Lá chuối và tuổi thơ

TP - Trẻ nhỏ ham chơi. Mà muốn chơi thì phải có trò. Vấn đề “thiên nan vạn nan” là đã có trò thì phải có đồ để chơi. Con nhà nghèo thì làm gì có chuyện được trang bị đồ chơi. Mơ đi! Cơm còn chưa được ăn no thì đồ chơi là thứ xa xỉ. Mấy trò bắt nẻ, thả diều, năm mười, nhảy cà chuông và vân vân…, chơi miết cũng hóa nhàm. Không sao! Cái khó ló cái khôn. Không có đồ chơi thì tự tìm lấy. Gì chứ món tương ra các trò để chơi thì tôi đây thuộc hàng… “cao thủ”.

Làm mới khó chứ chơi thì dễ òm. Nhà tôi, nhà bác, nhà chú, nhà bạn… tóm lại là hồi ấy xóm tôi nhà ai cũng có một vườn chuối. Lá chuối bè bè như cái quạt khổng lồ, tàu nào cũng xanh mướt, không chơi thì uổng lắm. Tôi tận dụng lá chuối để chơi, như cái cách ông thợ mộc dụng gỗ vậy.

Lá chuối già, khô thì dùng để xây nhà (nhà chòi). Quả là một “túp lều lí tưởng”, không chê vào đâu được – tất tật đều được làm bằng những tàu lá chuối. Mái, tường và sàn. Chưa hết đâu. Trước cửa “nhà” còn có những “bà mẹ” tảo tần, xé lá chuối gói bánh ít, bánh nậm, bán xôi, bán cốm…

Lá chuối non thì có trò khác, độc đáo và hấp dẫn hơn nhiều - trò hóa trang. Tiết mục được chờ đợi nhiều nhất là cô dâu, chú rể. Trò này không mới nhưng tôi dám cá “cô dâu lá chuối” thì hơi bị… lạ. Cho phép khoe “công trạng” chút nha. Trò này tôi là “tổng đạo diễn” kiêm “diễn viên” chính.

- Nhưng nói trước là chơi trò này sẽ phải trả giá đấy! Lần nào tôi cũng cảnh báo với mấy đứa như vậy, lí do người lớn đi làm về, đằng nào cũng bi thiết nhìn những đọt chuối xanh non bị vặt gãy cổ mà đau lòng xót dạ, rồi đằng nào lũ tôi cũng bị nọc ra cho ăn roi. Còn phải hỏi, với nhà nông, cây chuối làm được biết bao việc hữu ích giờ bị cái lũ ôn con phá tan tành như vậy, ai mà chịu được. Nhưng cảnh báo của tôi không ăn thua, (thế mới biết sức cám dỗ của trò chơi độc đáo này). Đứa nào cũng hất mặt lên tỏ rõ “khí tiết”, ăn roi thì ăn roi, có sức chơi có sức chịu…

Chỉ cần một vài tàu lá chuối non thì có thể “phù phép” ra một cô dâu, đẹp hơn bất cứ một thiên thần nào.

Trước nhất là tận dụng lớp phấn trắng trên lá non làm phấn nền, để làm nước da nhem nhẻm kia trở nên nõn nà như trứng gà bóc. ( Nói vậy cho bảnh thôi chứ thoa lớp phấn (lá chuối) ấy lên thì khuôn mặt “cô dâu” sẽ lem nhem, lốm đốm. Nhưng không sao, “cô dâu” nào chẳng đặc biệt).

Rồi đến tóc. Những lá chuối non sẽ được tước thành sợi, cột lại thành những lọn tóc xoăn (lá chuối non khi bị tước sợi sẽ thun lại như tóc uốn). Ôi chao, “cô dâu” trông thật… “Tây”.  Thứ đến lại chọn những tàu lá to, lại tước thành sợi (sợi to) rồi choàng vào người làm áo, làm váy. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ngày mình “lộng lẫy” sau khi trang điểm, rồi thẹn thùng bối rối khi được “bố” Phong cầm tay dắt đi trên những tàu chuối xanh và đặt tay “con gái rượu” vào tay “chú rể” Du …

***

Chúng tôi lớn lên, xuôi ngược. Liệu các bạn ngày ấy có như tôi, có xem kỉ niệm tuổi thơ như “tình thư một bức phong còn kín”(*) để rồi những lúc lòng quay quắt nhớ, bồi hồi “gượng mở xem” (*).../.

(*): Ý thơ trong bài “Ba tiêu” (Cây chuối) của Nguyễn Trãi.

MỚI - NÓNG