Lãng phí - biết rồi, khổ lắm, nói mãi

Lãng phí - biết rồi, khổ lắm, nói mãi
TP - Đây là một tật xấu mà dư luận xã hội, báo chí lên án nhiều, Quốc hội đã thông qua “Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” để ngăn chặn, đẩy lùi. Muốn phòng chống lãng phí hữu hiệu phải nhận diện bản chất của nó.
Lãng phí - biết rồi, khổ lắm, nói mãi ảnh 1

1/ Lãng phí do mặc cảm, tự ty: Nghèo nhưng đi chợ không thèm trả giá, không nhận tiền lẻ thối lại, sợ bị chê keo. Để phòng chống kiểu lãng phí này phải giáo dục, xây dựng lối sống trung thực, không phù phiếm, không tự dối lòng mình

2/Lãng phí do thích oai, thích sang: Có người trình độ tiếng Anh chỉ nói được mỗi câu “Thank you” nhưng mua hàng đống từ điển để giá sách, mỗi cuốn vài ba trăm ngàn đồng.

Nhà cửa xây thật to trong khi chỉ mấy người làm việc, máy vi tính  xịn đa chức năng chỉ để soạn thảo văn bản thay máy chữ.

Liên hoan, tiếp khách gọi thức ăn, rượu bia xả láng, dùng không hết thì bỏ. Thành ngữ mới “ăn chơi không sợ tốn kém” đã thành cửa miệng của giới thượng lưu và giới trẻ “sành điệu”... 

3/ Lãng phí do dùng “của chùa”: Ở nhà thì “đo hũ nước mắm, đếm củ dưa hành” nhưng đến cơ quan thì xài điện nước như phá, buôn điện thoại hàng giờ liền, bút viết hễ khó ra mực một chút là bỏ, nhận cây khác bởi đó là của công, của nhà nước, của “chùa”.

Để khắc phục lãng phí kiểu này cần xây dựng các định mức chi tiêu hợp lý, khoán cho từng người, từng bộ phận cụ thể, rõ ràng, thưởng phạt nghiêm minh.

4/ Lãng phí do vụ lợi: Một số người cố tạo ra sự lãng phí để kiếm chác, lợi dụng, hoặc bưng bít, khoả lấp phần bị xà xẻo, chia chác nhằm tạo ra trạng thái “huề cả làng”, đổ lỗi cho khách quan, cho quản lý kém, cho cơ chế để không thể quy trách nhiệm cụ thể cho ai.

Đây là loại lãng phí cố ý vì mục đích vụ lợi, cần phải nghiêm trị, thu hồi tài sản bị lãng phí, có như vậy mới ngăn chặn được các hành vi cố ý gây ra lãng phí để “đục nước béo cò”.

5/ Lãng phí do cơ chế, thủ tục hành chính: Một ngôi nhà cấp bốn, nếu tư nhân xây dựng chỉ hết khoảng 70 triệu đồng với thời gian thi công khoảng vài ba tháng nhưng vốn nhà nước thì hết 100 triệu mà cả năm mới xong.

Không phải do tham nhũng mà do cơ chế, phải xin chủ trương, duyệt thiết kế dự toán, thuê tư vấn giám sát, thẩm định…, mỗi công đoạn tốn nhiều thời gian và kinh phí nhưng chất lượng công trình cũng chỉ bằng hoặc thua tư nhân xây dựng.

Hai đơn vị ở cạnh nhau nhưng thuộc 2 cơ quan chủ quản khác nhau nên không thể liên kết, hợp tác với nhau do đó  2 đơn vị phải có 2 hội trường, mỗi năm chỉ sử dụng vài ba lần rồi bỏ không.

6/ Lãng phí do năng lực, trình độ hạn chế, thiếu  tầm nhìn xa trông rộng: Đây là loại lãng phí lớn nhất  nhưng lại “hồn nhiên, vô tư” nhất, thậm chí còn được khen, còn là niềm tự hào của chủ thể gây ra lãng phí.

Một cơ quan vừa  xây xong trụ sở thì phải bổ sung thiết kế, mở rộng, nâng cấp vì vừa tăng biên chế  nên chật chội. Một con đường vừa làm xong phải nâng cấp, mở rộng vì phương tiện giao thông tăng quá nhanh. Việc tách nhập tỉnh, huyện trong những năm qua đã gây ra lãng phí lớn.

Thế nhưng khi nhập lại, người ta đánh giá đó là thắng lợi của tầm nhìn chiến lược, của đổi mới tư duy, cải cách bộ máy nhà nước. Nhập một thời gian không có hiệu quả lại tách ra.

Khi tách ra người ta lại tiếp tục ca ngợi sự đổi mới của tư duy mới, của tầm nhìn chiến lược mới. Sự lãng phí hai lần được ca ngợi bởi  nó xuất phát từ tầm nhìn hạn chế. 

Biết bao quy hoạch treo, dự án treo, biết bao nhà máy mía đường xây dựng xong phải dời đi chỗ khác, biết bao cái chợ xây xong không có người họp, biết bao giếng nước làm xong không có nước.

Những công trình đó khi khởi công cũng như khi khánh thành đều trống dong, cờ mở, đều báo cáo thành tích… vì vậy tôi tạm gọi đây là sự “lãng phí vô tư” sự lãng phí “được khen”.

Ngành giáo dục bị “bệnh thành tích” suy cho cùng là sự lãng phí thời gian, của cải, tuổi trẻ cũng xuất phát từ tầm nhìn hạn chế nên luôn “cầm đèn chạy sau xe bò”. Đưa ra chỉ tiêu phổ cập cấp này, cấp nọ, không được để học sinh lưu ban.

Vì vậy nhà trường phải bắt các em lên lớp, phải khen thưởng, biểu dương thành tích tưởng tượng.  Bây giờ phát hiện học sinh ngồi nhầm lớp, đào tạo ra trường không sử dụng được phải đào tạo lại, sự lãng phí này thật khó tính bằng tiền.

Tôi thử phân loại lãng phí theo động cơ, mục đích của chủ thể gây ra lãng phí để có biện pháp phòng, chống hiệu quả với từng kiểu lãng phí. Để chống lãng phí phải giáo dục phẩm chất, đạo đức đồng thời phải nâng cao trình độ mọi mặt để cán bộ, công chức và nhân dân biết nhìn xa trông rộng, những công việc nếu chưa đủ tầm thì nên thuê mướn tư vấn, chuyên gia, dám  thoát ra khỏi tự ty, mặc cảm.

(Nhiều cái người ta đã làm cách đây mấy mươi năm, thậm chí cả thế kỷ thế nhưng có người vẫn cứ mày mò làm lại, coi đó là sáng kiến, phát minh mà không chịu học hỏi hoặc bỏ ra ít tiền mua bản quyền sẽ tiết kiệm  hơn nhiều lần).

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).