Liên hoan văn học ASEAN 2015 và “Câu hỏi của lương tâm“

Nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ông Phạm Thanh Bằng, bí thư Sứ quán Việt Nam tại Indonesia; ông Nguyễn Minh Nhựt - GĐ NXB Trẻ
Nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ông Phạm Thanh Bằng, bí thư Sứ quán Việt Nam tại Indonesia; ông Nguyễn Minh Nhựt - GĐ NXB Trẻ
TP - Từ ngày 15 - 22 tháng Ba 2015, tại Jakarta, thủ đô Indonesia, diễn ra Liên hoan văn học Đông Nam Á (ALF) lần thứ 2 (The 2nd ASEAN Literary Festival) với chủ đề “Câu hỏi của lương tâm”.

Hàng chục nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, và các nhà xuất bản đến từ hơn 20 quốc gia - cả thành viên ASEAN và các đối tác quốc gia phi ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Ấn Độ, Ai Cập, Angieri, Anh… Đại biểu Việt Nam có các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý và Giám đốc nxb Trẻ Nguyễn Minh Nhựt.

Sau nhiều lễ hội văn học, lễ khai mạc đã diễn ra tối 19/3, tại Trung tâm văn hóa Taman Ismail Marzuki, thủ đô Jakarta với sự có mặt của quan chức chính phủ cùng đông đảo các nhà văn, nghệ sĩ Indonesia và các nước. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi nói: “Đây là một địa điểm tốt cho các nhà văn Asean và quốc tế gặp gỡ nhau và xây dựng mạng lưới văn học mạnh mẽ”.

Tiếp theo là một chương trình nghệ thuật đặc sắc dành cho trình diễn thơ, hát thơ và âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng tập trung tôn vinh nhà thơ lớn cuả nước chủ nhà là Sitor, sinh năm 1923 tại Bắc Tapanuli, Bắc Sumatra, từng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Trong chương trình này, nữ nhà văn và nhà hoạt động tự do Ma Thida, một cựu tù nhân của chế độ quân phiệt Miến Điện đã trình bày một bài thuyết trình về tự do và dân chủ ở các nước ASEAN, thông qua các hoạt động nhân quyền và sáng tác của mình. Bà nói: “Tự do của nhà văn không phải là tự do đang có, mà phải là tự do mà nhà văn và nhân dân muốn có”.

Các cuộc hội thảo tập trung thảo luận về sự liên quan của tác phẩm văn học trong thời đại kỹ thuật số và truyền thông toàn cầu qua các vấn đề tự do, công bằng xã hội, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giữa các nước Asean và quốc tế tại Đại học Indonesia (UI), Đại học Nhà nước Hồi giáo của Jakarta (UIN) và các không gian công cộng như Taman Menteng, Thư viện West Jakarta và Thư viện Nam Jakarta…

Theo nữ nhà văn Okky Madasari, Giám độc điều hành Liên hoan văn học ASEAN: Hầu hết những người tham gia lễ hội này đến từ các nước đang phát triển, với những thách thức riêng của họ với hệ thống chính quyền của riêng họ. Vấn đề là, chúng ta muốn trả lời như thế nào văn học nắm bắt được những thách thức của sự phát triển, cùng với các vấn đề toàn cầu hóa… Chúng tôi đang ở trong một thời đại mà chủ nghĩa tiêu dùng đang gia tăng do toàn cầu hóa và sự tiến bộ của công nghệ. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng văn học có thể là một lựa chọn cho những người để tránh bị mắc kẹt trong tiêu dùng và nông cạn.

Bà nói thêm: “Ngoài ra, văn học của trẻ em cũng sẽ được nhấn mạnh trong năm nay, như một đối trọng của chủ nghĩa tiêu thụ. Ở đây chúng tôi muốn thúc đẩy ý tưởng rằng văn học có thể là một thay thế dành cho các em thời thơ ấu của chúng - thay vì đi đến trung tâm. Và một cuộc thảo luận quan trọng nữa được tổ chức trong lễ hội là “Phụ nữ và văn học: Tiếng nói của nạn nhân”.

Ông Tommy F. Awuy, một thành viên Ban chỉ đạo về phim ảnh, cho biết. “Chúng tôi muốn cung cấp cho liên hoan những thước phim cụ thể, để miêu tả phụ nữ trong văn học mà chúng ta biết rằng phân biệt đối xử và văn hóa gia trưởng là gốc rễ của vấn đề. Vì vậy, một trong những cách để chống phân biệt đối xử này là thông qua các tác phẩm văn học. Chúng ta phải thay đổi tư duy thông qua tiểu thuyết, truyện và tiểu luận. Chức năng văn học như một công cụ giải cấu trúc trong việc mang lại một tư duy mới cho xã hội “.

“Văn học có quyền lực rất lớn trong việc mang lại sự thay đổi” - Damhuri Muhammad, một nhà phê bình trong ban chỉ đạo hội đồng quản trị văn học cho biết, và nói thêm rằng “một sự cần thay đổi trong suy nghĩ là phải nhận ra, văn học có hiệu quả lớn trong việc chống tham nhũng”.

Các đại biểu Việt Nam đều được mời phát biểu tham luận. Nhà thơ Trần Quang Quý nói về “Vai trò của văn học dịch”. Ông Nguyễn Minh Nhựt phát biểu về “Sách Công nghiệp tại các nước ASEAN và xuất bản Indie tự do như một lựa chọn”. Nhà thơ Nguyễn trọng Tạo với bài tham luận “Bạn đọc, tôi yêu bạn và tôi sợ bạn” tại hội thảo “Chủ nghĩa tiêu dùng và các tác phẩm văn học”; ông nói: Việt Nam chúng tôi có 64 nhà xuất bản sách, mỗi năm xuất bản gần 20.000 đầu sách với hàng trăm triệu bản sách. Nhưng sách văn học chỉ chiếm 10%, trong đó sách dịch của nước ngoài chiếm khá lớn. Và phần lớn độc giả bị rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa tiêu dùng, mà chúng tôi gọi là “văn học thị trường” hay “văn học giải trí”, loại sách này ở Trung Quốc còn gọi mỉa mai là “văn học giấy vệ sinh”. Tôi không nghĩ đó là câu chuyện riêng của nước tôi, mà đó cũng là câu chuyện của những quốc gia khác. Đó là một vấn nạn trong văn hóa đọc, làm đau đầu các nhà văn luôn coi “Văn chương là ngôi đền thiêng”. Và ông khẳng định: “Dù những con sóng của chủ nghĩa tiêu dùng tiêu cực đang ào ạt xô bờ văn học, nhưng tôi tin, rồi cũng đến ngày nó sẽ êm đềm hơn, vấn đề quan trọng là nhà văn có tin những điều mình viết ra là sự thật, là nhân văn, là hấp dẫn người đọc và luôn dẫn dắt tâm hồn, tư tưởng thay đổi thế giới về phía Đẹp của họ hay không”.

Giám đốc nhà xuất bản Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh vấn đề tác quyền nhà văn: “Tác quyền và tình trạng sách lậu, cả sách giấy lẫn sách số, là một trong những rào cản lớn nhất ở VN, và theo tôi được biết thì đó cũng là vấn đề lớn ở nhiều nước ASEAN. Sách văn học là thể loại bị ăn cắp nhiều nhất. Thách thức thứ hai là việc thích ứng với thời đại mới, và tận dụng những công cụ của thời đại để tiếp tục phát triển”.

Nhà thơ Trần Quang Quý đề cao vai trò của văn học dịch: “Văn học dịch là bộ phận cấu thành của một nền văn học, nó không chỉ làm phong phú cho nền văn học mà có thể còn góp phần làm chuyển đổi, phát triển nền văn học ấy. Chưa bao giờ thị trường sách văn học dịch ở Việt Nam lại cập nhật, phong phú, đa dạng như hiện nay. Có thể nói, văn học dịch là một giải pháp quan trọng phá bỏ những giới hạn và sự cách biệt để từng bước hội nhập thế giới”.

Quả thật, ASEAN đã thành lập nhiều diễn đàn kinh tế. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn học lại không biết nhiều về các tác giả, tác phẩm của mỗi nước. Vì vậy, các Liên hoan văn học ASEAN được sinh ra nhằm kết nối sự hiểu biết về câu chuyện của nhau. Trong Liên hoan này, nhà tiểu thuyết Okky chia sẻ:

“Chúng tôi, những nhà văn ASEAN, có những tác phẩm văn học có thể sánh với châu Âu hay châu Mỹ, nhưng chúng tôi bị một rào cản, đấy là khuôn mặt của ngôn ngữ. Đó là lý do tại sao ALF là quan trọng, để phát triển một sự hiểu biết chung giữa những người cùng trong một phần bên này của thế giới”.

Jakarta, 3/2015
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.