Lê Minh Sơn: "VN chưa có thị trường âm nhạc"

Lê Minh Sơn: "VN chưa có thị trường âm nhạc"
"Theo quan điểm của tôi, Việt Nam hiện nay chỉ có âm nhạc thị trường chứ chưa có thị trường âm nhạc"... Lê Minh Sơn thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Lê Minh Sơn: "VN chưa có thị trường âm nhạc" ảnh 1
Lê Minh Sơn                       - Ảnh Lê Bảo

Có người nói nhạc của anh không gần gũi với khán giả. Anh nghĩ sao về điều này?

Theo tôi, đây chỉ là ý kiến chủ quan của một vài người. Tôi đã đi nhiều tỉnh thành trong toàn quốc, khi nói tôi là tác giả của À í a, tôi luôn được chào đón rất nồng nhiệt. Khi À í a của tôi dự thi, nó không chỉ nhận được một giải mà là 3 giải, giải bài hát của tháng, giải do khán giả bình chọn và giải ca khúc của năm. Và với một hội đồng nghệ thuật như ở Bài hát Việt, tôi hoàn toàn tin tưởng vào những đánh giá của họ.

Với một kết quả như thế, tôi không có gì để phàn nàn. Còn về sáng tác của Nguyễn Vĩnh Tiến, tôi xin gửi lời chúc mừng tới thành công của anh trong năm vừa qua. Mong anh sẽ tiếp tục gửi dự thi nhiều tác phẩm khác và giành giải cao hơn trong năm nay.

Vậy với nhận xét nhạc của anh khó tiếp cận thì sao? 

Tôi không bao giờ nghĩ như vậy. Tôi đã tạo ra một thương hiệu Lê Minh Sơn với Bên bờ ao nhà mình, với Chuồn chuồn ớt, Nắng lên, Ôi quê tôi, Đá trông chồng... Nếu những sáng tác đó chỉ nằm cá thể ở một vùng, một miền nào đó, chúng đã không được khán giả đón nhận như họ đã đón nhận trong suốt thời gian vừa qua.

Nghĩa là anh vẫn theo con đường anh đã định sẵn từ đầu?

Tất nhiên! Và chính sự chấp nhận của khán giả với những tác phẩm của tôi đã khẳng định thêm điều đó. Tôi hạnh phúc, tôi tự hào với mỗi sản phẩm của mình.

Trong sáng tác anh chịu ảnh hưởng của những ai?

Với tôi, âm nhạc không bao giờ là cái từ trên trời rơi xuống cả, mà là một sự kế thừa. Như bạn đi trên một con đường, bạn buộc phải nhìn cái lưng của những người đi trước. Nếu bạn là người có khả năng bạn sẽ vượt lên, nhưng chắc chắn bạn sẽ phải nhìn thấy cái lưng của một người khác nữa. Vì vậy tôi mới nói, âm nhạc là sự kế thừa.

Và từ sự ảnh hưởng, kế thừa cho đến sự bứt phá là cả một quá trình dài. Hiện nay, tôi cũng là một người đang đi trên con đường đó, cũng đang lần mò và tìm cho mình một lối đi riêng. Và tôi nghĩ cho đến lúc này, tôi cũng đã có được một cái gì đó để làm nên cái tên Lê Minh Sơn (cười).

Vậy cụ thể hơn một chút, anh kế thừa từ ai?

Đỗ Nhuận và Văn Trung, đó là hai người có ảnh hưởng với tôi nhiều nhất. Sau này thì có Nguyễn Cường và Trần Tiến.

Anh từng nói sẽ rời xa thị trường âm nhạc khoảng 5 năm. Anh nói ra đi để tìm sự bình yên, rằng tuy có chút thành công nhưng anh chưa thấy được chỗ đứng thực sự tác phẩm của anh trên sân khấu ca nhạc Việt Nam… Vậy chữ “thực sự” ở đây có thể hiểu như thế nào?

CD Thanh Lam - Trọng Tấn chính là tác phẩm cuối cùng của tôi trong năm nay. Tôi muốn ngừng lại bởi tôi cảm thấy mình phải ngừng lại. Tôi muốn học thêm nhiều hơn, vì với tôi, học luôn luôn là điều mà tôi khao khát.

Sự ra đi này có chịu sự tác động nào từ phía dư luận?

Tôi chỉ muốn nói thế này, khi phân tích một tác phẩm, không chỉ riêng âm nhạc mà trong văn học, hội hoạ, sân khấu, điện ảnh… cần phải có những người thực sự có tài và có tâm. Nếu không, tất cả những sản phẩm mồ hôi nước mắt, tiền bạc của người nghệ sĩ chân chính, trong đó có những người đã lao động và trả giá bằng cả cuộc đời, sẽ bị phá hoại một cách cực kỳ vô cảm. Và sự phá hoại đó có thể bóp chết những tài năng. Vì vậy tôi mới nói, khi viết, khi phê bình cần phải có một cái tâm rất sáng. Với tôi bây giờ, vấn đề dư luận không còn những ảnh hưởng, vì tôi đã bước qua cảm giác đó.

Vậy còn câu nói "thị trường âm nhạc của chúng ta chưa đúng nghĩa là thị trường âm nhạc thực sự, chưa rạch ròi các giá trị, vàng thau lẫn lộn..." thì sao?

Theo quan điểm của tôi, Việt Nam hiện nay chỉ có âm nhạc thị trường chứ chưa có thị trường âm nhạc. Một thị trường âm nhạc thực sự là gì? Là phải có một nền công nghiệp đẳng cấp âm nhạc, và để có được điều đó, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước tiên là vấn đề kinh tế và sau nữa là vấn đề con người.

Để sản xuất được một đĩa nhạc có thể bán trên thị trường nước ngoài, chúng ta cần phải có một phòng thu từ 4 đến 7 triệu USD. Chúng ta đâu có cái đó, và nếu như chúng ta có, chúng ta lại phải cần có những con người biết sử dụng phòng thu, và phải có những nhạc công đáp ứng được những tư tưởng mà chúng ta đưa ra. Chúng ta chưa có khả năng để làm những điều đó.

Với anh, âm nhạc có vị trí quan trọng cỡ nào?

Với tôi, âm nhạc cũng chỉ là một nghề bình thường như biết bao nghề khác mà người ta lựa chọn để kiếm sống. Nó không có gì to tát cả. Nếu tôi không làm âm nhạc, tôi có thể làm về buôn bán, làm một người bình thường, một công nhân viên chức như bao người khác. Nhưng tôi nghĩ, khi tôi đã làm đến mức như hiện nay, trách nhiệm của một người làm nghề nó không còn là của riêng cá nhân mình nữa.

Tôi nói câu này nhiều người có thể thích hoặc không, có thể cho Lê Minh Sơn là một thằng ngạo mạn, một thằng hâm... nhưng tôi nghĩ mình có một trọng trách, một trọng trách vô hình đặt lên vai tôi, dù không ai yêu cầu, nhưng với 23 năm học và làm nghề, tôi thấy mình cần phải có trọng trách với cái tâm của người làm nghề này.

Nếu dùng hai từ để nói về bản thân, anh sẽ nói gì?

Sạch sẽ và nghiêm túc. Tất cả về tôi gói gọn trong những từ ấy.

Điều mãn nguyện nhất của một người làm nghệ thuật như anh là gì?

Nghệ thuật theo tôi rất công bằng, nên tôi làm sản phẩm đâu có sợ bị chê bai này nọ. Tôi tự hào về mỗi sản phẩm của tôi. Đối với một người làm nghệ thuật, cái còn lại cuối cùng là gì? Là khi về già, nhìn lại con đường đã đi, không bao giờ cảm thấy xấu hổ về những sản phẩm mình đã đưa ra trước công chúng. Là có thể tự hào ngửa mặt lên trời cười 3 tiếng và nói với con cháu mình rằng "Bố mày ngày xưa là như thế đấy". Với tôi, tất cả chỉ đơn giản có thế! (cười).

Theo VTV

MỚI - NÓNG