Mấy chiều Hà Nội luyến lưu

Nhà văn Nguyễn Tuấn
Nhà văn Nguyễn Tuấn
Nhà văn Nguyễn Tuấn vừa cho ra mắt tập truyện ngắn “Cạm bẫy ngọt ngào”, Nguyễn Tuấn – tài năng đã đủ bảo chứng cho sự lập danh. Thế nên, có nhẽ không cần thiết phải khen ngợi văn phong của Nguyễn Tuấn, một lối văn phong cổ điển, dụng chữ mà như không, cứ chân chất như dáng người vâm vấp của Nguyễn Tuấn vậy.

Phải mấy năm rồi Nguyễn Tuấn mới lại in sách, sau cuốn ký sự báo chí tạo tiếng vang lớn nhan đề “Pháp trường giá lạnh” hồi năm 2011. Trước đó nữa là, “Kháng cáo” và “Cố nhân”.

Tôi gọi nhà văn Nguyễn Tuấn là nhạc thúc, đó cũng là một cơ duyên dài.

1. Lâu lắm rồi, hồi còn học phổ thông ở quê nhà, tôi ngẫu nhiên có đọc Nguyễn Tuấn, truyện ngắn có tựa đề “Vết chém”. Sau này mới biết, Nguyễn Tuấn đoạt giải nhì trong cuộc thi vận động sáng tác đầu tiên của lực lượng với tên gọi Cây Bút Vàng thuở 1996-1997. Thoắt cái, mà gần 20 năm trôi qua, nhanh như mắt chớp.

Cây Bút Vàng thời ấy là giải thưởng cực kỳ có uy tín, nhìn vào đội ngũ các nhà văn tham dự là đã có thể tự đưa ra nhận định. Nếu tôi nhớ không nhầm, người đoạt giải Cây Bút Vàng là nhà văn Ma Văn Kháng, còn giải Nhất của cuộc thi này là cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nguyễn Tuấn chỉ xếp sau Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng trong một cuộc sáng tác, bấy nhiêu đã là quá đủ để tự hào. Mặc cho sự thẩm thấu văn chương không phải lúc nào cũng bị tên tuổi trấn vía.

“Vết chém” có tiết tấu chậm rãi, có xung đột nội tâm, có cao trào, có thắt nút rồi tháo mở, không có gì là quá nổi bật nếu xét về thủ pháp sáng tác truyện ngắn. Thế nhưng, cái được nhất của “Vết chém” chính là tính nhân văn. Tính nhân văn êm ái như lối dẫn chuyện của Nguyễn Tuấn, tính nhân văn không hề có, tính nhân văn không giả tạo.

 Tôi nhớ là truyện kể về một bác sĩ pháp y đã vượt qua những hận thù khi tiến hành khám nghiệm pháp y cho một kẻ đã từng xâm hại con gái của vị bác sĩ này. Nguyễn Tuấn ngày ấy mới chớm qua tuổi ba mươi như tôi lúc này, chớm qua tuổi ba mươi mà đã đã thoát ra được một cách đầy ngoạn mục trong sự giằng xé nội tâm của nhân vật thì đã có thể gọi là “cao thủ”.

Mấy chiều Hà Nội luyến lưu ảnh 1 Cuốn sách mới xuất bản của nhà văn Nguyễn Tuấn. 

Mỗi người viết luôn có một xảo thuật riêng, bạn đọc chăm đọc thì sẽ phát hiện ra điều này. Người viết càng chuyên nghiệp càng có kinh nghiệm trong việc sử dụng xảo thuật này.

Người viết sẽ cân đo đong đếm được cảm xúc của người đọc, để sử dụng chi tiết tùy nghi theo ý của mình, miễn sao cứ mỗi phát chốt hạ thì ngay lập tức gây nên một sự trọng thương về mặt cảm xúc đối với người đọc. Cơn trọng thương này tùy theo chi tiết mà nhà văn mang lại, có thể là nỗi hoan hỉ, có thể là cơn bùi ngùi, có thể khóc hoặc cười…

Đọc nhiều của Nguyễn Tuấn mới biết rằng Nguyễn Tuấn không sử dụng những xảo thuật của người viết chuyên nghiệp, mặc dù Nguyễn Tuấn đúng là người viết chuyên nghiệp. Thậm chí, có thể gọi là cực kỳ chuyên nghiệp. Thế nhưng, cái cách mà Nguyễn Tuấn chọn để gây nên một sự trọng thương về mặt cảm xúc cho người đọc không có gì ngoài hai chữ “Chân thành”.

Phải có sự chân thành thì câu chữ mới không giả tạo, câu chữ không giả tạo cũng như nước miền ngược xuôi về ngày nắng đẹp, chậm rãi, an nhiên, từ tốn lại vô cùng linh hoạt dịu dàng. Vô cùng chậm rãi, chậm rãi như dáng đi của Nguyễn Tuấn vậy.
Nếu tin văn là người, thì áp dụng vào Nguyễn Tuấn là tuyệt đối chính xác.

Nguyễn Tuấn có một đặc tính rất thú vị, đặc tính tính tin vào cái thiện của con người. Điều này phảng phất nét mà cố thi sĩ Lưu Trọng Lư từng đúc kết với đại ý “Ta thà bị con người lừa chứ không nguôi niềm tin vào họ”. Hầu như trong tất cả các sáng tác của mình, Nguyễn Tuấn đều không muốn thoát ra khỏi nhân sinh quan này.

Ngay cả khi Nguyễn Tuấn viết về những tử tù, Nguyễn Tuấn vẫn có góc nhìn ấy. Mấy lâu tôi hỏi Nguyễn Tuấn cảm giác của anh như thế nào khi là người cuối cùng tiếp xúc với tử tù, Nguyễn Tuấn trả lời rất gọn “Chỉ thương thôi”.

Ngoài trừ một vài trường hợp khá biến thái, còn lại người ta đều nẩy sinh cảm giác này lúc chứng kiến cảnh một cá nhân sắp sửa bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi đời sống xã hội. Thế nhưng, không chắc rằng ai cũng có thể chuyển tải cảm xúc ấy vào trang viết một cách thẩm thấu thân phận như Nguyễn Tuấn. Ngoài văn chương, thì đây là mảng đề tài của Nguyễn Tuấn mà tôi không thể không nói là rất khâm phục.

2. Hơn năm năm trước, khi tôi ra Hà Nội, tháng ấy là một tháng rất lạnh. Nhà văn Dương Bình Nguyên có nói với tôi, “Anh Nguyễn Tuấn trách sao ngồi với N.K.L mà không gọi anh Nguyễn Tuấn ra nhìn mặt N.K.L một chút”. Tất nhiên, khi Nguyễn Tuấn nói điều này không có nghĩa là Nguyễn Tuấn vì đã đọc tôi hay vì nghe tên tôi hay vì bất cứ lý do gì gì đó mà muốn tìm gặp. Là do một uyên nguyên sâu xa mà tôi không tiện kể. Sau này mọi thứ qua đi, ra Hà Nội lần nào bận mấy cũng tìm về ngồi với Nguyễn Tuấn một lát. Lắm lúc tôi chuẩn bị ra sân bay để về lại Sài Gòn, Nguyễn Tuấn vẫn mặc quần short, chạy xe gắn máy tạt qua khách sạn để lôi tôi ra rủ rỉ một chốc.

Đa phần là ngồi tán chuyện trong phòng làm việc của Nguyễn Tuấn, mấy lúc ngồi cà phê, không bia vỉa hè hay rượu trong quán xá. 
Nguyễn Tuấn không thích tụ tập, hay bảo “Xong việc về với vợ con là thích nhất. Với lại, cơm canh vợ con nấu sẵn đợi, không về ăn thì nó kỳ cục lắm”. Nếp tính rất gia đình, nếp tính rất khác những văn nghệ sĩ khác.

Chưa bao giờ Nguyễn Tuấn nói với tôi về nghề,  về những thứ đại loại như dự tính sắp viết gì, sắp có gì. Cứ tỉnh queo như những điều ấy vụn vặt lắm, không đáng quan tâm lắm. Chỉ toàn nói chuyện trên trời dưới đất hoặc hỏi thăm về sức khỏe, công việc của nhau. Đặc điểm này của Nguyễn Tuấn, tương tự như những văn nghệ sĩ mà tôi biết tại Sài Gòn.
Tôi chưa từng nghe Lê Minh Quốc nói gì về những dự định viết lách, tôi chưa từng nghe Trần Nhã Thụy nói về những dự định viết lách, tôi chưa từng nghe về gì cả. Chỉ là lẳng lặng làm, lẳng lặng gửi nhà xuất bản bản thảo và in. Mấy lâu tôi có cáu với anh Trần Nhã Thụy, “Anh PR tác phẩm của mình chán quá”. Trần Nhã Thụy cười cười.

Bởi một tác phẩm sáng tạo ngoài chuyện hay thì yếu tố quảng bá vô cùng quan trọng trong thời điểm này. Quảng bá như là một phương tiện, nếu không có phương tiện thì người cần tìm đọc biết lần vào đâu. Khi tôi nói điều này với Nguyễn Tuấn, Nguyễn Tuấn cũng lặng im.
Nguyễn Tuấn nói với tôi, “Bây giờ mình già, mình không còn ham hố gì nữa. Chỉ mong thi thoảng được đi chơi một lát, thi thoảng được yên tĩnh một lát, thi thoảng khám sức khỏe thấy vẫn còn ổn, đã là may mắn lắm rồi”. 

Nguyễn Tuấn, chưa bao giờ là một người thích cao đàm khoát luận. Nếu mong muốn thấy một tay cầm bút ăn sóng nói gió thì thập phần thất vọng khi ngồi với Nguyễn Tuấn.

Văn nhân gì, chỉ suốt ngày vo tròn mong hai chữ “Bình an”.

Nguyễn Tuấn có hai sở trường (mà hoàn toàn có thể gọi là hai khuynh hướng rõ ràng, viết báo thì mảng tử tù hoặc ký sự pháp đình. Viết truyện ngắn thì là những câu chuyện về đánh án, phá án). Sự khác biệt duy nhất của truyện Nguyễn Tuấn với những truyện vụ án khác là xoáy sâu vào tình cảm của người dành cho người trong vạn sự. Thế nhưng, nếu đọc “Cạm bẫy ngọt ngào” sẽ thấy một Nguyễn Tuấn quan sát đời sống tinh tế đến mức nào, đó là đời sống trong một gia đình kiểu kiểu công chức, đời sống trong một nơi kiểu kiểu xóm lao động, đời sống trong một chốn kiểu kiểu trụy lạc bình dân… Một Nguyễn Tuấn của phố thị.

3. Nguyễn Tuấn kiệm lời, lại như tôi đã viết phần trên, thường xa lánh những nơi ồn ào. Không biết ngày trẻ Nguyễn Tuấn đã như thế chưa, hay đến tuổi ngũ thập tri thiên mệnh mới bắt đầu cảm thấy sự dzích dzắc của đời sống cuối cùng không mang lại cho cá nhân một sự trọn vẹn nào.

Nguyễn Tuấn lành, nhưng lành không có nghĩa là chuyện gì cũng chấp chới cho qua. Nguyễn Tuấn đủ năng lực để trấn vía hay bảo ban cho một thế hệ đi sau nhiều điều hay. Chỉ là, Nguyễn Tuấn không làm việc ấy một cách trực diện.

Ban đầu khi mới quen Nguyễn Tuấn, tôi đã nghĩ, ông nhạc thúc của mình là dân nghệ sĩ, hẳn phải làm cũng lắm, chơi cũng lắm, phá cũng lắm, kiệm cũng lắm, hoang cũng lắm, hiền cũng lắm… Nghĩa là có rất nhiều thứ lắm trong một cá nhân theo nghiệp viết.

Thế nên, gặp Nguyễn Tuấn lần đầu có chút hơi thất vọng. Có lẽ, tôi bị ám ảnh bởi những cuốn hồi ký của các bậc như Tô Hoài, Phạm Cao Củng, Vũ Bằng… Cứ mặc định đã văn chương thì phải hư hỏng một chút, buông thả một chút. Chứ có biết đâu ông nhạc thúc đã là nhà văn nhà báo nổi tiếng mà cứ mở miệng là về nhà ăn cơm, về nhà chơi với con.

Tất nhiên thì mỗi cá nhân cầm bút đều có một sự cao ngạo riêng, tôi thề là không ai cầm bút mà không có sự cao ngạo của chính mình. Như có lần nhà thơ Lê Vĩnh Tài bảo với tôi, “Có nhiều ông cũng bình thường mà cao ngạo đến mức mình chịu không được”.

Mọi thứ nằm ở chỗ này, có người cao ngạo bởi tự cho mình cái quyền được cao ngạo trong đời sống, trong cách đối nhân xử thế, trong ngôn ngữ với người xung quanh. Lại có người chỉ cao ngạo trong tâm tưởng, trong tư duy, trong con chữ.

Và lại có người đặc biệt hơn, chỉ cao ngạo trong lao động. Lấy làm việc để cao ngạo, thì đã cái chuẩn mực của sự cao ngạo rồi.
Hẳn, tôi viết đến đây thì bạn đọc đã hiểu Nguyễn Tuấn thuộc người cao ngạo đặc biệt.

Theo Ngô Nguyệt Hữu

Theo Tinh Hoa Việt
MỚI - NÓNG