Lễ hội phản cảm: Tôn trọng nhưng không thả nổi

Lễ hội phản cảm: Tôn trọng nhưng không thả nổi
TP - Không khí lễ hội hiến sinh lại sục sôi giữa tiết trời đổ lửa 2/7, khi có đại diện cộng đồng cho rằng không thể không chém, không đập, còn Bộ trưởng Bộ VHTTDL nói “không thể lùi được nữa”.

1. Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Vũ Xuân Thành đánh giá bên cạnh những mặt tiến bộ, nổi cộm mùa lễ hội vừa qua là nhiều nơi ồ ạt phục dựng tục chém lợn, đâm trâu, đập đầu trâu và lễ hội chọi trâu, ngày càng mang tính thương mại. Bộ chủ trì hai hội thảo, trong đó nhiều nhà khoa học vẫn bảo lưu ý kiến đa số lễ hội hiến sinh diễn ra trong cộng đồng làng xã là chủ yếu, cần tôn trọng.

Được đà, đại diện dân xã Khắc Niệm, TP Bắc Ninh nơi diễn ra lễ hội chém lợn phát biểu bên lề cho rằng lễ hội này phục dựng hơn chục năm qua, thay đổi nhận thức của dân không dễ. Hỏi có chém tiếp không, vị này khẳng định vẫn, vì có lễ hội chém lợn thì “tình cảm làng xóm đoàn kết”.  Đại diện lễ hội cầu trâu Hương Nha (Phú Thọ) cũng nói không thể bỏ, chỉ có thể thay đổi cách giết “kín đáo” hơn. Thế là vẫn phải chém, giết hết ông ỉn đến ông trâu? Bộ nhắc lại, nhiều chuyên gia trong hai hội thảo vừa qua cũng đồng tình cái gì tốt giữ lại, điều gì không phù hợp phải điều chỉnh. “Tôn trọng cộng đồng, nhưng cũng cần tôn trọng phản hồi xã hội”.

2. Khẳng định hiến sinh là nghi lễ không thể thiếu của bất cứ dân tộc nào, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian VN tuy thế cho rằng “đập hết thứ này thứ khác, phản cảm, không thể chấp nhận được”. Theo ông, ngoài thuyết đa dạng văn hóa, thì cũng có nền văn hóa có giá trị chuẩn toàn cầu, nhân văn chung nên không thể khư khư ôm lấy văn hóa làng.

Ông Vũ Xuân Thành nói tôn trọng và phát huy vai trò cộng đồng nhưng “Tôn trọng không có nghĩa là thả nổi, nhà nước phải phát huy vai trò quản lý”.

Quan điểm của nhiều chuyên gia và nhà quản lý là không thể ra mệnh lệnh cấm đối với phong tục tập quán. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ từng khẳng định “khi cần phải áp dụng mệnh lệnh hành chính”. Khẳng định tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, người đứng đầu ngành văn hóa vẫn tuyên bố “không thể lùi được nữa”. Bước đầu là vận động, thuyết phục nhưng nếu người dân kiên quyết không thay đổi thì phải có biện pháp mạnh. “Phải chấm dứt các nghi thức, tập tục gây phản cảm. Xã hội hiện đại không có chỗ cho hủ tục. Không lý lẽ nào biện minh cho sự tồn tại của những yếu tố phản văn minh, gây bức xúc, ảnh hưởng đến hình ảnh và giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kết luận hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội, nhấn mạnh: các cơ quan chức năng, địa phương cần sớm tìm hình thức thay thế các nghi thức phản cảm này.

MỚI - NÓNG