Không quà, không giận

Không quà, không giận
TP - 1/ Nói về cơn giận, có giai thoại Đức Phật gặp phải một người trong cơn tức tối đã xông tới mắng mỏ xối xả. Phật bình thản nghe hết, rồi mới hỏi, đại loại nếu ông cho người ta một món quà, người ta không nhận, thì rốt cuộc món quà ấy thuộc về ai, tất nhiên nó vẫn là của ông rồi. Vậy cơn giận của ông cũng thế, ông giận dữ với người ta, mà người ta bình thản không phản ứng, thì cơn giận ấy ở lại với ông.

Còn bây giờ không phải là chuyện sân hận giận dữ, và là chuyện bản thân. Tự hỏi, nếu người ta cho anh một món quà, anh không nhận, người ta cứ bỏ đấy, dán cả nhãn lên đấy: món này của HAT, anh có nhận không?

Tuần tự thì thế này: có một tập sách là Câu đố Việt Nam, ghi là do Hồ Anh Thái sưu tầm. Hóa ra là chỉ ngồi yên, không làm gì mà bỗng nhiên cũng “ngồi mát ăn bát vàng”. Giá có ai hỏi mình một câu, cuốn này có phải ông làm không, sẽ vội vàng mà đáp: Không phải tôi.

Không phải tôi. Vậy mà không dưng có ai ngồi mất công biên soạn cả một cuốn sách, rồi lại dâng cho mình đứng tên? Cũng chẳng hề đến gặp trực tiếp hoặc gián tiếp mà nói tôi tặng ông món này.

Cứ quẳng bừa ra đấy giữa thiên hạ, hình như nhiều năm rồi. Ban đầu họ lấy giấy phép in ở nhà xuất bản Hải Phòng, sau đấy thì ở NXB Văn hóa thông tin, như trong trang mạng vinabook.com này: 

https://www.vinabook.com/cau-do-viet-nam-p48785.html

Tôi đã từng nhắn với nhà xuất bản đã in bản đầu tiên, rằng của Xêda thì hãy trả cho Xêda, nhưng rồi hình như chính nhà xuất bản cũng không tìm lại xem công ty nào đến xin giấy phép. Nhiều năm qua đi, khéo mà thiên hạ không nghĩ rằng im lặng là tỏ ý bất bình. Theo lẽ tầm thường, im lặng tức là công nhận, tán thành, đồng ý. Im lặng có khi là thích.

Bây giờ vào mạng lại thấy cái món hàng không phải của mình mà cứ dán nhãn tên mình. Đến lúc phải kêu lên, không phải tôi. Kẻo rồi nhiều năm sau có người tưởng là đồ của mình thật.

2/ Lại một “món quà” nữa, không dưng từ trên trời rơi xuống. Cũng đã nhiều năm, tôi cứ băn khoăn làm sao để người ta sửa giúp trên các mạng. Mạng mà đã lan truyền thì như vi rút, cho nên tiếng Anh mới có từ viral để chỉ sự lan tràn trong chớp mắt. Lâu nay tôi vẫn có ý thắc mắc ai là tác giả của cái truyện ngắn Bốn khúc một bản tình ca. Sao đã mất công ngồi viết mà không nhận, lại cứ ghi tên tác giả là Hồ Anh Thái? Truyện ngắn ấy cứ thế mà viral lan truyền qua các mạng, bây giờ vẫn còn nguyên đấy ở các mạng ngoisao.net, 4phuong.net, wattpad.com… Chẳng hạn như ở đây:

http://ngoisao.net/tin-tuc/choi-blog/sach-hay/bon-khuc-mot-ban-tinh-ca-2449974.html

Một lần nữa lại phải kêu lên, không phải tôi.

Cách viết ấy không phải tôi, tôi đâu dám nhận. Cách biên soạn sách ấy không phải tôi, cũng đâu dám nhận.

Tự nhiên lại nghĩ, giá mà tác giả truyện ngắn kia và người biên soạn câu đố kia một ngày nào đó bước ra từ sau tấm bình phong mà đến trò chuyện với mình. Cuộc gặp gỡ ấy biết đâu thú vị nhiều hơn là bất bình.

Không giống như chuyện cơn giận được Phật ví với món quà. Tôi không coi hai sản phẩm này là quà tặng. Không thích, nhưng cũng không phải là cơn giận, giận người thì cơn giận ở lại với chính mình thôi.

Chỉ mong các vị liên quan, dù không muốn ghi tên mình lên sản phẩm thì các vị hãy thiện chí mà xóa giúp cho cái tên tôi.

MỚI - NÓNG