Lễ rước Kinh Dương Vương: Luồn kiệu lấy may

Rước kiệu tại Lễ hội Kinh Dương Vương. Ảnh: N.M.Hà.
Rước kiệu tại Lễ hội Kinh Dương Vương. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Tương truyền, Kinh Dương Vương là vị vua thủy tổ của nước Việt; lễ rước ngài diễn ra ngày 16 tháng Giêng tại làng Á Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Trong suốt lễ rước kiệu kéo dài vài tiếng, trẻ con, người lớn liên tục chúi vào gầm kiệu, luồn qua luồn lại.

Sau khi bài vị Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ được đặt lên ngai để chuẩn bị rước, vị chủ tế cùng các bô lão trong làng tỉ mỉ buộc từng mối dây, trong khi những người rước kiệu chắp tay hướng vào kiệu thầm khấn gì đó. Rồi khi các mối buộc đã chắc chắn, chủ tế hô “hai, ba”, tất cả cùng đưa kiệu lên vai...

Kể từ lúc những người khiêng kiệu đứng thẳng lên và bắt đầu di chuyển, khung cảnh bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người cứ chúi vào gầm kiệu, luồn qua luồn lại, không quên cắp theo đứa bé con. Xong nghi thức đó, ai nấy đều hể hả vì bọn trẻ đã được các ngài phù hộ cho hay ăn chóng lớn. Nhiều bà mẹ bế sẵn con túc trực hai bên quãng đường chừng hơn trăm mét từ đền ra đê (ngay bên kia đê là lăng), để luồn kiệu. Bọn trẻ đủ lớn thì tự biết dắt díu nhau luồn hết lần này đến lần khác, hớn hở ra mặt.

Dân tình đua nhau thả các tờ tiền lẻ vào miếng vải điều bốn góc cột bốn chân kiệu. Miếng vải võng xuống thành chỗ chứa công đức. Đến khi kiệu tiến đến đền, mưa gió làm cờ quạt bay phần phật. Một số tờ tiền cũng rời chỗ bay theo. Mấy người lại phải rời đội rước đuổi tiền trên triền đê. Người ta bảo tiền rơi có thể hiểu là ngài đang ban lộc trên đường rước kiệu.

Không biết mấy trăm người tham gia đoàn rước. Chỉ biết mỗi gia đình trong làng phải cử ít nhất 1 người tham gia, nhà nào nhiều thì 3-4. Các cụ cao niên kể, khi đình còn chưa bị giặc phá, và đường rước kiệu còn xuyên qua làng dài một cây số, riêng kiệu vua bà là hay “bay”. Đặc biệt riêng rước bà chỉ dành cho đội nữ ở độ tuổi 40.

Ngoài lễ rước từ đền sang lăng diễn ra trong vòng 3 tiếng, phần hội cũng có các trò chơi thông thường như nhiều hội làng khác. Năm nay trời cho mưa khá dày hạt, các trò đấu vật, cờ người, bóng chuyền đâm ra ngừng trệ hết. Chỉ mấy xới đá gà vẫn túm đen tụm đỏ.

Vái vọng

Cụ Nguyễn Bá Dinh, 86 tuổi, cho hay: “Năm nay mưa gió, dân ít đến. Mấy năm trước, tiếng rưỡi đồng hồ mà đám rước vẫn chưa ra đến chân đê. Đầu tới lăng mà chân vẫn ở đây”. Trước khi lễ rước diễn ra là phần dâng hương của lãnh đạo địa phương. Hầu hết các vị đều phải đứng ngoài sân vái vọng. Thực tế là đền thờ Kinh Dương Vương rất chật, theo các cụ, chỉ bằng hậu cung của đình ngày xưa. Các cụ kể, cột đình xưa 2 người ôm, sàn toàn bằng gỗ lim cao ngang ngực người lớn. Đúng kiểu ngày xưa khi hành lễ, chỉ các cụ mới được vào trong, bá quan cũng đều đứng ngoài vái vọng hết.

Trước khi Pháp phá đình làm bốt gác vào năm 1952, các cụ đã kịp rước hòm sắc về đền Kiếp Bạc, tiếp tục thờ tự. Năm 1993, Nhà nước cấp kinh phí, đền được dựng mới hoàn toàn ở khu văn chỉ. Trước đây, kinh phí tổ chức lễ hội được bổ đầu mỗi suất đinh trong làng, dù đó là trẻ sơ sinh hay bô lão. “Ba năm trở lại đây, cả nước hướng về cội nguồn, lộc lạc có tiền chi phí, dân không bổ nữa,” bà Nguyễn Thị Nghiêm, thủ nhang chùa làng, cũng là người phụ trách toàn bộ đoàn nữ tế (múa sênh tiền, múa trống quạt), cho biết.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục. “Nhâm Tuất thứ nhất, cháu ba đời của Viêm Đế, Thần Nông thị là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh tuần thú phương Nam lấy con gái Vụ Tiên mà sinh ra vua. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi làm con nối ngôi trị phương Bắc, phong cho vua là Kinh Dương Vương trị phương Nam gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân…”.

MỚI - NÓNG