'Men nhạc' và những cây đàn nghìn đô

Nghệ sĩ Xuân Huy tạo ấn tượng mạnh tại hòa nhạc ngoài trời Luala. Ảnh: Nguyễn Khắc Quân.
Nghệ sĩ Xuân Huy tạo ấn tượng mạnh tại hòa nhạc ngoài trời Luala. Ảnh: Nguyễn Khắc Quân.
TP - Du khách đến Hà Nội từ giờ có thể nghe nhạc cổ điển cuối tuần trong một tòa nhà cổ từ thời Pháp. Chủ trò của chuỗi chương trình mang tên Men nhạc này là nghệ sĩ violon Xuân Huy- nguyên giám đốc âm nhạc hòa nhạc ngoài trời Luala. Anh cũng là nghệ nhân hiếm hoi ở Việt Nam có khả năng chế tác vĩ cầm.

“Ông bầu” Xuân Huy tự tin: “Lượng khách muốn nghe tinh chất của nhạc cổ điển không thiếu, hầu hết là học giả, chính trị gia, chủ tịch tập đoàn... Thường những người thành đạt thích nghe nhạc cổ điển, nhạc cổ điển kích thích não bộ”.

Vài năm trước, Huy từng tổ chức và chơi trong những đêm nhạc tại tư gia của KTS Phó Đức Vạn (phụ thân nghệ sĩ piano Phó An My) ở Xuân Mai. Cách Hà Nội hơn 30km nhưng những đêm nhạc hàng tháng này thường thu hút cỡ 100 khán giả trong khi sức chứa chỉ 60. Hiện Men nhạc đang trong thời hạn 2 tháng miễn phí. Sau đó mức phí dự kiến 1-2 triệu/người gồm đồ uống và ăn nhẹ.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc - bố tốt nghiệp violon ở Nhạc viện Thượng Hải (Trung Quốc), mẹ - diễn viên hát đoàn Tổng cục Chính trị - từ nhỏ Huy đã gắn bó với cây đàn violon. Sau khi tu nghiệp ở Nhạc viện Tchaikovsky và làm việc với các dàn nhạc của Nga, Huy trở về Việt Nam. Được nhiều nơi “trải thảm đỏ” mời vào biên chế, anh chọn con đường của một nghệ sĩ tự do. Anh ví mình như người đi trên dây: “Đi trên đất không bao giờ ngã, cùng lắm chỉ ngồi bệt. Đi trên dây luôn có nguy cơ bị ngã, vì vậy phải vận dụng toàn bộ kỹ năng để đi. Nhưng cái hay là có thể nhìn toàn cảnh dưới đất...”.

Ngoài ngón đàn được giới chuyên môn đánh giá cao, Huy còn có “tài lẻ” chế tác violon. Anh từng bán từng chiếc nhẫn vàng, vòng vàng của nhà để mua gỗ làm đàn. Mặt trên của đàn làm bằng gỗ thông, mặt dưới gỗ phong lâu năm có vân chun. Cần đàn vẫn là gỗ phong nhưng lớp mặt để bấm là gỗ mun để đảm bảo độ cứng. Các phần phụ tay vặn, tì cằm… bằng một loại gỗ đẹp mắt không quá nặng. Mỗi chiếc đàn được Huy làm hoàn toàn bằng tay mất 2-3 năm.

Tiền kiếm được anh lại đổ vào bộ sưu tập đàn cổ hiện có khoảng 15 cái, cổ nhất có từ 1751. Trong 10 năm ở Nga, Huy có nhiều dịp lưu diễn thế giới cùng dàn nhạc. Mỗi dịp đến Áo, Đức, Ý hay Pháp…, ngoài thời gian biểu diễn, anh lại tìm những thợ làm đàn xin học việc. Dĩ nhiên, anh không bỏ qua nhiều thầy giỏi ở Nga. “Thấy tôi đam mê, họ sẵn sàng chia sẻ. Vấn đề là dù họ có chia sẻ hết chắc gì mình đã làm được. Nó không như công nghệ có thể ăn cắp là xong”.

Huy cho biết nếu người làm đàn ở châu Âu ít nhất học violon xong bậc trung cấp mới chuyển qua làm đàn thì ở Trung Quốc, violon được sản xuất công nghiệp do toàn người không biết chơi đi lắp ghép từng mảnh. Đàn violon bán đại trà ở Việt Nam vài chục đô một chiếc hiện nay hầu hết là từ nguồn này. Đàn làm bằng tay ở châu Âu giá khởi điểm khoảng 10 nghìn đô/chiếc. Đàn đặt thợ giỏi bên Ý là 50 nghìn đô. Khác với piano, violon càng để lâu càng tăng giá. Những cây đàn cổ giá có thể lên tới 40-50 triệu đô.

“Nhiều người Việt tưởng piano 10-30 nghìn đô là đắt. Nhưng không, piano được sản xuất công nghiệp, được định giá theo seri. Nó là một bộ cơ, có dung sai, sẽ bị rão, bị hỏng trong vòng 10 năm. Vì vậy chỉ có piano mới mới có giá trị đúng như nhà sản xuất quy định. Violon càng chơi tiếng càng hay. Cho nên với violon không bao giờ nói là second-hand, phải nói là đồ cổ”.

Mặc dù thông báo giá đàn của mình có thể lên tới 15 ngàn đô, anh vẫn chủ trương giữ lại làm của gia bảo. “Những đồ này có thể không phải tốt nhưng vô giá”, Huy nói. “Tiền thì luôn có thể làm ra nhưng đàn không phải lúc nào cũng làm ra được. Cũng không phải còn những người có thể tiếp tục làm đàn ở Việt Nam”. Theo Huy, Việt Nam chưa đào tạo được người làm đàn, kể cả sửa đàn. “Toàn thợ mộc đi sửa đàn. Vô hình trung “giết hết” các em học sinh. Chúng nó sẽ bỏ nghề. Giống như đưa xe lởm bảo đi đi, đua đi… làm sao được”.

Tuy nhiên cũng có khi Huy tặng đàn cho bạn, thậm chí cả đàn Ý trị giá 800 triệu đồng. “Chả điên đâu, mình quý bạn. Người ta sẽ giúp mình trong những chuyện khác và tất nhiên phải biết chơi đàn chứ không phải tặng đàn để treo”, anh nói thêm. “Những chuyện khác đối với tôi là tạo điều kiện làm việc cho những nghệ sĩ nhạc cổ điển ở Việt Nam”.

Huy kể về những cây đàn vài chục triệu đô bảo quản trong két sắt, di chuyển bằng chuyên cơ. Hằng tháng người chịu trách nhiệm bảo quản sẽ mang đàn ra chơi cây 1 lần. Vĩ cầm lâu không chơi tiếng sẽ kém dần, như người lâu không nói bị ngọng.

Có người mời Huy vào Nam làm việc, bảo trong này mới là đất sống. Xuân Huy: “Tôi sống quá đủ rồi. Bây giờ tôi sống cho tôi. Tiêu chí của tôi không phải làm giàu. Tôi cần cái điều giàu hơn mà các anh không đáp ứng được…”. Huy xác định không kiếm tiền bằng việc đánh đàn mà kiếm tiền để chơi đàn. 

Ngoài ra anh tự giao nhiệm vụ tìm kiếm tài năng âm nhạc. Anh thông báo bắt đầu tìm được. Tài năng dưới sự hướng đạo của anh không vào trường nhạc học “mất thời gian” mà cứ cày đàn với thầy rồi gửi băng đĩa ra nước ngoài tìm cơ hội thi thố. Theo anh, đây cũng là một dạng “đi trên dây” nhưng được cái điều kiện để ra nước ngoài thi thố bây giờ dễ hơn xưa nhiều. Không đến nỗi chỉ vì không có tiền mà không dám đi thi quốc tế như đời thầy.

Muốn dự Men nhạc vào 20h thứ Bảy hàng tuần tại số 13 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, khách phải đặt chỗ trước. Khán phòng chứa tối đa 50 người. Sân khấu mỗi đêm dành cho 6 nghệ sĩ hàng đầu ở Hà Nội diễn trực tiếp, không trang âm. Những cái tên có thể kể: Hà Phạm Thăng Long (soprano), Thu Trang (soprano), Mạnh Dũng (baritone), Trần Khánh Quang (clarinet), Vũ Ngọc Linh (piano), Diệu Quỳnh (sáo)…

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.