Mầm độc của đĩa nhạc Thuý Nga Paris by Night 77

Mầm độc của đĩa nhạc Thuý Nga Paris by Night 77
Nếu không kịp thời ngăn chặn, những luồng tư tưởng độc hại mà các thế lực phản động lợi dụng gieo rắc trong đĩa nhạc Thúy Nga 77 sẽ ảnh hưởng xấu tới đời sống văn hóa lành mạnh.
Mầm độc của đĩa nhạc Thuý Nga Paris by Night 77 ảnh 1
Bìa đĩa nhạc Thuý Nga Paris bynight 77 đang lưu hành trên thị trường

Đĩa nhạc Paris by night 77 được phát hành rộng rãi ở hải ngoại ngày 29/4/2005 giá bán 26 USD và chỉ mấy ngày sau đó đã xuất hiện lén lút trên các quầy hàng đĩa nhạc lậu ở trong nước với giá khá bèo: 24.000 bộ 4 đĩa VCD và 32.000 cho bộ 2 đĩa DVD.

Khác với các chủ đề trong các chương trình Thúy Nga Paris by night trước như Hoa bướm ngày xưa, Song ca, Xuân tha hương, Trở về miền Viễn Đông, Tiếng hát trái tim, Thu ca... Thúy Nga Paris by night 77 với chủ đề 30 năm viễn xứ là một tuyển tập các bài hát ca ngợi cuộc chạy trốn của những người rời bỏ quê hương.

Góp mặt trong đĩa nhạc này ngoài thế hệ của các ca sĩ trước năm 1975 luôn có tinh thần chống Cộng như Lệ Thu, Khánh Ly, Hoàng Oanh; hàng loạt các ca sĩ trẻ khác sinh ra ở hải ngoại sau năm 1975 như Quang Lê, Dương Triệu Vũ, Trần Thái Hòa, hay mới sang định cư tại hải ngoại như Thu Phương, Thế Sơn, Nguyễn Hưng, Bằng Kiều... cũng thể hiện những bài hát nỉ non, ủ ê của các tác giả là lính ngụy sáng tác trong chế độ cũ.

Để minh họa cho chủ đề này, đầu chương trình là đoạn phim tài liệu 1975 - 2005 tái hiện lại hình ảnh bại trận của Mỹ - ngụy trong cuộc chiến tranh Việt Nam và cuộc chạy loạn năm 1975 của một số người dân.

Thật tức cười, một kẻ lưu vong phản quốc như nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã lên tàu vượt biên năm 1978, trùm sò phản động kiêm MC dẫn chương trình đã ngụy biện rằng những hình ảnh phim tài liệu chiếu trên sân khấu lớn “không phải khơi dậy một niềm đau mà để khơi lại một nỗi nhớ bởi vì những gì của lịch sử không thể thay đổi được”.

Với chủ đề 30 năm viễn xứ, các bài hát trong đĩa nhạc này chủ yếu sáng tác trước năm 1975 đều có nội dung rất phản động, cố tình tô vẽ và biện minh cho sự ra đi, trốn chạy khỏi đất nước của những kẻ phản quốc là "đúng đắn", ca ngợi những vùng đất nơi xứ người là "chốn thiên đường", là mảnh đất của tự do (?).

Chưa dừng ở đó, các bài hát còn cố tình xuyên tạc sự thật, vẽ lên một cảnh tượng u ám, đau thương về đất mẹ đáng kính và đồng bào trong nước với nhiều ca từ xúc phạm, bôi nhọ Tổ quốc nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng họ.

Nhạc phẩm Tôi cố bám của Nguyễn Đình Toàn được Khánh Ly, nữ ca sĩ chống Cộng hàng đầu tại hải ngoại thể hiện sặc sụa những lời ca phản động đầy hăm dọa, kích động.

Những lời ca này gây thù hận và hiểu lầm của những người con xa xứ với Tổ quốc. Quê hương không bao giờ chối bỏ bất cứ ai và những người vượt biên đã tự động rời bỏ quê mẹ nhưng đã được lý giải rất lệch lạc, xuyên tạc rằng không thể sống ở đất mẹ mà buộc phải bỏ đi như bài Xin đời một nụ cười của Nam Lộc mà 2 thế hệ ca sĩ ở hải ngoại là Khánh Ly và Thế Sơn, Trần Thái Hòa gân cổ hát.

Nguy hiểm hơn, nhiều bài hát còn tiêm nhiễm cả tư tưởng phản quốc cho thế hệ những em bé sinh ra ở hải ngoại, để chúng hiểu lệch lạc, sai lầm về quê hương.

Hay một ca sĩ Dương Triệu Vũ đang là học sinh giọng non choẹt được quảng cáo là phát hiện mới của trung tâm Thúy Nga được đào tạo hát bài ca sặc mùi phản động:

“Tôi là con chim lạc bầy từ muôn kiếp trước, tôi là mây bay ngàn đời trên trời tha phương. Ôi trời quê hương tuyệt vời nằm trên trang giấy qua lời ca dao mẹ hời xưa nhẹ chiêm bao nay nặng nỗi đau núi gọi sông gào”.

Lớp trẻ hải ngoại chưa về cố hương sẽ hiểu gì về quê cha đất Tổ khi nghe những bài hát kiểu này?

MỚI - NÓNG