Lam Trường: Nếu bắt buộc, tôi sẽ chọn gia đình

Lam Trường: Nếu bắt buộc, tôi sẽ chọn gia đình
Sau 2 đêm diễn rầm rộ của Rain Bi, Lam Trường tuyên bố chính thức “Chuyện hôm qua” sẽ là live-show tại TP.HCM, Hà Nội và Singapore. An- vợ anh, và đứa con 7 tháng tuổi là nguồn động lực lớn đối với chàng ca sĩ này.
Lam Trường: Nếu bắt buộc, tôi sẽ chọn gia đình ảnh 1
Ca sĩ Lam Trường

Không biết có kéo lại được cảm xúc của khán giả hay không...

Những áp lực của anh trong live show này là gì?

Đã 5 năm tôi mới làm live show, nên không khí live show quá lâu để tôi cảm nhận được. Mặt khác, live show trước của tôi đầu tư rất lớn, nên lần này khán giả trông đợi vào tôi rất nhiều, và đó cũng là áp lực.

Trong khi đó, nhiều live show diễn ra trong thời gian qua đã làm khán giả thay đổi cách nhìn về nó. Khi mọi người nhìn live show với hình ảnh rất bình thường mà họ từng xem trước đây, thì chính tôi cũng chịu áp lực: Không biết có kéo lại được cảm xúc của khán giả như mình đã từng làm từ  năm 2002 hay không?

Show của anh đặt cạnh live show Rain’s coming - Việt Nam cũng là một áp lực?

Đúng ra chương trình của tôi tại TP.HCM diễn ra ngày 8 và 9/3. Nhưng khi mọi người đón nhận thông tin, thì rõ ràng show của Bi tại TP.HCM là một áp lực, và áp lực này là dĩ nhiên, không phải tôi, mà tất cả ca sĩ cũng sẽ phải đối diện.

Tôi nghĩ, mình đã làm việc nghiêm túc và mọi người thấy được sự nghiêm túc của mình. Song, công tác PR cho show của Bi tại Việt Nam lại rất mạnh. Vấn đề đó sẽ khó cho tôi, cho công ty tổ chức live show của tôi, và khó cho cả việc truyền thông.

Lịch diễn của tôi lúc đó mới chỉ tính trên bàn giấy, chưa đưa ra kế hoạch cụ thể, nên không khó để dời ngày. Hơn nữa, làm thời điểm đó cũng hơi vội đối với tôi.

Bạn bè cùng ê kíp thực hiện live show đều rất bận với những dự án riêng. Mọi người tính dời lâu, nhưng lâu quá sẽ mất đi yếu tố đầu năm, nên cuối cùng quyết định “chốt” lại vào hai ngày 23 và 24/3 ở TP. HCM.

Anh trở thành ca sĩ Việt Nam đầu tiên tổ chức live show tại Singapore. Vì sao lại có quyết định này? Và con số 4 tỉ đồng sẽ được chi như thế nào cho show diễn này?

Singapore có dân số ít, nhưng đất nước này lại nằm trên một hòn đảo nhỏ. Người Việt ở Singapore đa số là sinh viên, họ có những mối liên hệ với nhau. Đất nước nhỏ bé nên thông tin với nhau dễ dàng hơn.

Nhà hát Esplanade có khoảng 1.800 chỗ ngồi, so với 4.000 – 5.000 người Việt thì có thể đầy được nhà hát, miễn là mình làm tốt vấn đề PR. Chúng tôi làm PR chủ yếu theo hệ thống đại diện hội sinh viên Việt Nam tại Singapore, bên cạnh đó là những nhà hàng của Việt Nam hay nhà hàng của Singapore mà người Việt hay tới.

Bốn tỉ đồng mới chỉ là con số áng chừng cho hai điểm TP. HCM và Hà Nội, và nó sẽ còn nâng lên, khi chúng tôi di chuyển sang Singapore. Con số này chủ yếu được đầu tư cho nhân sự.

Riêng ở Việt Nam, nhóm làm việc cho live show không dưới 100 người. Ngoài ra là đầu tư cho địa điểm, cơ sở vật chất trong bối cảnh giá cả đều theo chiều hướng nâng lên so với trước đây.

Chắc chắn đêm diễn mở màn sẽ có vợ và con tôi

Vợ con anh có về Việt Nam để nghe anh “kể” Chuyện hôm qua?

Gia đình tôi đã về Việt Nam, nhưng chỉ xem chương trình ở TP. HCM, sau đó phải quay lại Mỹ. Chắc chắn đêm diễn mở màn sẽ có vợ và con tôi. Không biết bé sẽ ngồi được bao lâu. Vì bé mới được 7 tháng tuổi, âm thanh quá lớn sẽ không tốt cho bé, nên có thể mẹ bồng đi chút xíu, rồi sẽ có người đưa bé về.

Live show trước anh vẫn một mình, lần này đã lên chức bố. Sự khác biệt này đem lại cho anh cảm nhận gì?

Quan trọng nhất là suy nghĩ của tôi chín chắn hơn trước, tôi nghĩ đến con của mình nhiều hơn. Mỗi lần nghĩ tới khuôn mặt, nụ cười và những điểm con giống mình, tôi cảm thấy rất vui.

Giai đoạn này, chính bé làm tôi lấy lại cân bằng, vượt qua được những mệt mỏi, áp lực trong công việc. Tôi cảm thấy mình đằm hơn. Tôi muốn được ở bên cạnh bé suốt chứ không phải xa như thế này, nhưng đặc trưng công việc khiến tôi rất khó chăm sóc bé trong khoảng thời gian này.

Bây giờ bé chưa đầy tuổi, nhưng khi  2 – 3 tuổi, chắc chắn tôi phải tính thế nào đó để được chăm sóc bé, chứ không thể nào sống thế này được. Tôi sẽ nói chuyện với vợ, để đưa cô ấy về Việt Nam.

Bởi ai cũng muốn con mình có một cuộc sống được đầu tư ngay từ đầu. Mỹ là môi trường tốt, nhưng môi trường tốt nhất là gần bố mẹ. Công việc của tôi như mọi người đã thấy, vợ tôi lại là người có khả năng làm tốt nhiều công việc.

Trong cuộc phỏng vấn… 2 năm trước, anh cũng nói đang tìm việc cho vợ, sự xa cách chỉ là giải pháp tình thế. Nhưng xem ra “tình thế” này kéo dài khá lâu?

Tuỳ hoàn cảnh mỗi cặp vợ chồng. Có những người không vượt qua được chuyện đó, bắt buộc phải đến một chung kết nào đó, hoặc là phải sống chung với nhau, hoặc là chia tay. Riêng hoàn cảnh của tôi đặc biệt hơn một chút.

Tôi may mắn vì An là người rất hiểu và thông cảm cho tôi. Đó là lý do đến nay hai người vẫn hai nơi. Nhưng giai đoạn này sẽ khác, có em bé lại càng khác nữa.

Bây giờ không phải là vấn đề của tôi với An nữa, mà là vấn đề của người thứ 3, và vì người thứ 3 này mà chúng tôi phải có sự hy sinh. Một là tôi phải sang Mỹ, hai là An về đây.

Và như tôi đã nói, chọn phương án vợ tôi về đây có lẽ hợp lý hơn, nhất là thời điểm này, đầu tư ở Việt Nam rất dễ. An làm về công nghệ thông tin, cô ấy có thể mở công ty riêng, hoặc tìm kiếm một công ty ở Mỹ có chi nhánh tại Việt Nam.

Còn nếu tôi sang Mỹ mọi chuyện lại khác. Công việc của tôi là ca hát, nếu trở thành kỹ sư sẽ mệt hơn người khác, bởi tôi phải học lại. Không phải tôi không học được, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian và chưa chắc đã làm tốt bằng người ta, vì tôi chưa có nhiều kinh nghiệm.

Có phải anh đang đặt vợ vào tình huống phải hi sinh cho mình?

Người ta hay nói phụ nữ Việt Nam luôn hy sinh cho gia đình. Trước đây tôi chỉ cảm nhận điều đó qua lời nói. Có gia đình tôi mới cảm nhận hết được sự hy sinh đó. Khi hiểu được rồi mình phải làm sao để bù đắp lại.

Anh là người quá tham vọng với công việc, và với tham vọng đó thì vợ con cũng phải… đặt sang một bên?

Khi mới làm bố, xa bé tôi nhớ nhiều lắm. Tôi gọi điện thoại mỗi ngày, nghe tiếng bé khóc, cười, để giải quyết vấn đề của mình. Tôi yêu công việc, nhưng không phải là người quá tham vọng mà từ bỏ tất cả, đặc biệt là gia đình.

Nếu bắt buộc phải chọn một trong hai, tôi sẽ chọn gia đình chứ không phải sự nghiệp. Nhưng tôi may mắn vì chưa đến mức độ phải lựa chọn như vậy. Có một gia đình mới, tôi phải từ bỏ công việc, khán giả, đam mê của mình. Có thể gia đình sẽ hạnh phúc, nhưng tư tưởng của tôi cắn rứt. Như thế tôi sẽ không vui, nên hạnh phúc gia đình không thể nào trọn vẹn.

Hơn ai hết, chính vợ tôi cảm nhận được điều đó. Đó là lý do không bao giờ An nói câu anh phải chọn công việc hoặc em và con!

Theo Sài gòn Tiếp thị

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.