Kỳ lạ chiếc gùi của sơn nữ

Một điệu múa của sơn nữ Mạ.
Một điệu múa của sơn nữ Mạ.
TP - Chiếc gùi, vật dụng gắn bó mật thiết trong sinh hoạt hàng ngày, là nét văn hóa đặc trưng của các tộc người thiểu số Tây Nguyên. Riêng với sơn nữ Mạ, gùi chứa đựng bao điều bí ẩn trong đời sống tâm linh, tình cảm…

Như hình với bóng

Hình ảnh có thể nhìn thấy hàng ngày nhưng cũng để lại ấn tượng khó quên ở các buôn làng Tây Nguyên là những sơn nữ vai trần thon thả, má đỏ hây hây, các bà các chị nước da rám nắng khỏe khoắn với những chiếc gùi nâu trên vai thấp thoáng ẩn hiện trên sườn dốc, nương đồi, dưới thung sâu hay trên đỉnh đèo chót vót. “Vì sao cuộc sống hiện đại đã sản sinh nhiều công cụ vận chuyển thuận tiện nhưng phụ nữ Tây Nguyên vẫn gắn bó với chiếc gùi?”, tôi hỏi già làng K’Rền ở xã Lộc Bắc, Bảo Lâm, Lâm Đồng. Già bảo gùi không đơn thuần là dụng cụ để mang vác mà còn là người bạn, vật trang sức, niềm kiêu hãnh và cả số phận của họ.

Phụ nữ Mạ thường sinh con bên ngoài. Khi đứa trẻ được 8 ngày tuổi mới làm lễ rước về nhà. Con gái trong lễ này phải có chiếc gùi hoa, cùng khung dệt thổ cẩm xinh xắn. 6 đến 7 tuổi, các em học mang những chiếc gùi be bé trên lưng. Thêm vài tuổi nữa sẽ được ông bà, bố mẹ dạy đan gùi, chứ không đi mua.

Được xem như món trang sức, gùi được sơn nữ đan, trang trí sao cho thật đẹp, phù hợp với vóc dáng của mình. Đan xong, không dùng ngay mà treo trên gác bếp để hơi nóng của lửa, của khói xông lên, hun cho chiếc gùi săn chắc, bền đẹp.

Kỳ lạ chiếc gùi của sơn nữ ảnh 1

Những chiếc gùi có nắp quý hiếm.

Bí ẩn gùi hứa hôn

Các già làng kể, trước kia, mới bước vào tuổi 15-16, sơn nữ đã được phép tự do hò hẹn, chung đụng với các chàng trai mà mình yêu thích. Sau khi ân ái, cô gái lặng lẽ vào rừng tìm nhành gỗ quý, đẽo thành hình linga (dương vật) rồi giấu trong chiếc gùi đẹp nhất của mình. Số lượng linga nhiều hay ít tùy vào số chàng trai mà cô đã hò hẹn, yêu đương. Chiếc gùi cô dâu mang về nhà chồng càng nặng thì chú rể càng tự hào.

Dân tộc Mạ có hơn 41.000 người, là tộc người xuất hiện sớm nhất ở Lâm Đồng, có lịch sử tồn tại hàng ngàn năm. Lãnh thổ người Mạ đã từng ổn định trong lịch sử và một số tài liệu xưa gọi là tiểu vương quốc Ma hoặc xứ Mạ. 

Theo già K’Rền, dẫu chấp thuận chuyện tự do luyến ái song luật tục cấm không được để lại hậu quả (mang bầu), do đó hầu hết các cô gái đều được mẹ truyền cho bài thuốc tránh thai từ lá cây rừng. Ngoài ra, chuyện ngoại tình sau khi kết hôn bị cấm ngặt, thậm chí bị xem như là một trọng tội và kẻ gian dâm vừa bị phạt vạ để tạ tội với thần linh vừa phải bồi thường cho người bị bội tình số lượng tài sản khá lớn.

Từ thập niên cuối của thế kỷ 20 đến nay, nhờ giao lưu rộng rãi với nhiều dân tộc khác và do các ban ngành, đoàn thể tích cực vận động nên quan hệ tình dục của trai gái giai đoạn tiền hôn nhân giảm dần.Trong ngày cưới thay vì trao cho gia đình chú rể chiếc gùi đựng linga, cô dâu tặng gùi củi. Mẹ chú rể đại diện nhà trai ra đón và hướng dẫn cô dâu cẩn trọng đặt chiếc gùi vào vị trí quy định trong nhà, sau đó làm lễ trao vòng trói buộc cuộc đời đôi trai gái. Gùi củi này do tự tay sơn nữ làm. Cô chọn những cây thật thẳng, có gỗ cháy đượm, chặt thành từng đoạn ngắn bằng nhau chừng 40-45cm, sau đó khéo léo dùng rìu chẻ nhỏ bên trong sao cho từng khúc củi nhìn bề ngoài tưởng như còn nguyên nhưng khi đem ra đốt, mẹ chồng chỉ cần dùng tay tước ra thành từng thanh nhỏ.

Bếp lửa không chỉ để nấu nướng, sưởi ấm mà còn nuôi dưỡng tâm linh, nên người Mạ giữ bếp luôn cháy đỏ. Có lẽ, vì vậy, tục trao lễ vật hứa hôn bằng củi được lưu truyền lâu dài đến ngày nay.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.