Bà Đỗ Thị Thìn, Trưởng Ban thuế TNCN - Tổng cục thuế (Bộ TC):

Khó kiểm soát thu nhập của ca sỹ, nghệ sỹ từ nhà hàng, quán bar...

Khó kiểm soát thu nhập của ca sỹ, nghệ sỹ từ nhà hàng, quán bar...
Nếu ca sĩ “đòi” ghi cát-sê trong hợp đồng ít hơn thực tế, nhà tổ chức sẽ phải nộp thuế nhiều hơn...

Tại 2 TP lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh  đã có 167 người đến kê khai thuế TNCN trong đó có 68 ca sỹ đã hoàn thành việc kê khai, quyết toán thuế năm 2004 với số tiền phải nộp gần 1 tỷ đồng.

Đơn cử như: ca sỹ Mỹ Tâm tổng thu nhập 759 triệu đồng, phải nộp thuế 286 triệu đồng; ca sỹ Cẩm Vân đã được thoái trả 1,8 triệu đồng (số thuế đã khấu trừ là 12,65 triệu nhưng khi quyết toán chỉ phải nộp 10,85 triệu đồng). Nhìn chung các ca sỹ, nghệ sỹ đã khá hiểu và cảm thấy thoải mái khi thực hiện kê khai, quyết toán thuế.

Riêng có trường hợp của ca sỹ Lam Trường thì Cục thuế TP.HCM đang phải tính toán lại do khai lẫn thu nhập của 2 năm. Nếu tách riêng khoản thu từ chương trình quảng cáo năm trước, có lẽ ca sỹ này sẽ phải nộp khoảng hơn 400 triệu đồng.

So với những “mùa” kê khai trước,  lần này “nhà”  thuế đã rất quyết liệt với chuyện nộp thuế của các nghệ sỹ, ca sỹ, tại  sao vậy?

Sở dĩ Tổng cục thuế muốn làm thật “mạnh” thu thuế TNCN của các ca sỹ, nghệ sỹ vì đây là năm đầu tiên thực hiện Pháp lệnh thuế TNCN sửa đổi, mọi đối tượng cần phải thực hiện nghiêm.

Về mức độ xử lý, sau hạn kê cuối cùng 31/3 năm nay, nếu ca sỹ nào chưa thực hiện thì sẽ bị phạt vì chậm nộp tờ khai; nếu chậm nộp thuế (bình thường hạn cuối cùng kê khai thuế năm trước là 28/2, hạn nộp thuế là 10/3) thì mức phạt tương đương 0,1% số tiền thuế phải nộp/ngày. Kê khai không trung thực, số tiền nộp phạt sẽ bằng 1- 3 lần khoản “chênh” trong khai báo. 

Trước phát biểu của các quan chức rằng: có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với những trường hợp trốn nộp thuế, chậm kê khai, đã có  ca sỹ, nghệ sỹ lên tiếng “trách” Tổng cục nặng lời, làm mất hết thể diện của họ?

Đúng là chúng tôi có nói vậy và trên thực tế, ca sỹ, nghệ sỹ nào đó nếu trốn thuế thì “chiểu” theo Luật hình sự, họ hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm. Một “chế tài” mạnh nữa mà Bộ VHTT đã nhất trí với Tổng cục thuế, đấy là sẽ thu hồi giấy phép biểu diễn nếu ca sỹ nào cố tình trốn thuế (TP đã đưa chi tiết việc này).  Tuy nhiên, Tổng cục thuế hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra.

Nhiều người trong giới người mẫu, nghệ sỹ chậm kê khai vì họ vẫn còn “tị” với khoản khấu trừ 25% của giới ca sỹ. Các khoản chi tiêu bắt buộc  mà họ đưa ra như: đầu tư trang phục, thời gian tập luyện nghe cũng xuôi tai. Liệu Tổng cục thuế có ghi nhận những ý kiến này?

Tại kỳ họp lấy ý kiến đại biểu khi sửa Pháp lệnh, Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ càng. Theo đó, Pháp lệnh sửa đổi chỉ tập trung giảm điều tiết về thuế (đưa mức chịu thuế từ 3 triệu lên 5 triệu đồng/tháng) và mở rộng diện đóng thuế để mọi người cùng thực hiện. Cho đến giờ này, Tổng cục thuế không thể hướng dẫn khác. Bởi nếu mở rộng đối tượng khấu trừ 25% sang cả nghệ sỹ và người mẫu có nghĩa Quốc hội phải sửa đổi Pháp lệnh thuế TNCN.

Có người lo ngại rằng: sau lần “xót ruột” mở hầu bao nộp thuế này, các ca sỹ sẽ “đòi” các cơ quan biểu diễn hạ cát-sê ghi trong hợp đồng nhưng trên thực tế vẫn “lĩnh” đủ số tiền họ đã yêu cầu. Điều đó có thể xảy ra không?

Rất khó bởi nếu vậy chính các cơ quan tổ chức biểu diễn sẽ bị thiệt thòi vì họ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN. Nếu cát-sê ghi trong hợp đồng thấp, tức là lợi nhuận họ nhiều và như vậy theo tính toán họ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn.

Trong thực tế khi kiểm tra sổ sách, bao giờ chúng tôi cũng yêu cầu các khoản chi phải minh bạch. Chẳng hạn phải nêu rõ: ca sỹ nào, hát bài hát gì, cát-sê thế nào, chi phí ăn ở đi lại bao nhiêu. Tuy nhiên, cũng phải công nhận “điểm yếu” khi kiểm soát thu nhập của các ca sỹ đang nằm ở các  nhà hàng, quán bar. Trước mắt, chúng tôi sẽ rất khó kiểm tra những cơ sở này...

Xin cảm ơn bà !

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.