Liên hoan sao chẳng thấy vui?

Liên hoan sao chẳng thấy vui?
TP - Kết nạp Đảng, tuyên bố chính thức, lên chức, lên lương, mới đến nhận công tác, họp tổng kết tổ, khoa, phòng, đại hội chi bộ, chi đoàn, chúc mừng thành công; khởi công công trình, nghiệm thu kết thúc công trình... tất cả đều là... liên hoan, từ nặng tới nhẹ!
Liên hoan sao chẳng thấy vui? ảnh 1

Người thân lâu ngày gặp nhau, ngày cuối năm kết thúc công việc ở một Cty, buổi gặp nhau cuối cùng trước khi chia tay tại một khóa học, tiễn biệt người đi xa, chia tay người nghỉ hưu, nhận công tác khác, lên đường nhập ngũ…, cơ quan, đơn vị, tập thể, bạn bè tổ chức một bữa tiệc, bữa cơm thân mật để nâng cốc chúc nhau sức khỏe, mọi sự tốt lành, là một việc làm bình thường, thể hiện tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, anh em, đồng chí.

Với mục đích đó, các bữa tiệc, bữa cơm liên hoan luôn gây không khí vui vẻ, đầm ấm. Và sẽ không có gì đáng nói nếu người ta đặt mục đích tinh thần lên trên.

Nhưng ở nhiều nơi, sao mà lắm “cuộc vui” đến thế! Này nhé: Kết nạp Đảng: Tổ chức liên hoan; tuyên bố chính thức: Lại liên hoan; lên chức, lên lương: Tiệc mừng; mới đến nhận công tác: Vài ly bia chào làng; họp tổng kết tổ, khoa, phòng: Liên hoan nhẹ; đại hội chi bộ, chi đoàn: Tiệc chúc mừng thành công; khởi công công trình, nghiệm thu kết thúc công trình: Đại tiệc,… Nói là để chúc mừng, thì cũng có phần nào như vậy, nhưng cái chính là bày ra để nhậu!

Để có tiền nhậu, họ đặt ra lắm quy ước, chẳng hạn lên chức, lên lương, được kết nạp Đảng … thì người được vinh dự đó phải bỏ tiền túi ra chiêu đãi.

Nếu năm, mười  người cùng được lên lương, thăng chức thì còn dễ, đằng này kết nạp Đảng thì thường một buổi lễ chỉ kết nạp một vài người nên mất cả tháng lương chứ chẳng chơi!

Khởi công, nghiệm thu công trình thì nhà thầu phải bỏ tiền ra, nhưng thực chất tiền đó nằm trong giá thành công trình được thanh toán dưới một dạng khác.

Rồi họ lại nghĩ ra việc tạo quỹ: quỹ tổ, nhóm, khoa, phòng, bộ môn, quỹ công đoàn… mà mỗi thành viên đều phải đóng góp. Hoặc quy định ai có khoản thu nhập phụ ngoài lương ở cơ quan, đơn vị phải bỏ ra một tỷ lệ phần trăm đóng cho quỹ.

Với cách đóng góp như vậy, người có lương cao lại có nhiều khoản thu nhập phụ thì dễ thôi, nhưng đối với người mới vào nghề, thu nhập thấp thì là tai vạ, “cười ra nước mắt”!

Nếu các quỹ đó dùng vào mục đích cao cả như thăm người ốm đau, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn, làm từ thiện thì ai cũng đồng tình, nhưng nhiều nơi chủ yếu là để nhậu mới là chuyện đáng nói.

Một số người thổ lộ rằng, đi nhậu nhiều cũng chán, quá nhiều lần để vợ con, chồng con buồn khi phải chờ đến cơm ôi, canh nguội. Thế nhưng, sự ái ngại đó cũng chỉ thoáng qua, rồi vẫn phải theo tập tục.

Giá mà những người ưa bày ra chuyện nhậu bớt dần đi thói quen “dzô 100%” thì sẽ tránh được những thói hư, tật xấu có thể xảy ra từ quán nhậu, sẽ dành dụm được tiền làm việc có ích, giảm bớt khoản đóng góp bắt buộc mà nhiều người thu nhập thấp đau lòng nhưng không dám nói ra.

Bớt đi nhậu, chắc chắn sẽ góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, thân ái, xã hội yên vui, thanh bình.

Quang Hạo
Quảng Ngãi

MỚI - NÓNG