“Ma vương” kể chuyện diễn kịch cho trẻ em

Xuân Bắc - Tự Long tập dượt cho “Bí mật chuyện kể phần 2”. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
Xuân Bắc - Tự Long tập dượt cho “Bí mật chuyện kể phần 2”. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
TP - Bí mật chuyện kể phần 2- Âm mưu của Đại ma vương là hài kịch thiếu nhi do nhóm Xuân Bắc - Tự Long trình diễn từ 28/5 đến 1/6 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Một trong số món giải trí của thiếu nhi Thủ đô dịp Quốc tế Thiếu nhi.

Trong phần 1 của Bí mật chuyện kể… công diễn năm ngoái, Xuân Bắc đóng vai cậu học trò hư, bị mẹ mắng, giận dỗi bỏ đi lang thang, tình cờ lọt vào hang quỷ. Bọn quỷ cố gắng tìm bắt đủ 15 đứa trẻ hư làm lễ tế thần để lấy được một viên ngọc thần kỳ. Lấy được viên ngọc, chúng sẽ trở thành người, còn những đứa trẻ kia thành quỷ. Mẹ cậu bé đi tìm con, bị Ma vương bắt. Hành trình cứu mẹ đã biến cậu thành học sinh ngoan, biết sống vì người khác. 


Ở phần 2, giấc mơ của cậu bé đã thành điềm báo. Ma vương xuất hiện trở lại cùng âm mưu đen tối, đe dọa cuộc sống bình yên của dân làng. Chỉ vì lũ quỷ mơ ước được quay trở lại với ngày xa xưa, khi còn là… những đứa trẻ. Chỉ vì không được nghe những lời ru ngọt ngào, những chuyện cổ tích ly kỳ của bà của mẹ nên chúng mới chất chứa toàn ý nghĩ ma quái rồi trở thành quỷ. Xuân Bắc khẳng định: “Câu chuyện gửi thông điệp cho cả người lớn và trẻ em. Nếu như các bậc phụ huynh quan tâm hơn đến tâm hồn trẻ nhỏ thì các bé sẽ được phát triển một cách toàn diện hơn”.

“Đại ma vương” Tự Long cũng rất thích nghe chuyện cổ tích nhưng cứ đến đoạn xuất hiện người tốt là ghét. Ma vương nói với khán giả: “Anh ghét Bụt lắm! Anh ghét nhất bọn tiên. Chúng nó cứ bay nhảy lung tung. Cứ mỗi khi anh bắt nạt bọn trẻ con, bọn Bụt lại xuất hiện để ngăn cản”. Âm mưu của Đại ma vương có những cảnh hài hước, vui nhộn về những phép thuật lìu tìu của ma vương cùng đàn em. Chẳng hạn, Tự Long tuyên bố: “Ta vỗ tay một cái là sấm sét nổi lên!”. “Đâu, đâu”, khán giả kêu. Sấm sét nổi lên thật. Khán giả: “Sấm sét qua loa, không phải sấm sét thật!”. Ma vương cùn: “Trong rạp chỉ làm được thế thôi. Thích xem sấm sét thật, mời ra ngoài rạp xem nhé!”.

Xuân Bắc cho hay anh rất muốn phục vụ thiếu nhi nông thôn nhưng không đủ chi phí tối thiểu để chạy chương trình (khoảng hơn 100 triệu đồng/đêm diễn). Ngay diễn tại các huyện ở Hà Nội đã phải rất cân nhắc. Về quê nếu diễn trong rạp thì lỗ, diễn ngoài trời thì sợ mưa. Chưa kể vì không có tiền thuê vệ sĩ nên toàn phải nhờ người nhà ra giả vờ làm bảo vệ. Hậu quả là không ngăn được khán giả tràn vào. Thấy vậy, một số khán giả mang trả vé, đòi lại tiền. Diễn ở nhà thi đấu thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nhưng Xuân Bắc cho rằng ở đó âm thanh không đạt tiêu chuẩn.

Xuân Bắc khoe anh sẽ đưa 20 thành viên của CLB XB diễn cùng trong vở kịch. Đây là các học viên được Xuân Bắc trực tiếp chỉ dạy cách cảm thụ nghệ thuật, tăng khả năng tập trung, biết bày tỏ cảm xúc, phát triển kỹ năng giao tiếp tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Anh cho hay, lớp học của mình rất hiệu nghiệm trong việc khắc phục chứng tự kỷ của trẻ em. Các em được giao làm những bài tập kiểu như ra Bờ Hồ hỏi tên và số điện thoại của 5 người nhưng không được nói là học trò của Xuân Bắc đi làm bài tập! Một số phụ huynh sau đó khóc, cảm ơn Xuân Bắc vì con họ đi học về đã biết gọi dạ bảo vâng. Học viên tham gia lớp học này từng theo Xuân Bắc lưu diễn, tham gia công tác xã hội và đóng một số phim truyền hình.

Diễn cho trẻ em nhiều phen phải “cân não” ra trò. Chẳng hạn, ma vương vừa tuyên bố tuyển em nào lười học, xem TV nhiều, ăn lắm, béo phì… làm đệ tử, ngay lập tức một cậu bé lũn cũn lên sân khấu vì tự thấy mình đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Nói thế nào cũng không chịu xuống, cuối cùng Tự Long nhớ ra: “A, ta còn một tiêu chuẩn nữa. Đó là bạn nào muốn làm đệ tử của ta còn phải xơi hết một bát phân bò ngay tại sân khấu có khán giả làm chứng!”. Lần khác, tiêu chuẩn phụ là phải có nốt ruồi… ở mông.


MỚI - NÓNG