Lo 'Phố cũ' của Bùi Xuân Phái là giả

Bức “Phố cũ” được giới thiệu của Bùi Xuân Phái được đấu giá ngày 30/7. Ảnh: Nguyên Khánh.
Bức “Phố cũ” được giới thiệu của Bùi Xuân Phái được đấu giá ngày 30/7. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Bức Phố cũ của Bùi Xuân Phái được đem đấu giá cùng nhiều tác phẩm hội họa vào 30/7, tuy nhiên bước đầu làm dấy lên mối lo ngại thật - giả lẫn lộn.

Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn (Chọn Auction House) trưng bày 12 tác phẩm của hai bộ tứ trụ hội họa Việt Nam Trí - Lân -Vân - Cẩn, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái từ 21/7-29/7, phiên đấu giá diễn ra chiều 30/7. Phố cũ được giới thiệu là tranh của Bùi Xuân Phái chất liệu sơn dầu, kích thước 50x40cm có mức giá khởi điểm 8.000 USD. Điều khiến giới truyền thông thắc mắc là bức này khá giống bức Phố cũ xuất hiện trong phiên đấu giá của Sotheby’s (Singapore) bán 11.443USD năm 2006, sau đó nhà Christie’s (Hong Kong) bán 12.804 USD vào 2014.

Chủ sở hữu bức này - sư thầy Thích Minh Thịnh (chùa Minh Khánh) - kể ông sở hữu hai bức Ký họa cô Như của Nguyễn Gia Trí và Phố cũ của Bùi Xuân Phái. “Cô Như không có gia đình ở số 19 Phan Bội Châu, tại đây lưu giữ khá nhiều bức tranh. Cuối đời cô công đức nhiều cho chùa chiền, trước khi cô mất tôi ngỏ ý trả lại hai bức tranh trên nhưng cô ấy nói: Nếu thầy không thích thì bán để làm từ thiện”, sư thầy Thích Minh Thịnh giải thích.

Tuy nhiên cũng có người đặt nghi vấn bởi bức tranh quá cũ, rách nhiều liệu do không giữ gìn hay do làm giả. Sư thầy phân trần có lúc cất trong nhà kho, có khi dựng lên mặt tủ, có khi nghệ sỹ xem xong lại úp trên mặt tủ. Ông Vũ Tuấn Anh, thành viên sáng lập Nhà đấu giá Chọn: “Chúng tôi có hợp đồng đúng luật đấu giá với thầy Thích Minh Thịnh, thầy cam đoan chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm. Đồng thời, trong thời gian một tháng, nếu ai có bằng chứng và xác nhận là tranh giả, BTC sẽ hoàn lại 100% giá trị bức tranh cũng như bồi thường thiệt hại tinh thần cho người mua”.

Nói rõ thêm về quá trình thẩm định Phố cu, ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc đấu giá của Chọn cho biết đã thẩm định chủ sở hữu qua nhiều kênh và nhờ cậy đội ngũ chuyên gia thẩm định tranh có uy tín. “Chuyên gia của chúng tôi là tài sản quốc gia, là chuyên gia của các bảo tàng Mỹ thuật, tuy nhiên họ không muốn ra mặt”, ông Hùng nói. Theo kết quả thẩm định, Phố cũ được sáng tác khoảng từ năm 1975, căn cứ chữ ký của bảo tàng, từ toan đến đinh có màu thời gian và nhất là bút pháp. “Nếu đặt bức đấu giá lần này cạnh sẽ thấy bức tranh của Sotheby’s và Christie’s rõ mồn một non nớt hơn. Tôi có niềm tin và dũng cảm đương đầu đưa bức tranh ra ánh sáng”, ông Hùng nói.

Trước đó, con trai Bùi Xuân Phái - họa sĩ Bùi Thanh Phương - lên tiếng phản đối Sotheby’s vì nhà này đem bốn bức tranh giả của cha mình ra đấu giá, sau đó bên Sotheby’s buộc phải gỡ thông tin. Năm 2016 bức Phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái được đem đấu giá với hơn 2 tỷ đồng làm từ thiện cũng được xác nhận tranh giả. Nhiều người trong nghề không ít lần ngao ngán vì tình trạng vàng thau lẫn lộn trong các cuộc mua tác phẩm nghệ thuật. Đại diện Chọn cho rằng đấu giá chính là thiết chế để “vàng - thau ra ánh sáng”, hơn nữa người mua cũng phải có kiến thức và chuyên gia vào cuộc thậm chí “đánh nhau” để nhà đấu giá đưa tác phẩm tốt ra thị trường. Hơn nữa, sau quá trình đấu giá khẳng định tranh của Bùi Xuân Phái là thật sẽ “ghi điểm” trong mắt các nhà sưu tầm quốc tế.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.