Loạn ca nhạc vì đâu?

Loạn ca nhạc vì đâu?
TP - Câu chuyện với hai nhạc sĩ hai thế hệ trong Ngày Âm nhạc (3/9) năm nay xoay quanh những đợt sóng thưởng thức và biểu diễn âm nhạc gần đây.

> ‘Có ca sĩ không biết đọc nốt nhạc’
> Đàm Vĩnh Hưng rơi lệ, ôm chầm NS Nguyễn Ánh 9

“Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nhầm lẫn về mình”

Nguyễn Tài Tuệ, nhạc sỹ của Xa khơi, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó chia sẻ: “Tôi có theo dõi câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét một số ca sĩ thời thượng. Anh nói đúng, tâm huyết và không ác ý gì cả. Những điều như vậy phải nên nói ra, vì nền âm nhạc Việt Nam nhất là vì giới trẻ”.

Có nhà phê bình âm nhạc uy tín cho rằng Nguyễn Ánh 9 đúng về chuyên môn nhưng sai về mặt xã hội, công chúng bây giờ cần những ca sĩ để xem chứ không chỉ để nghe?

Thưởng thức âm nhạc nghe là chủ yếu, xem là phụ. Nghe chưa đủ thì phải xem, để hỗ trợ thôi. Bài hát nào mà múa phụ họa nhiều thì chắc phần âm nhạc yếu, ca sĩ hát yếu.

Hồ Ngọc Hà đi đâu cũng có fan và vũ đoàn đi theo. Trên thì vũ đoàn nhảy múa, ở dưới thì fan hò hét, giơ băng rôn, bóng bay.

Ca sĩ Thu Minh khi bị so sánh đã phát biểu thương hiệu của cô là sexy, cô không thể cứ đứng im mà hát như Mỹ Linh?

Nhảy múa là bình thường. Nhưng múa phải theo nội dung bài hát. Nhiều bài nội dung du dương mà phần múa, huỳnh huỵch. Ca sĩ lạm dụng múa có khi để che đậy cái yếu. Nói chung ca sĩ phải được học hành bài bản, từ động tác trên sân khấu đến nhạc lý.

Nhưng giờ là thời của những ca sĩ không qua trường lớp- ví dụ Đàm Vĩnh Hưng?

Đàm Vĩnh Hưng nổi tiếng vì có những người yêu thích dòng nhạc của anh ấy. Hưng thích ứng được một lớp công chúng ít kiến thức âm nhạc, họ đi xem hát như xem một trò vui. Cũng không trách được họ. Bây giờ vàng thau lẫn lộn, ngay cả cuộc thi uy tín như Sao Mai cũng từng bị đồng tiền xen vào.

Ông có chắc Sao Mai từng bị chi phối?

Sao tôi không biết chứ? Tôi từng làm giám khảo, bị họ có ý tác động. Lúc ấy tôi khuyên họ không nên. Hồi ấy, cách đây vài năm thôi, tôi cho rằng giải Sao Mai chỉ chấm chính xác khoảng 40%. Có những giám khảo bạn tôi, cũng bị tác động. Tiêu cực cũng lan tới lĩnh vực này đấy, nó lộn sòng giá trị, đánh giá sai nghệ thuật, làm mất niềm tin. Nhưng tôi tin Sao Mai năm nay chấm chính xác trên 90% vì công tác giám khảo đã được chấn chỉnh lại.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi vừa phát biểu trên báo, có ba kiểu phê bình âm nhạc hiện nay. Một là phê bình bầy đàn của đám đông; hai là phê bình của diễn xuất, tạo “hot” tạo tiếng cười như tấu hài; ba là phê bình kiểu “trà chanh” của báo chí lá cải, chẳng khác chém gió vỉa hè. Ông thấy thế nào?

 Chúng tôi ngồi tổng kết với nhau, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có 1.200 hội viên thì chỉ khoảng 40 nhạc sĩ (cả sống lẫn chết) thực sự là nhạc sĩ thôi”.  

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuê

Trần Minh Phi đúng đấy. Phê bình âm nhạc phải có chuẩn mực của nó, độ chuẩn bây giờ nhạt hơn rất nhiều. Sai chuẩn do chúng ta gây ra, có lúc làm sai chuẩn mực vì lợi ích cá nhân- khen người không đáng khen, chê người không đáng chê. Không học hành bài bản thì đừng nên làm giám khảo, huấn luyện viên. Như Đàm Vĩnh Hưng có kinh nghiệm sân khấu nhất định, có thành công nhất định trong dòng nhạc của mình thì Hưng hay Siu Black nên truyền lại cho đàn em đi theo dòng nhạc của mình kinh nghiệm ấy chứ không nên dạy về âm nhạc. Anh Thơ, Trọng Tấn giảng dạy về âm nhạc vì họ được học hành bài bản về thanh nhạc, về lý luận âm nhạc mười mấy năm.

“Ca sĩ và khán giả đang nuông chiều nhau”

Hồ Hoài Anh
Hồ Hoài Anh .

Đó là ý kiến của Hồ Hoài Anh, người thuộc số nhạc sĩ được đánh giá tích cực về chuyên môn cũng như khả năng hòa nhập thị trường. Vì thế anh đứng ở vị trí người trong cuộc lại có độ “tỉnh táo” để nhìn nhận.

Gần đây, một số vấn đề của nhạc Việt được dư luận đào xới, trong đó có chất lượng ca khúc, chất lượng nghệ sĩ. Là người tham gia nhiều hoạt động âm nhạc, anh đánh giá thế nào về đời sống âm nhạc hôm nay?

Tôi nghĩ sự hỗn loạn và mất kiểm soát đã diễn ra từ lâu nay. Chẳng qua thời gian này showbiz được quan tâm quá thôi. Là người làm âm nhạc chuyên nghiệp, bao giờ tôi cũng đánh giá sự lao động nghiêm túc cũng như sự chuyên nghiệp, đào tạo bài bản. Tuy nhiên một nhân vật hay xu hướng có sức ảnh hưởng thì đều có giá trị riêng. Khi truyền thông cũng như công chúng quan tâm nhiều hơn đến tình hình âm nhạc thì cũng là tín hiệu mừng để ít nhiều từ đó những giá trị thật được trân trọng hơn.

Anh đã làm việc với nhiều nghệ sĩ xuất thân khác nhau. Có lẽ ít nhất phải một nửa chưa qua đào tạo. Chứng tỏ không cần qua đào tạo vẫn có thể hoạt động âm nhạc được?

Thực ra phải đến 70% chưa qua đào tạo. Nhưng phải xem lại vấn đề đào tạo như thế nào. Bây giờ có nhiều thứ trong trường lớp đào tạo không gần gũi thực tế, chỉ là những thứ cơ bản, cổ điển thôi.

Không qua đào tạo không phải là cái “tội”. Quan trọng là người ta đam mê, nhất là các nghệ sĩ trước đây ít có cơ hội học tập. Tôi không đánh giá đào tạo hay không mà lao động nghiêm túc hay không.

NS Hồ Hoài Anh: 70% nghệ sĩ chưa qua đào tạo vẫn hoạt động âm nhạc
NS Hồ Hoài Anh: 70% nghệ sĩ chưa qua đào tạo vẫn hoạt động âm nhạc.

Tham gia đánh giá nghệ sĩ hôm nay có một lực lượng hùng hậu khán giả được gọi là “cư dân mạng”. Những nhận xét phần nhiều cảm tính được nhân lên bởi mạng xã hội nhiều khi tạo nên một thứ quyền lực. Anh có e sợ “quyền lực” này?

Đấy cũng là vấn đề cực kỳ lớn. Tôi không chê trách khán giả, nhưng xu hướng và thẩm mỹ của khán giả phần nào làm lung lay sự định tâm của nghệ sĩ. Ví dụ anh theo một dòng nhạc mà anh thích, nhưng mãi không kiếm được tiền. Nhưng thỉnh thoảng làm một bài quen thuộc giống mọi người thì oành một phát nó thành hit, lại kiếm được ít tiền. Thế là người ta phải suy nghĩ, băn khoăn.

Tôi thì cực lực lên án những “anh hùng bàn phím”. Nói chung nhiều khán giả không hiểu hết nhưng cứ nghĩ họ biết rất nhiều. Thứ hai, họ đánh giá mọi thứ theo góc độ tiêu cực- nhất là với những người làm showbiz. Làm gì có ai hoàn hảo!

Tin giật gân đôi khi chẳng mang lại điều gì hay cho xã hội mà chỉ càng làm suy đồi giá trị. Thí dụ một đứa trẻ bây giờ thấy ca sĩ đứng trên sân khấu hát phô, hát hỏng hay làm một hành động kỳ quặc, có thể nó sẽ cho là chuyện rất bình thường, không giống mình ngày xưa: Trời ơi, sao người ta lại có thể làm như thế! Đấy chính là biểu hiện suy đồi, người ta có xu hướng ngày càng coi nhẹ những giá trị thuộc về về văn hóa, thẩm mỹ.

Việc thiếu vắng nhà phê bình ảnh hưởng gì đến những nghệ sĩ đang làm nghề?

Vấn đề của mình là sự chênh lệch quá lớn giữa nghệ thuật đại chúng và nghệ thuật hàn lâm. Nhưng người làm nghệ thuật hàn lâm đôi khi không hiểu hết những gì đang xảy ra. Ngược lại người làm nghệ thuật đại chúng lại không được trang bị kiến thức cơ bản cũng như văn hóa nền. Chỉ người đủ kiến thức hàn lâm và theo sát đời sống âm nhạc thì mới phê bình được. Vì thế mà phê bình và biểu diễn vẫn là hai đường thẳng song song.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.