Lịch trình, chương trình

Lịch trình, chương trình
TP - Trong một cuộc họp cơ quan, tôi cứ giật mình mỗi lần nghe một anh bạn đồng nghiệp dùng chữ lịch trình. Lịch trình làm việc ngày hôm nay của cơ quan ta, lịch trình làm việc ngày mai, vân vân. Nghe cứ tưởng như hôm nay và ngày mai cả cơ quan sẽ kéo nhau đi đâu công tác, dấn thân vào một hành trình. Hóa ra chẳng ai đi đâu cả, vẫn chỉ là công việc hành chính sự nghiệp, vẫn là công chức ngồi ôm lấy cái bàn.

Ấy thế mà... lịch trình.

Sau đấy, họp xong, ra ngoài chỉ biết đùa mà trêu anh ta: dốt hay nói chữ.

Nhưng rồi ngay hôm ấy, nghe người dẫn chương trình trên đài phát thanh cũng dùng chữ lịch trình, mà chẳng phải nói về một hành trình nào cả. Sáng hôm sau, chương trình chào buổi sáng của tivi vẫn lịch trình. À, thì ra chữ này đã truyền nhiễm, không phải chỉ có một mình anh bạn đồng nghiệp trong cơ quan tôi.

Rồi ngay cả ban văn trẻ dùng thư điện tử gửi tài liệu cho báo chí thông báo chương trình hội nghị những người viết văn trẻ ở Hà Nội tháng 9/2016, thay cho chữ chương trình, cũng dùng từ lịch trình. Người viết văn cũng đã nhiễm tính nói chữ cong queo ngoằn ngoèo dích dắc.

Việc gì nhỉ, nó là chương trình thì cứ nói ngay ngắn là chương trình, đằng này lại phải uốn éo mà đổi sang thành lịch trình.

Chắc là thấy có chữ trình ở trong ấy, thành ra tin rằng lịch trình có nghĩa là chương trình. Giống như thấy có chữ thăm trong ấy, đáng lẽ nói tham quan thì nói sai thành thăm quan.

Những người dùng chữ kiểu này là uốn éo, là cong queo, vì khi nói lịch trình, dám chắc họ tin rằng nói vậy sang hơn là nói chương trình (program) - chữ chương trình thông thường quá.

Lịch trình: là con đường đi qua, có thể đã đi mà cũng có thể sẽ đi. Mở rộng hơn thì cũng có thể coi là kế hoạch được lập ra cho một chuyến đi xa chẳng hạn. Nó có thể được đối chiếu tương đương bằng chữ itinerary trong tiếng Anh.

Cũng có thể người ta thấy có chữ lịch trong ấy, và coi là nó có nghĩa như một cái lịch làm việc.

Còn có những chữ lịch khác:

Lịch: cách thức chia thời gian thành ngày, tháng, năm. Hoặc là bản ghi ngày tháng năm. Hoặc là bản ghi công việc theo ngày giờ tháng năm, để nhớ mà thực hiện.

Trên cùng một tờ lịch ở ta, thường có ghi cả ngày dương và ngày âm, đấy là hai cách tính theo dương lịch và âm lịch. Lịch mặt trời và lịch mặt trăng, người Việt còn gọi là lịch Tây và lịch ta. Lịch Tây thực ra cũng chẳng phải do ông Tây làm ra mà là một người Ý, giáo hoàng Gregory XIII. Còn lịch ta tất nhiên cũng chẳng phải do ta làm.

Cái lịch dương ta đang dùng, còn gọi là công lịch, lịch Công giáo. Bắt đầu lấy năm sinh của Đức Jesus Christ là năm thứ nhất Công nguyên. Ta đang ở trong Công nguyên, cho nên ai nói “năm 40 sau Công nguyên” tức là nói không chính xác, cái kỷ nguyên ấy đã hết đâu mà “sau”.

Khái niệm Công nguyên được dùng rộng rãi đã thành quen. Nhưng tín đồ các tôn giáo không phải Thiên Chúa giáo thì thường tránh chữ Công nguyên. Ví dụ, họ sẽ nói là năm 500 trước Tây lịch, hoặc là trước dương lịch.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.