Nghệ sỹ Nguyễn Hồng Phương:

Không bán được tranh ở hội chợ thì cũng không thất bại

TP - Một Hội chợ nghệ thuật lần đầu tiên tại Việt Nam sắp được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một “sân chơi” lớn với 53 nghệ sỹ trẻ được tập hợp không chỉ từ Hà Nội.

Kỳ vọng của Ban tổ chức, đây sẽ là nơi để người yêu nghệ thuật mọi giới, mọi lứa tuổi có thể gặp gỡ trực tiếp các nghệ sĩ, trò chuyện nghệ thuật, tham quan các hoạt động sáng tạo và sở hữu trực tiếp các sản phẩm nghệ thuật tạo hình. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cởi mở với họa sỹ Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc chương trình này.

Không bán được tranh ở hội chợ thì cũng không thất bại ảnh 1

Họa sỹ Nguyễn Hồng Phương cho biết:

Sân chơi mới mẻ này cũng là môi trường cọ xát dành cho các nghệ sĩ trẻ. Thông qua dự án này chúng tôi muốn tham gia xây dựng nền móng cho thị trường trong nước, vốn chưa bao giờ thịnh đạt với số đông công chúng bản địa từ trước tới nay. Đó là định hướng tất yếu, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường văn hóa- nghệ thuật, cũng như kích thích sự phát triển khỏe khoắn cho sáng tạo, vì một nền mỹ thuật Việt Nam lớn mạnh trong tương lai. 

Từ cơ duyên nào, quá trình nào, anh nghĩ đến việc tạo lập một Hội chợ nghệ thuật?

Tôi rất yêu quí mô hình chợ phiên và băn khoăn tại sao không có mô hình chợ như vậy dành cho mỹ thuật và nghệ thuật? Đó là nơi để các nghệ sĩ có thể kết nối với những người yêu nghệ thuật một cách đơn giản và mộc mạc nhất như bản chất vốn có của một nghệ sĩ. 

Chúng tôi hy vọng qua hoạt động này, mọi người xích lại gần nhau hơn để được chia sẻ và đương đầu với thử thách lớn trong bối cảnh nghệ thuật ở Việt Nam và gần nhất là thị trường nghệ thuật Việt Nam đang sa sút. 

Đây đó vẫn có một quan niệm cho rằng nghệ sỹ phải trực tiếp đi bán tác phẩm, lại ra chợ thì không “sang”. Cũng như có người cho rằng nghệ sỹ sáng tạo chỉ chăm chăm nghĩ đến việc “bán” thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật. Anh nghĩ sao về những ý kiến này?

Với tôi nghệ thuật cũng như cuộc sống cần có sự cụ thể, thực tế. Hội chợ nghệ thuật là cái mà thế giới không còn xa lạ, nhưng ở Việt Nam thì lại là quá mới. Việt Nam hầu như không có thị trường nghệ thuật và nghệ sỹ thì xa cách với việc tiêu thụ tranh.

Quan niệm anh nêu ra cũng là một cách suy nghĩ. Nhưng cần lưu ý đây không phải là một cái chợ thông thường. Ở đây có hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Mặt khác, tôi nghĩ đây nó như một lễ hội và nó góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của những người yêu mỹ thuật. 

Khi quyết định mở Hội chợ nghệ thuật Hà Nội, anh và cộng sự đã tham khảo những mô hình hội chợ nghệ thuật từ các nước phát triển như thế nào? Có những kinh nghiệm nào về loại hình này? Có nước nào tổ chức hội chợ nghệ thuật chính trong một cái chợ thông thường như các anh đang làm?

Tôi và các cộng sự cũng đã tham khảo một số art fair (hội chợ nghệ thuật) của Singapore, Hàn Quốc… và tôi muốn biến chuyển mô hình hội chợ nghệ thuật sao cho phù hợp với bối cảnh thực tế của Việt Nam. Thực tế thì những chợ nghệ thuật của nước ngòai hoạt động rất chuyên nghiệp và có uy tín rất cao. Nhưng ở Việt Nam thì đây mới là khởi đầu. Qua thí điểm, nếu phát triển tốt thì sẽ tổ chức mỗi năm một lần như là một lễ hội để mọi người giao lưu và có cơ hội mua bán tác phẩm nghệ thuật. 

Đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và thị trường trong một hoạt động như thế này? Các anh giám tuyển tác phẩm như thế nào? 

Tôi không giỏi về kinh tế nên không biết thế nào là ranh giới giữa thị trường và nghệ thuật, nhưng ông bà ta hay nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức” nên tôi nghĩ đây cũng là một cách để tác phẩm tự khẳng định sức sống của mình. Việc giám tuyển cũng do anh em cùng bàn bạc với nhau và quyết định mà thôi.

Sẽ có những cách thức nào để Hội chợ này trở thành “nơi người yêu nghệ thuật mọi giới, mọi lứa tuổi có thể trò chuyện nghệ thuật, tham quan các hoạt động sáng tạo của nghệ sỹ”, thưa anh? Bởi hiện nay công chúng ở VN nói chung và Hà Nội nói riêng chưa hề quen với một “chợ” nghệ thuật như thế này?

Tôi không nghĩ rằng hội chợ nghệ thuật xa lạ với văn hóa Việt Nam vì trước những dịp lễ tết cổ truyền người người nhà nhà vẫn mua sắm trang hoàng nhà cửa với mục đích làm đẹp. Mọi người sẽ thấy quen ngay. Tôi tin là thế.

Tất nhiên, anh và các nghệ sỹ trẻ tham gia kỳ vọng có thể bán được tranh và các tác phẩm loại khác. Vậy dự kiến khả năng bán được đến đâu? Những loại tác phẩm như thế nào thì có thể dễ bán? 

Bán được tranh thì tốt quá! Đa số anh em nghệ sĩ đều vất vả. Nhưng tôi cũng không dám khẳng định điều gì về khả năng thương mại nhưng hy vọng là cây sẽ nở hoa.   

Nếu một nghệ sỹ khó bán tác phẩm trong những hội chợ như thế này, liệu đó có phải là sự thất bại?

Không tôi không nghĩ đó là thất bại. 

Xin cảm ơn anh!

Không bán được tranh ở hội chợ thì cũng không thất bại ảnh 2 Mặt tiền chợ Hàng Da (Hà Nội) nơi sẽ diễn ra Hội chợ nghệ thuật
Tham gia vào Hội chợ nghệ thuật Hà Nội là các tác phẩm từ tranh, tượng, sắp đặt, sản phẩm mỹ thuật thủ công… của 53 nghệ sĩ, được bố trí thành các căn phòng nghệ thuật (gian trưng bày) mang cá tính khác biệt của từng nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ.
Hội chợ nghệ thuật Hà Nội sẽ diễn ra từ 10h – 20h hằng ngày. Bắt đầu từ thứ Sáu, ngày 5/12/2014 và kéo dài tới ngày 28/12/2014 tại Trung tâm Chợ Hàng Da, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).