Lăng Tôn Trung Sơn - Một công trình nghệ thuật đặc sắc

Lăng Tôn Trung Sơn - Một công trình nghệ thuật đặc sắc
TPCN - ...Chúng tôi bắt một chuyến xe bus tới chân núi Tử Kim, sau đó đi bộ vào khu di tích. Núi Tử Kim được mệnh danh là một trong “tứ đại danh sơn của Giang Nam”.
Lăng Tôn Trung Sơn - Một công trình nghệ thuật đặc sắc ảnh 1
Lăng Tôn Trung Sơn

Núi Từ Kim ban đầu tên Kim Lăng (Kim Lăng là một tên cổ của Nam Kinh),đến thời Hán thì đổi thành Chung Sơn (núi Chuông).

Trên đỉnh núi có đá phiến màu tím, vào mỗi lúc bình minh hoặc hoàng hôn, ánh mặt trời phản xạ trên mặt đá tạo ra sắc tím, vì thế núi còn có tên là Tử Kim Sơn.

Thế núi Chuông hùng vĩ, tráng lệ, có dáng dấp giống như rồng cuộn (“Chung Sơn long bàn”). Khu phong cảnh lăng Trung Sơn nằm dưới chân núi Chuông, rộng 31km vuông, cao 448m so với mặt nước biển, là nơi hội tụ những danh lam thắng cảnh của cố đô Nam Kinh.

Du khách có thể đáp xe điện đến tận cửa lăng Trung Sơn, nhưng chúng tôi muốn đi bộ để tận hưởng không khí trong lành nơi đây. Đường lên núi được trải nhựa bóng loáng, những cây ngô đồng hai bên đường cao to tỏa tán lá rậm rạp.

Chúng tôi thấy vô cùng mát mẻ và khoan khoái khi vừa đặt chân tới núi Chuông.

Tương truyền chính Tôn Trung Sơn đã chọn núi Tử Kim làm nơi yên nghỉ cuối cùng cho mình. Ngày 3/12/1925, Tôn Trung Sơn trút hơi thở cuối cùng. Cũng vào ngày hôm đó, bác sỹ người Đức của Tôn Trung Sơn đã công bố một bản báo cáo, trong đó có đoạn:

“Chiều hôm qua, ngài Tôn Trung Sơn đã đưa ra lời dặn dò cuối cùng về việc an táng, và muốn chuyển tới Tôn phu nhân (tức bà Tống Khánh Linh – DT). Ngài muốn di thể của mình cũng được mọi người lưu giữ lại, giống như của người bạn Lênin, và quàn tại Nam Kinh”.

Tôn Trung Sơn là người Quảng Đông, từ trần ở Bắc Kinh, vậy tại sao ông lại chọn núi Kim Sơn của Nam Kinh (thủ phủ tỉnh Giang Tô) làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn?

Có rất nhiều giả thuyết xoay quanh vấn đề này, nhưng thực ra nguyên nhân có thể tìm thấy ngay trong những lời dặn dò của tiên sinh trước khi mất. Báo “Dân quốc nhật báo” ra ngày 3/12/1925 đăng bài ghi chép lại những lời cuối cùng của Tôn Trung Sơn với thư ký Uông Tinh Vệ, trong đó có đoạn:

 “Sau khi tôi mất, di thể có thể quàn tại chân núi Kim Sơn của Nam Kinh, vì Nam Kinh là nơi thành lập chính phủ lâm thời, do vậy không thể quên cách mạng Tân Hợi”.

Tôn Trung Sơn cả đời hoạt động vì cách mạng, năm lần chu du vòng quanh thế giới. Tiên sinh từng bôn ba rất nhiều nơi, thời gian ông sống ở Nam Kinh thực ra không lâu.

Thế nhưng lúc Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh lại chính là lúc Cách mạng Tân Hợi thành công, vương triều nhà Thanh bị lật đổ, Trung Hoa dân quốc thành lập.

Mặc dù Tôn Trung Sơn nhậm chức Đại tổng thống lâm thời tại Nam Kinh chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi, nhưng đó lại chính là khi lý tưởng của ông thành hiện thực.

Có lẽ vì thế mà Tôn Trung Sơn có tình cảm vô cùng sâu nặng với Nam Kinh. Giây phút Tôn Trung Sơn lâm chung, Nam Kinh còn nằm dưới sự thống trị của quân phiệt Bắc Dương. Vì vậy Tôn Trung Sơn muốn yên nghỉ ở Nam Kinh còn có ngụ ý cổ vũ các đồng chí tiếp tục phấn đấu.

Sau khi Tôn Trung Sơn từ trần, một hội đồng trù bị việc an táng được thành lập. Hội đồng đã phát động cuộc thi thiết kế lăng mộ dành cho Tôn Trung Sơn. Hội đồng thẩm định bao gồm gia quyến của Tôn Trung Sơn và nhiều vị kiến trúc sư, họa sỹ nổi tiếng trong và ngoài Trung Quốc.

Sau 6 tháng phát động, cuối cùng kiến trúc sư trẻ tuổi Lã Ngạn Trực đã giành giải nhất với mẫu thiết kế Lăng Trung Sơn độc đáo. Tác phẩm hội tụ những đặc trưng kiến trúc Đông Tây, phản ánh cuộc đời cách mạng vinh quang của Tôn Trung Sơn và qua đó thể hiện sâu sắc lòng tôn kính của nhân dân dành cho bậc lãnh tụ.

Nhìn từ trên xuống, bản thiết kế của Lã Ngạn Trực có hình dáng tựa như một quả chuông vĩ đại, ngụ ý ca ngợi tiên sinh Tôn Trung Sơn đã “thức tỉnh dân chúng”. 

Nhờ vào giải thưởng này mà Lã Ngạn Trực đã trở thành một kiến trúc sư lừng danh khắp Trung Quốc. Công trình khởi công vào mùa hè năm 1926, nhưng vì chính cục rối ren nên mãi tới 3 năm sau, vào mùa xuân năm 1929 việc xây dựng mới hoàn tất.

Kiến trúc sư Lã Ngạn Trực đã không có dịp tận mắt nhìn ngắm tác phẩm của mình,  ông mất vì bệnh ung thư gan trước đó ít lâu ở tuổi 36!

Vé vào Lăng Trung Sơn giá 40 nhân dân tệ. Qua khỏi cửa soát vé, cánh cổng khu di tích đã sừng sững trước mắt.

Sơ đồ ở mặt sau tấm vé chỉ rõ toàn bộ khu di tích có tất cả 4 lớp cổng, bên trên khắc chữ mạ vàng, nội dung đều liên quan đến cuộc đời của Tôn Trung Sơn, và đều được phỏng theo chính bút tích của ông. Cánh cổng đầu tiên khắc hai chữ “Bác ái”.

Sinh thời, Tôn Trung Sơn luôn đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập, tự do dân tộc trên tinh thần bác ái. Hai chữ “bác ái” có thể coi là một sự khái quát cả cuộc đời ông.

Cổng “Bác ái” làm bằng đá hoa cương trắng, những cột cao sừng sững hướng lên trời xanh. Đứng ở đây đã có thể thấy lăng mộ Trung Sơn thấp thoáng ẩn hiện giữa rừng thông phía sau.

Rời khỏi cổng Bác ái, chúng tôi tiến sâu vào phía trong. Một con đường lát gạch bê tông dài gần 500 mét trải ra trước mắt, hai bên đường là những cây tùng tuyết và bách hội to lớn, tán lá xanh rậm rạp che mát cho du khách.

Cổng chính của Lăng Trung Sơn hiện lên phía cuối con đường. Cổng có ba vòm, cao gần 17 mét, các cánh cửa đều bằng đồng và chạm trổ hoa văn, trên cổng vòm ở chính giữa có khắc bốn chữ “Thiên hạ vi công” (Thiên hạ là của chung).

Trong hơn 2000 năm lịch sử xã hội phong kiến Trung Quốc, các bậc hoàng đế luôn coi “thiên hạ” là tài sản riêng, thực hiện chế độ thống trị chuyên chế. Tôn Trung Sơn lãnh đạo cuộc cách mạng Tân hợi chính là để lật độ tư tưởng “thiên hạ vi tư” này.

Thế nhưng sau khi Trung Hoa dân quốc thành lập, “thiên hạ” lại bị Viên Thế Khải rồi sau đó là quân phiệt Bắc Dương chiếm đoạt, chúng đấu đá tranh giành quyền lực khiến nội bộ luôn rối ren.

Sau khi Viên Thế Khải chết, Tôn Trung Sơn từng phát biểu: “Tất cả những tội ác của Viên thị đều do tư tưởng coi thiên hạ chỉ thuộc về cá nhân mà ra”. Tôn Trung Sơn luôn làm theo phương châm coi thiên hạ là của chung, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.

Sau cổng lăng là nhà bia, kiến trúc tương tự như hai lớp cổng trước. Bên trong đặt một tấm bia đá cao tới hơn 8 mét, trên khắc chữ mạ vàng: “Quốc dân đảng Trung Quốc an táng thủ tướng tiên sinh Tôn Trung Sơn tại đây – Ngày 1 tháng 6 năm thứ 18 Trung Hoa Dân Quốc (1929)”.

Hướng dẫn viên du lịch giải thích rằng bia đề “Thủ tướng” vì đó là chức vụ của Tôn Trung Sơn trong Quốc dân đảng.

Phía sau nhà bia, đường đi bắt đầu hơi dốc lên. Để tới được tế đường, chúng tôi phải leo hết 392 bậc thang. Con số này tượng trưng cho số dân Trung Quốc 392 triệu người thời đó.

Chúng tôi càng leo càng thấy dốc, độ dốc này cũng hàm chứa ngụ ý của kiến trúc sư, ông muốn du khách cảm nhận được lời dặn dò của Tôn Trung Sơn trong di chúc: “Cách mạng vẫn chưa thành công, các đồng chí vẫn phải tiếp tục cố gắng”.

Tế đường có mái kép, lợp ngói men xanh, tường làm bằng đá hoa cương Hồng Kông. Mặt trước có ba cổng vòm, trên mỗi cổng lần lượt khắc các chữ: “Dân tộc, dân quyền, dân sinh”, nội dung của “Chủ nghĩa tam dân” do Tôn Trung Sơn đề xướng. Đứng trước tế đường nhìn xuống phía dưới lại càng thấy rõ hơn vẻ hùng vĩ của tổng thể kiến trúc…

Quan tài của Tôn Trung Sơn đặt ở trung tâm vòng tròn, thấp hơn mặt sàn chừng một mét. Trên quan tài đặt tượng tiên sinh ở tư thế nằm tạc bằng ngọc trắng, kích thước như người thật.

Tác phẩm do một nhà điêu khắc người Séc tạc nên. Tế đường vốn đã nhỏ, nay du khách đến viếng quá đông khiến không gian càng trở nên chật hẹp. Du khách chen chúc nhau bên lan can để được nhìn thấy tượng Tôn Trung Sơn.

Họ í ới gọi nhau, bấm máy ảnh lia lịa, đèn flash sáng nhòa khắp gian phòng, những đốm đỏ của máy ảnh in lập lòe trên hình tượng Tôn Trung Sơn bằng ngọc trắng.

Bao nhiêu cảm giác thiêng liêng, ấn tượng hùng vĩ khi mới tới cổng lăng nay bỗng bị không khí hỗn độn này quấy nhiễu. Bằng tỏ ra thất vọng, giục chúng tôi mau rời khỏi tế đường.

Nhưng Nhân đã níu chúng tôi lại và nói: “Hãy dành một phút tưởng niệm tiên sinh”. Và chúng tôi đã mặc niệm, trong lòng thầm bày tỏ sự kính trọng, biết ơn với một bậc tiền bối vĩ đại.

 Duy Thị (Hàng Châu, tháng 5/2006)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.