Liên hoan dân ca toàn quốc: Không còn đêm chung kết

Liên hoan dân ca toàn quốc: Không còn đêm chung kết
TP - Lần đầu tiên kể từ ba năm nay, Liên hoan dân ca toàn quốc không còn đêm chung kết và từ tám đêm chung kết khu vực nay rút xuống còn sáu.

Vòng chung kết Liên hoan dân ca Toàn quốc khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ có sự tham gia của 11 đoàn, 32 tiết mục và gần 100 người tham gia trình diễn.

Các đêm chung kết khu vực của Liên hoan Dân ca Toàn quốc dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp vào các tối chủ nhật trên VTV3. Chung kết khu vực: Cao nguyên- 12/4, Bắc Trung Bộ- 26/4, Nam Trung Bộ- ngày 3/5, Nam Bộ- ngày 10/5, và cuối cùng là vùng núi phía Bắc- 24/5.

Đêm chung kết 5/4 chọn lọc 14 tiết mục diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Quan họ Bắc Ninh. Chương trình với các màn lễ nghi, ca múa chào hỏi hơi dài lấy mất phần nào thời lượng của các tiết mục liên hoan. Phần phóng sự tôn vinh những nghệ nhân hàng đầu còn sống: Hà Thị Cầu, Kim Sinh, Đào Thị Sại… cũng chưa được dầy dặn lắm.

Hai giải A của khu vực Bắc Bộ thuộc về Nguyễn Kiều Anh (15 tuổi), Hà Nội với tiết mục ca trù Gửi thư và đôi hát Nguyễn Thị Sang và Nguyễn Thị Thềm ở Diềm, Bắc Ninh trong bài quan họ Bóng xế giãi thềm.

Như vậy giải cao nhất được chọn trao cho ca trù và quan họ - hai bộ môn đang chờ UNESCO trao các danh hiệu di sản. Nguyễn Kiều Anh - nhóm ca trù Thái Hà với chất giọng vang, sáng là đào nương đầy triển vọng trong tương lai.

Giải B dành cho Tuyết dạt sông Tương - làn điệu chèo độc đáo của riêng làng Khuốc (Thái Bình) do Quách Thị Hồng Xiêm (16 tuổi) trình bày. Ba giải B nữa thuộc về đôi liền anh quan họ Nguyễn Phú Hiệp - Nguyễn Đăng Nam (Thổ Hà - Bắc Giang), giọng chầu văn Trịnh Văn La (trường Trung cấp VHNT Nam Định), xẩm của Bùi Văn Phòng (Hà Nội).

Dù sao khi những tiết mục hát ru, hát xoan, trống quân…, dân dã, gần như không nhạc đệm đặt cạnh chèo, ca trù, chầu văn với kỹ thuật đàn hát nâng đến hàng chuyên nghiệp- hẳn dễ thấy giải thưởng nghiêng về bên nào.

Một số tiết mục dù không được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao nhưng thật đáng chú ý bởi tính nguyên gốc, lâu đời và cảm xúc do sự xuất hiện của những nghệ nhân cao tuổi đem lại.

“Đây không phải là cuộc thi để xếp hạng xem dân ca vùng nào hay nhất, nên không nhất thiết phải có đêm chung kết toàn quốc”, một thành viên ban tổ chức cho hay.

Như Hát Dóng và múa Giáo Cờ Giáo Quạt - hàm lượng nghệ thuật có thể không cao, nhưng là một tiết mục múa hát thờ cửa đình được xem là không có dị bản truyền lại từ thế kỷ XIII.

Tương truyền điệu múa do công chúa Trần Thị Quý Minh con vua Trần Dụê Tông về Thái Bình lập ấp dạy cho dân. Mừng vì nghệ nhân Trần Thị Ái ở tuổi 80 vẫn xăng xái múa hát cùng con cháu. Tiết mục Đối dãy cách (hát ca ngợi các thành phần sĩ nông công thương) do ông trùm hát xoan Nguyễn Ngọc Bảo, 74 tuổi, ở Phú Thọ, trình diễn cùng một dàn minh họa trẻ trung của các em gái được trao giải C. Những động tác của nhóm  múa khá lạ mắt, không giống múa chèo.

Một số tiết mục có biểu hiện sân khấu hóa, chuyên nghiệp hóa nhưng, nói chung, qua đêm chung kết vùng Bắc Bộ, có thể thấy sự trường tồn, sức sống của các thể loại dân ca, hát truyền thống ở các vùng quê.

MỚI - NÓNG