Mai này Hải Vân quan…

Hải Vân quan hiện nay.
Hải Vân quan hiện nay.
TP - Trên chiếc xe cà tàng, tôi phi lên đỉnh đèo Hải Vân trong mưa khi hay tin lãnh đạo hai Sở Văn hóa - Thể thao (VH - TT) Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế sẽ ngồi lại với nhau ngay tại Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Chứng kiến cuộc làm việc đặc biệt hôm đó (24/4) và cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo 2 sở diễn ra trong sương mù nơi chóp đỉnh Hải Vân quan hoang phế gợi mở hứa hẹn bao điều chờ mong bấy lâu nay.

Cuộc họp đặc biệt

Người xưa gọi Hải Vân quan là đèo Ải Vân vì bởi nơi đây mây đè đỉnh núi quanh năm. Cơn mưa giông bất chợt, rát mắt những tốp khách thích ngoạn mục đỉnh đèo bằng xe máy. Đỉnh đèo Hải Vân mù trong sương, giữa nắng hè mà lạnh đến run người. Lên tới đỉnh đèo, đã thấy đại diện phía Đà Nẵng ngồi chờ trong sương mù dày đặc, ngay cửa hàng đồ lưu niệm xập xệ. Cuộc làm việc giữa lãnh đạo hai Sở VH-TT của 2 địa phương ngay tại cửa hàng đó, đúng 10 ngày sau khi Bộ VH-TT&DL công nhận đây là Di tích quốc gia. Các hộ dân buôn bán mấy chục năm trên đỉnh đèo hay tin xúm quanh hóng chuyện, trong khi du khách nước ngoài ngơ ngác chẳng biết chuyện gì đang xảy ra. Từng tốp du khách ngó qua, chỉ trỏ rồi cứ thế lên thăm thú Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Lãnh đạo hai Sở bắt đầu cuộc làm việc trễ hơn so với dự kiến gần 30 phút. Ghế không đủ ngồi, nhiều người phải đứng họp. Riêng việc họp nhấp nhổm, không đủ ghế giữa ngổn ngang hàng quán cũng thấy đặc biệt rồi.

Mở đầu buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, chia sẻ: Đây là cuộc họp bàn, làm việc hết sức đặc biệt. Đặc biệt cả về địa điểm lẫn tính chất lịch sử lần đầu tiên sau mấy chục năm đợi chờ. Ông Hùng vừa dứt lời, lại thêm cơn mưa rào ập tới, mây mù kéo vào tận nơi ông đang ngồi. Ông Hùng cười vui: “Họp thế này, mưa là điềm lành. Cuộc họp lịch sử nên trời đất cũng ủng hộ đó!”.

Ải Vân, bên này là Đà Nẵng, bước mấy bước là qua đất Thừa Thiên- Huế. Mỗi năm nơi đây đón từ 20 - 30 vạn du khách tham quan, trong đó hơn 1/3 là du khách nước ngoài. Thế nhưng, vì nằm giữa địa phận giáp ranh, trải qua chiến tranh, đến nay, Hải Vân quan đã hoang tàn, đổ nát. Và cũng vì cảnh “cha chung không ai khóc”, hai cụm kiến trúc gồm Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đã xuống cấp đến 60 - 70%. Bên cạnh đó, những lô cốt quân sự, mồ mả, công trình xây dựng, hàng quán, khiến Ải Vân ngày càng hoang phế, nhuốm màu cô liêu.

Ông Hùng cho hay, di tích cấp quốc gia riêng Đà Nẵng có hơn 20 công trình, nhưng Hải Vân quan là đặc biệt nhất, nhưng do nằm ở vị trí giáp ranh, ranh giới chưa rõ ràng nên đến nay mới được đề xuất công nhận.

Nhắc đến hồ sơ của Hải Vân quan, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT - Huế cho biết: Đây là bộ hồ sơ đặc biệt nhất trong lịch sử đề xuất công nhận Di tích Quốc gia từ trước đến nay bởi có tới 20 con dấu đỏ chót của các cơ quan chức năng của 2 địa phương đóng vào. Trong khi đó, một bộ hồ sơ bình thường chỉ có 9 con dấu đã là nhiều.

Ông Dũng cho hay, 20 năm trước, khi đang còn công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, chính ông đã làm một bộ hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng hai địa phương không thống nhất được, dẫn đến suốt một thời gian dài Hải Vân quan bị bỏ quên. Mãi đến cuối năm 2016, hai địa phương mới có thống nhất cùng lập một bộ hồ sơ chung để đề xuất công nhận Di tích cấp Quốc gia với Hải Vân quan.

Theo ông Dũng, việc cần làm ngay lúc này là ngành văn hóa hai địa phương phải tham mưu cho UBND tỉnh TT-Huế và TP Đà Nẵng chỉ đạo công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích theo hồ sơ khoa học; dựng biển giới thiệu về di tích cả tiếng Việt và tiếng Anh, làm bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; ban hành quyết định phân cấp quản lý di tích…

Nhìn vào thực trạng nhếch nhác của Hải Vân quan, ông Dũng đề xuất xin ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu để di dời, loại bỏ các bộ phận, hạng mục công trình không liên quan đến các yếu tố gốc của di tích, như vọng gác phía trên cổng Hải Vân quan, các lô cốt xây trên đất di tích hay những nền móng công trình xây dựng dân sinh đã bị phá dỡ… Trước khi tôn tạo hay xây dựng bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, Sở Tài nguyên Môi trường hai địa phương cần thu hồi đất lâm nghiệp để cấp quyền sử dụng đất mới.

Sở VH-TT tỉnh TT - Huế đưa ra 8 đề xuất, phía Đà Nẵng nghe xong gật đầu đồng ý và đóng góp thêm một vài ý kiến để chi tiết cụ thể hơn, trước khi ký vào biên bản làm việc, để tham mưu lên lãnh đạo hai địa phương cũng như Bộ VH-TT&DL đối với việc trùng tu di tích này. Trước mắt sẽ dọn dẹp vệ sinh khu vực Hải Vân quan để trong tháng 5 này, cả hai địa phương cùng tổ chức lễ đón bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia sau bao năm mong chờ.

Mai này Hải Vân quan… ảnh 1 Cái bắt tay lịch sử giữa ông Huỳnh Văn Hùng (trái) và ông Phan Tiến Dũng thể hiện quyết tâm chung sức vì Hải Vân quan.

Và cái bắt tay lịch sử giữa mù sương

Phải chờ mưa tạnh, sương tan, lãnh đạo hai Sở cùng cán bộ chuyên môn, lãnh đạo huyện  Phú Lộc (Huế) và quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) mới có thể khảo sát thực tế Hải Vân quan. Đây cũng là chuyến khảo sát đầu tiên mà lãnh đạo, chuyên gia hai địa phương cùng có mặt, cùng kiểm tra từng phiến đá, viên gạch nơi đây. Trong đoàn, ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc TT Bảo tồn di tích cố đô Huế chia sẻ rằng: Phải làm quy hoạch tổng thế và chi tiết, rồi kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư vào làm ngay từ đầu. Bởi theo ông Tuấn, để nhà nước làm không biết đến bao giờ!?

Nhìn những đổ nát hoang tàn nơi Ải Vân, ông Hùng cho biết Đà Nẵng và Huế là láng giềng nhưng có hai nền văn hóa khác nhau. Một bên mang nét văn hóa Bắc Trung bộ và còn bên kia là Nam Trung bộ. Hải Vân quan là địa điểm rất phù hợp để kết nối hai địa phương. Đây cũng là niềm ao ước mong chờ bấy lâu nay của nhân dân và chính quyền Đà Nẵng và TT-Huế.

“Chúng ta đang đi tìm điểm chung giữa hai nền văn hóa. Hải Vân quan là điểm chung rất  lý tưởng, là biểu tượng của tình đoàn kết giữa 2 địa phương cụ thể là 2 ngành văn hóa thể thao. Chúng ta có nhiều việc phải làm, nhưng trước hết phải làm sao để Đệ nhất hùng quan thành điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách”, ông Hùng cho biết.

Mai này Hải Vân quan… ảnh 2 Quang cảnh buổi làm việc lịch sử giữa lãnh đạo 2 Sở VH - TT Đà Nẵng và TT - Huế ngay đỉnh đèo Hải Vân.

Để khẳng định sự hợp tác, cùng nhau vì mục tiêu trùng tu, tôn tạo, trả lại giá trị gốc của Hải Vân quan, cứu di tích khỏi sự xuống cấp, hư hỏng, hai Giám đốc Sở bắt tay nhau ngay dưới Hải Vân quan, trước sự chứng kiến và tràng pháo tay của đông đảo du khách, người dân và đoàn công tác. Ông Dũng tiết lộ: ông và ông Hùng là bạn học cùng lớp thời đại học. Ra trường lại cùng làm ngành văn hóa. Hải Vân quan là tâm huyết mà cả hai ông đeo đuổi bấy lâu nay. Cả hai sẽ cố gắng vì một Hải Vân quan trở về đúng với giá trị của Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Cái bắt tay đó, ông Hùng bảo là cái bắt tay lịch sử.

Mọi người ra về, tôi ở lại hỏi chuyện bà Lê Thị Cúc, tổ trưởng tự quản của 18 hộ dân kinh doanh hàng lưu niệm trên đỉnh đèo (trong đó có 4 hộ lên từ phía Lăng Cô). Bà Cúc cho biết: Bao nhiêu năm qua, bà con buôn bán ở đây mong muốn nhà nước sắp xếp sửa sang để làm cho quy củ, sạch đẹp. Huế và Đà Nẵng bắt tay cùng sửa sang, tôn tạo thì còn gì bằng. Du khách lên đây, thấy cảnh hoang tàn, đổ nát cũng xót xa cho Hải Vân quan. Nhiều người hỏi chuyện, nhưng bà không biết trả lời sao. Nhưng rồi bà Cúc cũng ái ngại: Làm sao cho khéo, làm không khéo lại mất khách. Khách, nhất là khách nước ngoài, họ lên đây một phần họ cũng thích sự đổ nát hoang phế. Giờ làm mới, liệu khách còn ưa không!?

Có người nói Ải Vân là Ải thời gian. Mai này, Ải ấy sẽ về đâu…!?

“Chúng ta đang đi tìm điểm chung giữa hai nền văn hóa. Hải Vân quan là điểm chung rất  lý tưởng, là biểu tượng của tình đoàn kết giữa 2 địa phương cụ thể là 2 ngành văn hóa thể thao. Chúng ta có nhiều việc phải làm, nhưng trước hết phải làm sao để Đệ nhất hùng quan thành điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách”.        

 Ông Huỳnh Văn Hùng

MỚI - NÓNG