Khuyến khích mua nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm

Khuyến khích mua nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm
TP - Ngày 19/5, tỉnh Hà Tây tổ chức công bố Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia cho làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây- Hà Tây)- làng cổ đầu tiên trong cả nước được xếp hạng di tích.
Khuyến khích mua nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm ảnh 1
Cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm)

Làm thế nào để quản lý, bảo tồn và khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa của làng cổ thời “hậu” xếp hạng di tích? Ông Đào Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây - cho biết.

Tỉnh Hà Tây đã chỉ đạo thị xã Sơn Tây thành lập Ban quản lý di tích làng cổ. Thị xã Sơn Tây cũng đã lập dự thảo quy chế quản lý làng cổ.

Quy chế này quy định rõ về các nguyên tắc quản lý, sửa chữa đối với các ngôi nhà cổ, nguyên tắc ứng xử đối với các di tích lịch sử văn hóa như đình, đền, chùa và cách ứng xử trong quan hệ gia đình, dòng tộc, làng xã…

Những quy chế này đã được đưa xuống cơ sở để người dân đóng góp ý kiến trước khi ban hành chính thức.

Hiện Ban quản lý làng cổ đã ký hợp đồng với một Cty tư vấn làm quy hoạch bảo tồn, tôn tạo làng cổ. Trên cơ sở quy hoạch sẽ có những cơ chế bảo tồn phù hợp.

Nhưng thực tế người dân địa phương khó cưỡng nổi sự xâm nhập của cuộc sống tiện nghi ngay trong những ngôi nhà cổ kính, xem ra mâu thuẫn này khó giải quyết?

Đúng là để bảo tồn được giá trị nguyên bản của làng cổ như: đường sá, nhà cửa, tường rào, vườn, quan hệ làng xóm, lối sinh hoạt gia đình, cộng đồng là rất khó.

Quần thể di tích làng cổ Đường Lâm

Làng có khoảng 800 ngôi nhà cổ bằng đá ong. Trong 16 di tích ở Đường Lâm có 7 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 1 di tích được tỉnh Hà Tây xếp hạng.

Các di sản phi vật thể gồm: Nội dung 21 tấm bia đá trong đó có 9 bia đưa vào thư mục như bia “Phụng Tự Bi” khắc năm 1390 ghi lại sự tích của Phùng Hưng, Ngô Quyền... Tại Đường Lâm còn bảo lưu được các lễ hội truyền thống tôn phong các anh hùng dân tộc…

Chúng tôi đề ra nguyên tắc cố gắng không đưa những cái mới vào làng cổ như: làng không treo giàn ăng ten, không có nhà mái bằng... Trong làng cổ vẫn duy trì các sinh hoạt đặc trưng như: nấu bếp củi, bếp rơm rạ.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu cuộc sống tiện nghi của người dân địa phương, tỉnh giao thị xã Sơn Tây lập quy hoạch khu giãn dân làng cổ.

Đây sẽ là nơi những người dân được sống trong điều kiện không bị chi phối bởi các quy định ngặt nghèo về bảo tồn làng cổ.

Giải pháp lấy di tích, nuôi di tích có được tỉnh khuyến khích thực hiện tại di tích làng cổ Đường Lâm?

Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân làm du lịch mua lại các ngôi nhà cổ của người dân. Tuy nhiên các doanh nghiệp phải chấp hành đúng các quy định về bảo tồn di tích. Việc kinh doanh du lịch cũng đòi hỏi phải đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường tại các ngôi nhà này.

Xin cảm ơn ông!

Phùng Sưởng
(thực hiện)

MỚI - NÓNG