Lê Thiết Cương: Hà Nội như nam châm

Lê Thiết Cương và “Chân dung 2” - tác phẩm trong triển lãm điêu khắc Mặt của anh. Ảnh: N.M.Hà.
Lê Thiết Cương và “Chân dung 2” - tác phẩm trong triển lãm điêu khắc Mặt của anh. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Lê Thiết Cương là họa sĩ Hà Nội sống và triển lãm cùng một nơi. Ở đó trên tầng hai, chủ nhân khoe có nửa tạ sách của đủ các bậc thầy trên thế giới mà anh cất công mang vác từ khắp nơi. Khi nói nghệ sĩ rốt cuộc phải là trí thức, chính anh đang biến mình thành ví dụ.

Anh được biết đến là họa sĩ có danh. Động cơ nào dẫn anh đến việc làm điêu khắc?

Tôi có thêm chiều thứ ba để được thỏa mãn hơn nữa trong câu chuyện tối giản của mình. Vì tôi chỉ có thể làm được tối giản từ cái tranh đầu tiên, triển lãm đầu tiên 1991 đến giờ.

Anh có chút tự giới hạn bản thân khi nói “chỉ có thể”?

Phong cách là ADN, là dấu vân tay, không thể khác được. Như Nam Cao “Hễ say thì nó chửi. Mà đã chửi thì…”. Những hư từ (rằng thì là mà) trong tiếng Việt được ông sử dụng kiểu của ông ấy, sao thay được. Bây giờ có người vẽ xanh đỏ tím vàng kiểu chủ nghĩa tối đa đi (nếu như có chủ nghĩa ấy) thì không thể nào bắt họ theo tối giản. Nó là cái máu.

Gần đây thấy anh xuất hiện với nhiều vai trò, kể cả viết báo, làm phim ngắn, dẫn chương trình…

Cuối cùng tôi là nghệ sĩ. Được mời làm MC không thể nào nói phét, mình cũng phải xem kỹ, đọc thêm. Làm gì có ca sĩ, nhạc sĩ hay họa sĩ nào “vô học”. Ai cũng phải biết chuyên môn của mình. Nhưng cuối cùng nghệ sĩ phải là trí thức - là tổng hợp: nghe nhạc, xem phim, đọc sách, sống. Những cái đó phải mưa dầm thấm lâu. Khi nhận làm nhiều việc, mình cũng vì áp lực để tìm tòi. Chẳng hạn giờ mình viết cái gì không đúng, người ta phản biện ngay.

Mới đây bạn anh - nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo tâm sự nhiều khi cà phê với bạn bè còn quý hơn ngồi chọn ảnh…

Tôi nói khác đi, độ cộng thông giữa các nghệ sĩ các loại hình khác nhau rất quan trọng, trước đây rất phổ biến nhưng thời hiện đại hình như ít. Ví dụ hồi xưa bác Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn chơi với rất nhiều nhạc sĩ. Tôi từng gặp các đại ca Đặng Đình Hưng, Huy Du, Vĩnh Cát chơi với cả Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm…

Hay cũng vì nay ít có người cùng mặt bằng để cho mình giao du?

Tôi thấy họa sĩ còn đỡ, họ vẫn xem được phim, nghe được nhạc. Không hiểu sao ít ca sĩ, nhạc sĩ xem được tranh. Hoặc ví dụ cái nhà này tiếp không thiếu ông nhà văn nào nhưng tôi đang nghe nhạc, họ đến chưa bao giờ quan tâm tới nhạc tôi đang nghe, đừng nói đến việc bảo “cho tao nghe lại”.

Đấy là một trong lý do khiến nền văn hóa bị xé lẻ, khó có thể đạt đến chiều cao hay chiều sâu?

Và cái đó có một hệ lụy nguy hiểm hơn. Để ý nhiều họa sĩ vẽ làm triển lãm đầu tiên rất thành công nhưng khó đi xa. Trời cho năng khiếu có thể đi được đoạn đường đầu đời, nhưng để phát triển, phải có tri thức, hiểu biết chung.

Trước tình trạng này, anh có mong muốn, giải pháp gì chăng?

Nếu họ không tự nâng mình lên thì sẽ loanh quanh luẩn quẩn, khó mà có tác giả. Vì làm gì có “nền mỹ thuật”. Nghệ thuật luôn là câu chuyện cá nhân. Ông muốn vẽ một bức tranh, viết một bản nhạc để thể hiện ông yêu cả nhân loại thì tôi nghĩ vẫn dễ hơn là ông yêu chính ông, yêu những người thân của ông. Yêu một người mới khó… Ông muốn phản ánh vấn đề gì đi nữa thì trước hết nó phải phản chiếu qua cái tình của ông đã. Ông đi qua được ông rồi mới đến được với nhân loại.

Ngoài việc trau dồi tri thức, ông phải sống thật, tận cùng, phải yêu thật, đau thật, ghét thật, hạnh phúc thật. Sống cộng với tri thức mới mong có một số thành tựu. Không thể bổ não ra để đổ bát phở vào được. Não cần năng lượng để nuôi sống nó. Đời sống tinh thần phải phong phú mới có thể làm nghệ thuật được.

Sống ở phố cổ, anh thấy có điểm gì hấp dẫn?

Nó là cục nam châm hút tinh hoa của mọi miền. Khác với Sài Gòn là mảnh đất cởi mở rộng rãi ai cũng có thể đến được, kể cả người thất bại, muốn làm lại. Điều đó lý giải việc nhiều người không chỉ Hà Nội đến với Sài Gòn chứ rất ít người Sài Gòn chuyển ra đây. Hà Nội ban đầu là cái chợ ven sông Cái. Vì là chợ nên bọn sành ăn, sành uống, sành mặc, sành chơi tụ về, thì dần dần độ khó tính, cầu kỳ mới nâng lên.

Bằng chứng ví dụ sáng nay rất quang đãng mới thấy ở cà phê Hàng Hành, ngay ngã ba ghi đây là cái đình thờ ông tổ nghề làm da thuộc ở Hải Dương mới sơn lại. Khắc khuôn in gỗ cũng là người ở Hải Dương lên đây. Phố Hà Trung buôn bán vàng, có nhiều cửa hàng làm đồ da may túi bạt là dân Ninh Hiệp. Gần đây UBND quận Hoàn Kiếm sau khi đền bù giải tỏa đã trả lại nguyên trạng đình thờ ông Lê Công Hành- đi sứ Trung Quốc thế kỷ XVII quay về dạy dân Quất Động (Hà Tây cũ) thêu quần áo võng lọng- loanh quanh ngõ Tạm Thương, Yên Thái. Cứ mỗi phố “Hàng...” là có một làng nghề gốc.

Hà Nội là chỗ tập trung về thủ công và bây giờ là ẩm thực nhiều hơn là văn hóa. Đến nay, cả về văn hóa truyền thống hay đương đại, giải trí dường như Hà Nội cũng không phải điểm hội tụ nữa?

Nguyễn Việt Hà dùng chữ “người Hà Nội cũ” và “người Hà Nội mới”. Người Hà Nội mới đến mang theo văn hóa, tập tục của họ và nó bị pha loãng ra. Cũng là một cái bất hạnh là người Hà Nội cũ ngày càng ít đi, không còn đủ lực để quán xuyến. Đáng lẽ ra nhập gia tùy tục, nhưng cái gia cái tục của ông không đủ mạnh.

Triển lãm Mặt tổng kết 20 năm làm điêu khắc của Lê Thiết Cương diễn ra tại gallery 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội đến 6/10. Mặt tuyển chọn 16 tác phẩm từ loạt tượng đầu tiên Cầu nguyện cho đến mới hoàn thành: chùm tượng Phật lần lượt bằng gỗ, thủy tinh, kim loại và gương. Điểm chung của nhiều tác phẩm trong triển lãm là đều bị cắt, xẻ, phơi ra mặt bên trong, còn gọi là tiết diện. Bằng cách này, tác giả muốn giới thiệu với người xem chiều thứ tư - chiều sâu của sự vật. 

MỚI - NÓNG