Khó làm nên chuyện nếu không được ủng hộ

Khó làm nên chuyện nếu không được ủng hộ
TP - TS. Ngô Phương Lan chính thức làm việc tại Cục Điện ảnh ngày 26-9, với cương vị Phó Cục trưởng Phụ trách, chia sẻ với PV Tiền Phong về công việc nặng nề chờ đón trong thời gian tới.

TS. Ngô Phương Lan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh:

Khó làm nên chuyện nếu không được ủng hộ

Ngày làm việc đầu tiên của bà ở cương vị Cục phó Phụ trách Cục điện ảnh có gì đặc biệt?

Thực sự là một ngày khá căng thẳng và nhiều công việc!

Khi Bộ VHTTDL cử bà gánh trách nhiệm nặng nề, bà chuẩn bị tâm thế ra sao?

Tôi nghe anh em nghệ sĩ, mọi người hỏi từ lâu, nhưng tôi coi đó chỉ là tin đồn. Chính thức từ lúc được thông báo đến khi đọc quyết định chỉ vài tiếng đồng hồ, bản thân tôi không có thì giờ, cơ hội chuẩn bị gì đặc biệt.

Nhiều người kỳ vọng điện ảnh có thay đổi tích cực sau khi bà nhậm chức ở Cục Điện ảnh, điều này có làm khó cho bà?

Điều đó làm cho tôi tự tin, nhưng lo không kém. Trong hoàn cảnh bình thường, cương vị này phải gánh trọng trách rồi, lại còn trong hoàn cảnh không bình thường này. Hiếm có ngành nghệ thuật nào được quan tâm nhiều như điện ảnh, nếu mình làm được điều gì tốt thì đáng mừng. Nhưng ai dám nói trước chỉ có những điều tốt đẹp thôi, nên đó cũng là gánh nặng.

Điều tôi tự hào nhất về mình từ trước đến nay là sống thẳng thắn, và trung thực. Tôi nhận được nhiều tín hiệu tốt, chia sẻ của nhà quản lý, người làm phim, nhà sáng tác từ Bắc vào Nam. Một con người không thể đủ sức làm tất cả, nhất là khi đây là công việc chung. Tôi trăn trở làm thế nào để tập hợp được tâm sức của người làm nghề, các bậc lão thành trong nghề, người sáng tác trẻ và cả đội ngũ cán bộ, chuyên viên trong Cục Điện ảnh. Tôi cũng nghĩ ở thời điểm này có tài giỏi đến mấy, mà không được sự ủng hộ của mọi người, cả ở trong lẫn ngoài ngành điện ảnh cũng khó có thể làm được điều gì.

Như bà nói, sức mình có hạn, sau khi nhậm chức bà có ý định tạo nhóm trợ giúp đặc biệt nào?

Thực ra hệ thống ngành Điện ảnh có đầy đủ các cơ sở, trong Cục Điện ảnh cũng có đủ phòng ban rồi. Qua hội thảo tìm giải pháp cho điện ảnh ngày 25-9, tôi nghe được nhiều ý kiến hay và tâm huyết của nghệ sĩ, nhận ra rằng thời gian qua mỗi người, mỗi đơn vị trong ngành bị “rơi” ra góc riêng rẽ, khó làm việc lớn. Tôi nghĩ nếu vận hành tốt cơ chế như hiện nay, khơi dậy được tâm huyết của những người làm điện ảnh, hướng mọi người chăm chút vào công việc như quyết tâm của nghệ sĩ bộc lộ tại hội thảo, thì có thể yên tâm. Tôi cho rằng không cần lập nhóm hay “ê-kíp” gì đặc biệt cả.

Vấn đề ngành điện ảnh không dễ giải quyết ngay, liệu bà có thể cho công chúng hi vọng vài điều nhỏ có thể làm ngay?

Trước mắt, tôi hi vọng BTC Liên hoan phim với sự phối hợp của tỉnh Phú Yên tổ chức tốt LHP Việt Nam lần thứ 17. Vì Bộ VHTTDL và những người làm điện ảnh rất trông chờ LHP để lại ấn tượng tốt, lấy lại niềm tin cho nghệ sĩ, cho công chúng. BTC đã chuẩn bị một số công việc cần thiết: Điều lệ, quy chế, tài liệu, khảo sát thực tế. Vì 20-10 mới hết thời hạn nhận phim nên sau đó mới có thể lên danh sách mời đại biểu, in ấn tài liệu.

Nghệ sĩ, đại diện một số hãng phim cũng nói bây giờ quá muộn để duyệt, triển khai đề tài làm phim cho năm nay. Nhưng chúng tôi cố gắng gỡ dần dần, giải quyết từng việc một. Thời điểm này cũng khó tạo ra điều gì lớn lao, đột phá.

Bà có lo chuyện buồn ngành điện ảnh vừa rồi ảnh hưởng tới không khí của LHP sắp tới?

Cái gì cũng có hai mặt, tôi nghĩ sau cuộc chao đảo vừa rồi ở điện ảnh, Bộ VHTTDL quan tâm hơn, có chỉ đạo quyết liệt hơn. Đó cũng là động lực, lên dây cót tinh thần cho người làm điện ảnh, lấy lại phấn chấn, hào hứng cho nghệ sĩ. Tôi hi vọng quyết tâm của Bộ, Cục, Hội Điện ảnh và nghệ sĩ mang lại cho LHP màu sắc thực sự điện ảnh hơn.

Công việc ở Cục Hợp tác Quốc tế thời gian qua có giúp bà chút ít gì khi nhận trách nhiệm mới?

Gần 2 năm ở Cục Hợp tác Quốc tế, là thời gian hết sức quý báu với tôi. Hai năm này cho tôi nhiều cơ hội dự nhiều cuộc họp quan trọng ở trong và ngoài nước, tham gia một số hội đồng, ban chỉ đạo của các dự án hợp tác với nước ngoài. Chuyển đến môi trường mới, khối lượng và cách vận hành công việc hoàn toàn khác, buộc mình phải thay đổi rất nhiều trong nhận thức, tư duy. Vị trí quản lí (Cục phó) đòi hỏi mình phải cập nhật, nỗ lực rất nhiều để tham mưu cho Bộ, tham gia công tác quản lí của Cục. Cục Hợp tác Quốc tế ở bộ đa ngành này cũng cho tôi thêm không ít kinh nghiệm, kiến thức ngoài điện ảnh. Nên tôi nghĩ khi quay lại Cục Điện ảnh, cách nhìn của mình cũng khác so với thời gian chỉ ngồi tại một cơ quan.

Cảm ơn bà.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG