Khi người ta “nổi”

TP - Vụ vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên bị phạt mỗi người 4 triệu đồng vì đã “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay” đang ồn ã. Trong khi sự việc có vẻ tầm phào: Vì một vài lý do họ đã cho cháu bé 4 tuổi tè vào túi nôn có trên máy bay. Đã có người chụp ảnh và lan truyền trên mạng xã hội, và dư luận bùng lên với nhiều ý kiến gay gắt.  

Một câu hỏi được đặt ra trong trường hợp này: Nếu Lệ Quyên không phải là người nổi tiếng, thì liệu cô có bị xử lý như thế? Cần nhớ lại,  tiếp viên trưởng chuyến bay đó đã nhận định rằng “hành vi này không gây uy hiếp an ninh, an toàn trên chuyến bay nên không lập biên bản mà chỉ báo cáo sự việc sau chuyến bay”. 

Việc không lập biên bản này chứng tỏ từ đầu kíp bay không đánh giá sự việc là nghiêm trọng, đáng phải xử lý. Nhưng về sau, dường như do dư luận quá gay gắt, sự việc lại bị đem ra.

Nhiều luật sư nêu ý kiến, rằng cần xem xét cả hành khách đã chụp ảnh con của ca sĩ Lệ Quyên có vi phạm hay không để xử lý, đảm bảo sự công bằng. Vì trong thời điểm đó, khi máy bay sắp hạ cánh, có được sử dụng thiết bị điện tử? 

Tuy nhiên, người này hiện ẩn danh – chỉ là một cái nick trên mạng. Theo một nghĩa khác, người này là vô danh, nếu so sánh với Lệ Quyên – người có danh. Nếu ý kiến này là xác đáng, liệu cơ quan chức năng có quyết tâm tìm ra người vô danh ấy để xử lý. Hay chỉ “túm người có tóc”?

Một câu hỏi khác khá lý thú cũng được đưa ra: Nếu Lệ Quyên chỉ là một công dân bình thường, thì bức ảnh đó có gây hiệu ứng? Thậm chí, có bức ảnh đó không? Bởi, việc chụp ảnh người nổi tiếng để thỏa mãn tâm lý hiếu kỳ, để đăng lên khiến blog, facebook của mình được nhiều like đã trở thành một hiện tượng tâm lý đặc thù của xã hội hiện đại - không chỉ ở Việt Nam. 

Đăng lên để ngưỡng mộ - dễ hiểu. Nhưng còn có xu hướng đăng lên để “ném đá”. Một triết gia đã tổng kết: Trong những kẻ hâm mộ cuồng tín, luôn tồn tại những kẻ muốn đập phá thần tượng. John Lennon bị chính kẻ cuồng mình giết hại!

Cách đây ít lâu, ảnh một người đẹp đang ngủ với tư thế chưa đẹp đã bị tung lên. Trong cơn bão đầy những “chém gió” của các anh hùng bàn phím, nổi lên một luồng ý kiến tỉnh táo: Kiểu săn ảnh và thú lan truyền những bức ảnh  để thỏa mãn thị hiếu thấp mới đáng bàn. “Chế nhạo công khai là một môn thể thao đổ máu cần phải dừng lại” (Monica Lewinsky).?

Trở lại câu chuyện của ca sỹ Lệ Quyên, cho dù hình ảnh phản cảm của cô được lan truyền trên mạng xã hội gây nhiều bàn tán, và kể cả khi truyền thông nước ngoài như báo Anh Dailymail cũng đưa tin về sự việc với dòng tít:?“Ca sỹ nhạc pop bị chỉ trích trên mạng xã hội vì cho con trai đi tiểu vào túi nôn trên máy bay”, thì đó có phải là căn cứ chính đáng để các nhà thực thi pháp luật dựa vào khi đưa ra quyết định? Phải chăng, làm người nổi tiếng thì sẽ bị phân biệt đối xử?

Có lẽ cũng nên tham khảo rằng, giới tòa án Mỹ luôn ghi nhớ câu châm ngôn, đại ý: Xử án thì không đọc báo. Có nghĩa, khi hành pháp thì không quan tâm đến dư luận.

MỚI - NÓNG