Không nên đặt vấn đề cấp phép ca khúc quen thuộc

Trừ bài Tiến quân ca, các ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao vẫn chưa được cấp phép. Ảnh: ST.
Trừ bài Tiến quân ca, các ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao vẫn chưa được cấp phép. Ảnh: ST.
TP - Dư luận và giới âm nhạc được dịp bàn luận sôi nổi sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nội dung nóng nhất những ngày qua liên quan vấn đề có nên cấp phép ca khúc quen thuộc và không phương hại tới thuần phong mỹ tục, lợi ích quốc gia.

Buồn cười?

Chuyện cấp phép phổ biến ca khúc trở nên nóng hơn bao giờ hết sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vướng một loạt vụ lùm xùm. Đó là một số ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thuộc diện “chưa được cấp phép phổ biến” hồi tháng trước. Đỉnh điểm là đợt cập nhật 300 ca khúc nhạc cách mạng vào danh mục ca khúc được cấp phép phổ biến gây nên thắc mắc, hoài nghi của dư luận và giới nhạc vài ngày qua.

 Sự việc cập nhật 300 ca khúc cách mạng có thể xem như “tai nạn” của Cục NTBD. Theo lí giải của ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD, đó đơn giản chỉ là việc làm mang tính chất kỹ thuật, đưa thông tin lên website nhưng lại gây hiểu nhầm.

“Cục không nhận thấy vấn đề sai lầm ở tư duy và phương thức khi thực hiện và quản lý. Cục cứ quần quật làm việc để cập nhật danh mục các ca khúc được phổ biến thế này mỗi năm được mấy nghìn bài? Vậy mấy chục năm mới công bố hết hàng chục vạn ca khúc Việt Nam. Việc cấp phép ca khúc là việc làm không cần thiết, bất khả thi và tốn kém thời gian tiền bạc”, nhạc sỹ Phó Đức Phương nói. Tác giả Chảy đi sông ơi và nhạc sỹ Nguyễn Cường đều đặt câu hỏi nếu Cục muốn cấp phép phổ biến ca khúc Việt, vậy Cục phải ôm thêm việc cho phép lưu hành ca khúc nước ngoài ở Việt Nam. “Chẳng lẽ các ca khúc nước ngoài phải chờ Cục cho phép mới được phép lưu hành ở Việt Nam”, nhạc sỹ Phó Đức Phương nói.

Để đời sống lựa chọn

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái ký văn bản ngày 23/5 gửi Cục NTBD xung quanh nội dung cấp phép ca khúc. Nội dung trong công văn dựa vào chỉ đạo trước đó của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Một trong những nội dung quan trọng nhất là yêu cầu: Với các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến và không phụ thuộc vào thời gian địa điểm sáng tác. “Văn bản của Bộ và sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng rất kịp thời, đưa âm nhạc trở lại thời kỳ thanh bình hồn nhiên vốn có nhiều chục năm nay”, nhạc sỹ Phó Đức Phương nói.

Nhắc lại ba hình thức quy phạm sử dụng trong luật pháp để điều chỉnh hành vi hành động cuộc sống của công dân “cho phép”, “nghĩa vụ” và “cấm”, nhạc sỹ Phó Đức Phương cho rằng không nên nhầm lẫn việc cấp phép và cho phép sử dụng tác phẩm. “Chỉ có tác giả và chủ sở hữu mới có quyền cho phép sử dụng tác phẩm. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm duyệt, phát hiện và ngăn chặn ca khúc gây hại cho lợi ích đất nước, xâm phạm rõ rệt thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên khi ngăn cấm phải giải thích rõ ràng và đặc biệt không thể chỉ một hai người có thể ra quyết định mà cần cả hội đồng”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói thêm. Ông nhắc lại việc xin phép và được tác giả cho phép là không cần bàn cãi, vì quy định trong luật và liên quan đến tác quyền.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn luôn trong tình trạng gây nhầm lẫn hoặc lạc hậu dù vừa ra đời. Rất nhiều lần các nhà chuyên môn, nghệ sỹ kiến nghị Bộ và Cục xem xét lại nhiều thủ tục liên quan đến cấp phép và biểu diễn. Dịp này lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu Cục NTBD và Vụ Pháp chế rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sau đó báo cáo lãnh đạo Bộ để đề xuất sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.

Cục trưởng NTBD: Xin lỗi và xin rút kinh nghiệm

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD khẳng định vừa qua chỉ rà soát các ca khúc và cập nhật 300 bài hát cách mạng lên website của Cục. “Tôi khẳng định Cục chưa bao giờ ra quyết định cấp phép cho 300 bài hát ca khúc cách mạng. Tôi thay mặt lãnh đạo Cục NTBD với cương vị là Cục trưởng xin nhận trách nhiệm trước Bộ VHTTDL, xin lỗi độc giả vì có những quy trình thiếu cẩn trọng dẫn đến việc hiểu lầm”, ông Chương nói. Ông cũng nói thêm, rút được bài học để sớm chấn chỉnh và nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ Cục NTBD khi thực hiện các quy định của pháp luật. “Cục NTBD sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật không còn phù hợp để các quy định này phù hợp với đời sống và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước”, ông Nguyễn Đăng Chương nói.

Ông giải thích thêm, 300 bài hát này ở danh mục “phổ biến rộng rãi” có nghĩa không phải xin phép. Thủ tục cấp phép các bài hát chưa được phổ biến rộng rãi là thủ tục cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ và cơ quan quản lý thẩm định. Cục trưởng Cục NTBD cũng giải thích khó lập ra danh mục bài hát cấm như kiến nghị của nhiều người bởi “cơ quan quản lý nhà nước không có dữ liệu về bài hát bị cấm”. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Cục NTBD đề nghị Trung tâm Công nghệ thông tin gỡ bỏ các ca khúc này khỏi website.

Sáng 23/5, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện triệu tập cuộc họp xung quanh vấn đề này. Lãnh đạo Cục NTBD khẳng định tới đây không có chuyện cấp phép cho các bài hát đã lưu hành trong đời sống xã hội, và những bài hát đó không đi trái lại với thuần phong mỹ tục, lợi ích dân tộc. Cục sẽ hướng dẫn các Sở VHTTDL trong cả nước thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ VHTTDL liên quan cấp phép ca khúc.

MỚI - NÓNG