Không cổ phần hóa, hãng phim truyện chỉ có nước phá sản

Không cổ phần hóa, hãng phim truyện chỉ có nước phá sản
TP - Bộ VHTTDL gặp gỡ báo chí chiều 5/5 để thông tin quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, giải đáp những thắc mắc và thông tin rõ hơn quanh luồng dư luận về lùm xùm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp điện ảnh này.

Thua lỗ trong vòng 20 năm qua theo các tiêu chí xác định giá trị doanh nghiệp của đơn vị tư vấn, Hãng phim truyện Việt Nam chỉ được định giá gần 20 tỷ đồng. Không ít nghệ sỹ và dư luận cho rằng hãng bị “bán rẻ”. “Số tiền 20 tỷ đồng sau khi trừ tất cả khoản nợ này được nâng lên đặt xuống ba lần. Cổ phần hóa hãng phim giúp thay máu thực sự. Với mức lỗ luỹ kế này, nếu không cổ phần hóa chỉ hai năm nữa chúng tôi buộc phải phá sản”, đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng nói. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì cuộc họp chiều 5/5 cũng nhấn mạnh rằng không còn con đường nào khác, nếu không thì sắp tới cái tên Hãng phim truyện Việt Nam cũng mất luôn.

Trước một số phát ngôn và câu hỏi về việc có hay không sự khuất tất đằng sau sự định giá bán cổ phần Hãng phim truyện, ông Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, Bộ thận trọng trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp điện ảnh và “làm đúng lộ trình”. Việc định giá này do một đơn vị tư vấn độc lập trong danh mục do Bộ Tài chính  quy định. Về mảnh đất vàng ở số 4 Thụy Khuê mà nhiều người nói cả nghìn tỷ đồng, thực tế không thuộc sở hữu của Hãng, thực chất là đất thuê sử dụng và trả tiền hàng năm. Hãng nợ nhiều tỷ đồng tiền thuế đất trong những năm qua. Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh, theo quy định hiện hành trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp không được tính giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp.

Tại sao hãng phim được bán cho Cty Vận tải thủy? Đạo diễn Vương Đức trần tình, có vài nhà đầu tư chiến lược tìm đến nhưng không quay trở lại. Khi còn 15 phút đến giờ đóng hồ sơ, đại diện Cty Vận tải thủy đến nộp hồ sơ. Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam bất ngờ vì không còn lựa chọn khác. Nhiều người nói yêu điện ảnh lắm, yêu hãng phim nhưng chỉ bằng lời, không có hành động gì, ông giãi bày.

“Chúng tôi không bán rẻ hãng phim này, vì hãng phim này của Nhà nước. Chúng tôi không bán chúng tôi, nghệ sỹ ai vẫn là người ấy. 

Thông tin Cty Vận tải thủy nắm 65% cổ phần Hãng phim truyện khiến nhiều nghệ sỹ tâm tư, lo ngại cho tương lai một hãng phim bề dày 56 năm. Về điều  này, lãnh đạo Bộ VHTTDL nêu các cam kết mà nhà đầu tư chiến lược này phải thực hiện: Không được chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm, cam kết bằng văn bản gắn bó lâu dài, hỗ trợ doanh nghiệp cổ phần trong đào tạo, phát triển; thực hiện đầy đủ chính sách cho người lao động.

Khi được hỏi lộ trình cổ phần hóa, đạo diễn Vương Đức cho biết, trong 10% cổ phần bán ra ngoài vẫn còn 8% chưa tìm được chủ. Bộ VHTTDL cũng cho biết sẽ cân nhắc về số cổ phần này trong thời gian tới. Quá trình cổ phần hóa chưa xong, nên tất cả vấn đề nhân sự liên quan cũng chưa có câu trả lời. 

MỚI - NÓNG