chó…), cô hồ hởi: “Nếu năng lượng bị dồn ứ mới mệt. Ở đây năng lượng được thoát ra, lại được hấp thụ năng lượng từ người khác nên cực kỳ sướng”.

Thương cho hay cô tham gia CLB từ khi thành lập tháng 8/2016, vào lúc cuộc sống gần như xuống dốc. “Tôi có những cái rất điên nhưng mọi người ở đây không nói ê cái này không được mà cùng hùa theo nâng tôi lên,” cô kể. “Căng thẳng trong tôi được giải tỏa”. Hàng tuần, nhóm tập khoảng 3 tiếng vào tối thứ ba. Kết thúc mỗi buổi tập Thương thường trong tình trạng “đuổi mới chịu về”.

Trước khi đến với hài kịch ứng tác vì tò mò, Thương chưa từng nghĩ mình có thể lên sân khấu. Cũng như bao người, cô từng bị khớp trước đám đông, cứ lên sân khấu là quên sạch những gì định nói. Từ trường hợp của Thương có thể thấy tác dụng phụ của hài kịch ứng tác: khiến người ta tự tin vô đối và lúc nào cũng đầy năng lượng. Thương thừa nhận trình diễn thể loại này cũng có khái niệm “thua” hoặc “bó tay”, nhưng nó được chấp nhận như lẽ thường của sân khấu. “Ra đời gặp khó khăn cản trở, tôi cũng đón nhận cực kỳ bình thường như một gia vị của cuộc sống,” cô nói.

Quy tắc quan trọng nhất trong ứng tác là: “Yes and…”- có thể hiểu là “chấp nhận và ứng tác”. “Nếu khán giả bảo bạn là người điên, là con gà, bạn phải diễn như thế, không từ chối,” Lương Thành Đức- người sáng lập CLB Ứng tác Hà Nội cho hay. “Ứng tác trên sân khấu cũng hệt như trong cuộc sống.” Đức ví dụ không chỉ trong những tình huống như va chạm trên đường mà ngay khi hẹn bạn bè đi cà phê, chúng ta đâu chuẩn bị kịch bản. Nói chung bất kỳ ai đủ tự tin sáng tạo đều có thể trở thành ứng tác viên.

Được biết, ở ta ứng tác là môn học trong trường chuyên nghiệp nhưng chỉ dừng lại đó. Ở Mỹ chẳng hạn, đó là loại hình sân khấu riêng, mỗi bang có một nhà hát ứng tác, hàng năm tề tựu trong liên hoan ứng tác toàn quốc. Lương Thành Đức kỳ vọng tương lai nhiều tỉnh ở Việt Nam cũng có những CLB ứng tác như Hà Nội để có dịp cùng nhau thi đấu.

“Xem kịch, khán giả đều hiểu mọi thứ là diễn. Còn trên sân khấu hài kịch ứng tác, mọi thứ diễn ra như cuộc sống thật. Những người học về sân khấu sẽ coi nó như thánh đường, mọi thứ được chuẩn bị hoàn hảo. Nhưng chúng tôi muốn đặt vấn đề ngược lại”.

Lương Thành Đức - CLB Hài kịch Ứng tác Hà Nội

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.