Miên man tùy bút

Miên man tùy bút
TP - Từ số báo này, Tiền phong Cuối tuần sẽ cho đăng tải lần lượt những trang văn “Miên man tùy bút” của Đỗ Chu. Hy vọng đây sẽ là những lời trò chuyện đằm thắm mà trang trọng của tác giả gửi tới bạn đọc.
Miên man tùy bút ảnh 1
Nhà văn Đỗ Chu. Ảnh: Hữu Việt

Người Hà Bắc làm văn học nghệ thuật ở Hà Nội xem ra cũng đông, có cả trăm, nếu tính thêm dâu rể nữa phải vài trăm. Nhiều người tài năng siêu quần, tiếng tăm lừng lẫy, có người suốt năm xách túi đi họp, lại có người chỗ nào cũng có mặt, chạy đôn chạy đáo mồ hôi mồ kê nom vất vả lắm.

Một vài người quen sống như những cái bóng, có tên tuổi hẳn hoi mà chẳng mấy khi đã thấy mặt, tài năng ra sao, tính nết thế nào thì thật chưa phải ai cũng đều đã rõ. Ô thế ra bác ấy  cũng là người quê ta, sao chả thấy đến họp đồng hương bao giờ, tôi vẫn biết là có anh ấy nhưng lại tưởng đã đi Văn Điển rồi cơ.

Người ta mỗi người mỗi tính, biết làm sao. Giang sơn có thể đổi thay mà tính tình con người, thì rất khó thay đổi. Cái tính cách riêng của mỗi người là phải cố mà giữ lấy, để mất đi, để giống nhau, ai cũng như ai thì đời sống chung dễ thành thê thảm.

Có những người ưa ẩn dật cũng chẳng phải vì một lý do nào, đơn giản chỉ vì không thích ồn ào, ngại những mối quan hệ giao tiếp dễ sinh lằng nhằng, có vậy thôi. Họ ao ước được sống bình thường trong những năm tháng bình thường giữa một thành phố càng ít tiếng động, càng ít người nói to càng tốt.

Đấy là những người ôn nhu và lịch lãm, thong thả sống, thong thả làm việc, không định ganh đua với ai. Rất yêu nghề, hiểu nghề và trọng nghề. Họ xem văn chương nghệ thuật là cái mệnh cái nghiệp, suốt đời theo đuổi thủy chung với con đường mà mình đã chọn.

Mà xem ra những cống hiến cũng không ít, ở đây không biết thì đã có chỗ khác biết, người này không thích thì sẽ có người khác thích, chả sao cả, thế gian là rất rộng lớn. Nghĩ vậy để sống cho thanh thản thôi chứ biết thế gian là rộng lớn vậy mà cả đời lại vẫn chỉ quẩn quanh với vợ con, với Hà Nội và với một nhúm bạn kỹ càng.

Sài Gòn giải phóng vài chục năm rồi mà vẫn chưa có dịp tìm vào chơi, bạn bè cũ trong đó thiếu gì, họ đi ra đi vào chèo kéo đã nhiều, ấy vậy mà vẫn chỉ thấy có những lời hẹn, lời cáo lỗi thành thật, chả biết đến bao giờ mới chịu khăn gói lên tàu.

Mấy người cháu bên Paris gửi giấy mời qua chơi cũng chỉ ậm ừ nay hẹn sẽ đi mai hẹn sẽ đi. Lại còn có cả giấy mời của một tổ chức nghệ thuật từ Tokyo gửi sang, đem đến tận nhà, nhưng cũng chỉ nhắn một lời cảm ơn rồi lẳng lặng xếp vào ngăn tủ.

Có một người như thế, đấy là họa sĩ Linh Chi. Linh Chi là tên một loài nấm quý, một loài thuốc quý trong núi cao rừng sâu, và linh chi cũng là tên một loài cỏ, một loài lan, nghe đồn từ mấy ngàn năm trước người ta đã đóng thuyền đóng mảng vượt trùng khơi xa tít mù tắp để tới đảo Bồng Lai tìm loài cỏ thần kỳ này mang về luyện thuốc trường sinh bất lão.

Hà Nội có một họa sĩ Linh Chi. Tên khai sinh là Nguyễn Tài Lương, quê quán làng Nội Doi, huyện Quế Võ, bà mẹ là người thị xã Bắc Ninh, phường Vệ An. Nội Doi có nghĩa là túi cá, nghe các cụ kể như thế chứ suốt thời thơ trẻ anh sống cùng gia đình mãi trên thị xã Vĩnh Yên cơ.

Ông cụ thân sinh ra anh là Nguyễn Văn Tấn, sau Cách mạng Tháng Tám có về làng vài năm, được bầu làm Chủ tịch lâm thời xã, ít lâu sau là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, đến ngày Tây chiếm lại vùng bắc phần Bắc Ninh ông cụ xin rút lui mang cả nhà ra Thái Nguyên, ông mất cuối 1954, cũng vừa hòa bình lập lại.

LTS: Một ngày đầu xuân Đinh Hợi, nhà văn Đỗ Chu tới tòa soạn báo Tiền phong, rút trong tay nải ra một cuộn bản thảo tròn như cái giò, bảo: - Mình có quà cho các ông đây !

Đỗ Chu cho biết, đây là phần mở đầu của tập tùy bút “Về quê đốt lửa” mà ông đang viết. Một tập tùy bút bàn về sự trở về với những gì được xem là thuần Việt, những giá trị muôn đời mà tổ tiên đã để lại cho con cháu, nhưng có những lúc chúng ta hình như đã lãng quên hoặc xem nhẹ nó...

Anh Linh Chi sinh ra ở phố Vĩnh Thành, tỉnh Vĩnh Yên, số nhà 100. Cửa nhà nhìn thẳng lên đỉnh Tam Đảo. Trong nhà có vườn, qua vườn là nhà trong, qua nhà trong là cửa sau, cửa sau dùng để người ăn kẻ ở ra vào, thường không mấy khi mở, trước nhà là phố lớn, sau nhà là phố nhỏ.

Tuổi thơ anh gắn bó với cái tỉnh lỵ trung du đó nhiều hơn là với Bắc Ninh. Một ngôi nhà lợp ngói nhiều buồng, ấm cúng và hòa ái. Trên anh có một người anh cả và một bà chị, dưới anh là chú em học sau anh hai lớp, về sau này là nhà văn Trọng Hứa, đã nhiều năm làm cán bộ Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam rồi cuối đời làm Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam.

Cũng như nhiều gia đình công chức trung lưu thời đó, con cái trong nhà đều được học hành chu đáo, không người nào biết đói là gì. Đêm nào chị người ở cũng phải lo treo lên tường một chuỗi đèn dây, rồi thắp thêm nến trên ban thờ và bàn học của các cậu.

Chuyến xe lửa từ Côn Minh xuôi về qua cửa nhà vào lúc đã khuya, cả nhà đã đi nằm, nó thét lên một hồi còi dài trước khi uốn mình vào đỗ trong ga, hai anh em dỏng tai lắng nghe tiếng những vòng bánh nghiến lạo xạo trên đường ray.

Cả hai đều chưa muốn ngủ, bảo nhau ôm những chồng sách báo chất thành đống ở góc nhà ra xem. Có đầy đủ cả Đông Dương tạp chí, An Nam tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tứ Dân tạp chí, Tiểu thuyết thứ 7, Tiểu thuyết thứ 5, Ngày nay, Phong Hóa, Tự lực văn đoàn. Mỗi tuần hai ngày có nhân viên nhà dây thép mang báo chí tới tận nhà cùng các thư tín khác.

Cụ Tấn thân phụ hai anh học tiếng Pháp trong trường thông ngôn cùng một lứa với các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, khi tốt nghiệp được chọn về dạy ở trường Hậu bổ, sau đó thuyên chuyển lên Vĩnh Yên. Có nhà ngoài phố lại có trang trại trong núi, đang còn định tậu thêm đất đai để lập đồn điền. Ngày ấy ở Bắc Bộ có trào lưu đua nhau mang tiền đi mở đồn điền, người Tây, người ta đều có.

Quanh vùng Tam Đảo người thưa đất rộng, nước nôi khan hiếm, đất bạc màu bậc cao bậc thấp, đi cả ngày mới gặp một khe sâu, một vũng lầy, cây ràng ràng, cây cứt lợn, sim mua rải rác khắp cánh đồng. Đàn trâu bò khát nước nghêu ngao chạy ngả này ngả khác. Chim sẻ đồng, chim rẽ giun, chim đa đa làm tổ trong những bụi cỏ lút đầu người.

Tiếng là đồn điền nhưng có phải cái nào cũng khang trang đâu, lắm cái nom nhom nhem tiêu điều như những động ma, ông chủ bà chủ cả năm chỉ thấy ló mặt về lấy một lần, năm bảy anh thợ cày quay ra đánh bài đánh bạc, chỉ có hai cái đáng kể hơn là đồn điền ông Nguyễn Hữu Cự ở chân Tam Đảo và đồn điền ông Nguyễn Hữu Tiệp trên Bạch Hạc.

Ông Tiệp giàu có mang vàng vào Huế cưới một bà vợ lẽ người lêu đêu như cây sào nhưng ra đồng là mặc áo dài vấn khăn voan, bà này nghe nói là một công chúa trong triều Nguyễn, còn trẻ mà nhai trầu khỏe lắm.

Hai anh em cùng học tiểu học ở Vĩnh Yên, về nhà vẫn phải học thêm tiếng Pháp. Thầy hiệu trưởng của họ là cụ Nguyễn Khắc Mẫn cũng từ Bắc Ninh lên, quê cụ làng Nghĩa Chỉ huyện Tiên Du. Cụ còn là một nhà văn từng có năm đoạt giải văn chương Tự lực văn đoàn. Về sau cụ mang gia đình đi theo kháng chiến, vẫn làm nghề giáo, cuối đời sống ở Lạng Sơn.

Học xong lớp nhất anh Linh Chi phải về Hà Nội để học lên trung học. Dưới Hà Nội gia đình vẫn có một ngôi nhà tây cổ, chỉ cần đi vài ba bước đã ra đến hồ Thiền Quang, cho nên việc đi học xa với anh là không thành vấn đề. Hiềm một nỗi chú em từ bé đã quấn anh như hình với bóng, chú em là người yếu đuối, lại thích nhõng nhẽo chứ chả được cứng cáp như anh, do vậy gia đình tính khi anh về dưới kia thì dắt luôn thằng em đi để trông nom kèm cặp.

Miên man tùy bút ảnh 2
Ca sĩ Thanh Lan - tranh lụa của Linh Chi

Năm 1938 họ cùng vào học trường Gia Long, hai năm sau lại cùng chuyển qua trường Thăng Long. Anh Linh Chi đậu bằng diplomère năm 1942, còn anh Trọng Hứa phải đợi thêm hai năm nữa. Hồi ấy ở trong trường thấy có cả thầy Hoàng Minh Giám, thầy Đặng Thai Mai. Mấy năm trước học bên Gia Long họ được học vẽ các thầy Nguyễn Đỗ Cung và Trần Quang Trân. Ngồi trong lớp có cả Bùi Xuân Phái, từ lúc đó Phái đã chỉ cần mẩu chì và mảnh giấy hí hoáy một nhoáng là đã có cái ký họa hay.

Tình yêu hội họa ở Linh Chi có đã từ lâu, nhưng cũng phải đợi đến khi về Hà Nội anh mới có thể ý thức được nó một cách đầy đủ. Anh quyết định rẽ ngang, không học lên tú tài mà đi tìm thầy học vẽ, chuẩn bị thi vào Beaut arts des L’indochine.

Còn ông em theo gương người anh, không học lên tú tài nhưng cũng chẳng vẽ vời, ông quyết định nằm khoèo ở nhà, một hai thề mình phải là nhà văn viết những bộ tiểu thuyết tràng giang. Rồi ông đọc tràn lan tiểu thuyết Tàu, tiểu thuyết Pháp, nghỉ học để thế mới sướng.

Lúc bấy giờ Nhật đã vào Đông Dương, các trường học chẳng còn giữ nổi nề nếp, nay chạy tới chỗ này mai chuyển sang chỗ khác, nhiều người chán nản chứ chẳng riêng gì ai. Linh Chi một mình một chiếc xe đạp phóng lên Hòa Bình, qua Đồng Mỏ Kỳ Lừa, vẽ người Dao người Mường người Tày người Thái, vẽ Tam Đảo Ba Vì, vẽ cầu đá dưới làng Nôm lại vẽ chùa Trăm Gian, chùa Dâu chùa Tháp.

Phong cảnh và chân dung là sở trường của anh. Sách vở tài liệu hội họa anh có điều kiện tìm kiếm dễ dàng hơn bạn bè cùng lứa, từ mười lăm mười sáu tuổi anh đã có trong tay những tập sách quý nói về Van Gogs, Gauguin và đặc biệt là Matisse, anh yêu ông này từ  nhỏ.

Một hôm nọ, vào năm 1942, anh may mắn được gặp  họa sĩ Pháp Lucien Sylvie lúc đó đang đến vẽ Hà Nội, ông này là học trò của André Lhote. Lucien Sylvie sẵn sàng chỉ bảo cho Linh Chi biết đâu là hội họa, đâu là nghệ thuật chân chính, đâu là những ngõ cụt chớ nên đi vào.

Linh Chi được ông này cho vác giá vẽ đi theo cả tháng, họ lên Tây Hồ vẽ các làng ven đô. Họa sĩ khen Hà Nội rất đẹp. Ngày ông sắp về nước có một buổi nói chuyện lâu ở ven Hồ Gươm và chụp ảnh chung với nhau.

Linh Chi nói, tôi vẫn cảm thấy thiệt thòi vì không kịp qua trường, với các họa sĩ trẻ Việt Nam chúng tôi thì mơ ước lớn nhất là được qua L’ecole supérieure des Beaux arts.

Lucien Sylvie nhún vai cười, mày đang bước vào một cái trường lớn nhất rồi đó thôi, tranh mày sắp mang bày cho thiên hạ biết được rồi đó. Muốn làm một họa sĩ vững vàng thì bắt buộc phải học, nhưng không nhất thiết phải học trong trường. Tự học, học ở ngoài đời là cách học tự nguyện và trung thực nhất.

Năm mười bảy tuổi Picasso từ Tây Ban Nha tìm tới Paris để thi vào Trường hội họa của Viện Hàn lâm mỹ thuật Pháp, làm xong bài là được các ông thầy gọi đến ngay, anh về mà đi vẽ, xem bài làm của anh chúng tôi hiểu anh không cần phải vào đây học làm gì nữa.

Ngày thi vào cũng là ngày ra trường, với Picasso là vậy đó. Cần phải biết tự chuẩn bị lấy cho bản thân mình. Rồi ông ta hạ giọng nhìn Linh Chi và cười thân thiện – lũ chúng mày sắp sửa tôn Enghen làm tổ sư chứ gì, thế thì đấy, ông ta là người chưa có nổi bằng trung học, nhưng những gì ông ta đã viết ra đủ để ta hiểu đấy đúng là một bộ óc lớn, không có Enghen thì cũng không thể có Cac Mác.

Tháng 9 năm 1944 với 43 bức sơn dầu và bột màu Linh Chi đã bày triển lãm cá nhân lần thứ nhất tại Phòng thông tin Tràng Tiền. Đây không phải là một cuộc ra mắt công chúng thường thấy, với một họa sĩ hai mươi tư tuổi như anh lúc đó thì phải hiểu đấy là bước đi dũng cảm rất tự tin.

Một sự mở đầu đẹp của một quá trình sáng tạo sẽ kéo dài suốt ba phần tư thế kỷ. Một dấu hiệu tốt lành báo hiệu một tài năng, có một Linh Chi trong nền hội họa Việt Nam. Nhìn lại sự bắt đầu đó với những gì giờ đây chúng ta đã thấy thì cuộc triển lãm lần ấy hoàn toàn có thể đặt tên cho nó là, “Linh Chi, một cuộc lên đường”.

Một phòng tranh được dư luận chào đón, các họa sĩ đàn anh hào hứng động viên, anh có thêm nhiều bạn đồng nghiệp như Trần Văn Thọ, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Tiến Chung…

Những năm tháng ấy có một cái gì khó quên, một cái gì đang lên men, đang cựa quậy, đang tỏa hương, ta có thể cảm thấy, nghe thấy và trông thấy nó trong đời sống văn nghệ nước nhà, rõ nhất là ở Hà Nội.

Một Hà Nội hội họa hết sức mới mẻ và không ít sang trọng đang được hình thành, với biết bao hy vọng và hồi hộp, dưới ảnh hưởng trực tiếp của  hội họa phương Tây hiện đại mà hạt nhân của nó là trường Beaux arts des L’indochine.

Giữa những năm ba mươi thế kỷ trước, họa sĩ Trần Bình Lộc, một người thầy xuất sắc đã được nhà trường cử qua Phnompênh tham gia vào công việc đào tạo và xây dựng một phân hiệu hội họa tại đó, ông đã qua đời bởi tai nạn nổ đèn măng xông, họa sĩ Tô Ngọc Vân liền được phái sang thay, tiếp tục công việc mà bạn mình để lại vì một cái chết rất không nên có.

Thời kỳ đó Hà Nội đã chứng kiến sự ra mắt hoành tráng của một phòng trưng bày chung tại Nhà địa ốc ngân hàng với sự có mặt của bốn họa sĩ bậc thầy, Trần Bình Lộc, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Phan Chánh.

Mỗi người một vẻ tất cả đều đã tỏa sáng, đều đang bắt đầu một cách có bản lĩnh trong sứ mệnh chung xây dựng cho nước nhà một nền hội họa có mực chuẩn, có cốt cách, vừa rất dân tộc lại  không thiếu những tiêu chuẩn mà bất kỳ nền hội họa hiện đại nào cũng phải có. Hay nói một cách khác, đó là những bước đi đầu tiên của một trào lưu hội họa có sức vóc, và có đẳng cấp. Những con đại bàng non đã đạp vỡ đống vỏ trứng trong ổ.

Từ Lào về sau một chuyến đi vẽ dài ngày, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn đã bày tranh tại nhà Khai Trí, một phòng tranh được Đông Pháp Ngọ báo trân trọng giới thiệu. Bà vợ họa sĩ vốn người Hoa, nhưng hôm ấy đã cùng chồng đón khách trong bộ lễ phục của phụ nữ Lào, môi mắt kẻ son nâu, dải lụa vàng vắt chéo qua vai nom thật ấn tượng.

Rồi ông Nguyễn Huyến cũng bày tranh với những bức sơn dầu lớn, mang phong cách hiện thực, bút pháp cổ điển chắc chắn.

Ông Nguyễn Phan Chánh bày tranh lụa tại nhà Đại lý ét xăng Socony, những bức tranh của ông rất giàu tinh thần dân tộc, nhiều bức đã mang qua Paris bày ở hội chợ quốc tế. Hôm khai mạc phòng tranh cô con gái của họa sĩ là cô Nguyệt Tú năm ấy chừng mười lăm mười sáu tuổi, áo dài lụa tơ tằm màu trắng, quần lụa cũng trắng, cả chiếc áo vét choàng duyên dáng bên ngoài  cũng trắng.

Ngày ấy các họa sĩ ta đi khắp Đông Dương, không hiếm người qua nước ngoài học hỏi. Ông Nam Sơn một lần sang chơi bên Tầu tìm đến thăm gia đình họa sĩ Từ Bi Hồng là bạn học với ông những năm trước tại Paris.

Lúc ông tới nhà thì bạn đã qua đời ít lâu, ông được bà vợ họa sĩ đón tiếp ân cần, trước khi chia tay ông đã chụp môt bức ảnh chung với gia đình, mang về Hà Nội làm kỷ niệm. Năm sau ông lại qua Tôkyô cùng hai ông Nguyễn Văn Tỵ và Lương Xuân Nhị, các ông sang để vẽ và bày tranh, đi về bằng máy bay phóng pháo.

Tại Hà Nội họa sĩ Pháp B. Bâte đứng ngoài trời cả tuần lễ để vẽ phong cảnh chùa Trấn Quốc. Ông ta mặc quần soóc lửng, áo cộc tay, đầu chụp nón lá, mặt đỏ văng như mặt Quan Công. Người lớn trẻ con xúm đen xúm đỏ quanh ông Tây vẽ cảnh ta, vẽ đến đâu họ xuýt xoa trầm trồ đến đấy.

Có một họa sĩ Nhật Bản tên là Foujita vừa tốt nghiệp Đại học Hội họa ở Paris về tiện đường tạt vào thăm Hà Nội, ông ta bỏ mấy ngày ra để vẽ “Phố Hàng Nón”. Bức này mãi những năm sau vẫn thấy treo ở Mậu dịch quốc doanh tổng hợp Tràng Tiền, xưa gọi là nhà Gôđa.

Những ngày tháng rộng dài, Linh Chi cùng em trai lang thang đây đó khắp thành phố. Hà Nội trong con mắt họa sĩ trẻ sống động những nắng gió và sắc màu, sống động những kỷ niệm, những hoài niệm yêu dấu, xứng đáng được cất giữ suốt đời. 

Anh ao ước, anh hẹn thầm trong lòng nhất định không sớm thì muộn mình phải có những bức tranh vẽ người và cảnh nơi này, anh sẽ vẽ không phải như nó vốn thế mà vẽ như nó phải thế, như chính anh đã thấy nó là thế.

Còn nữa

Đỗ Chu

MỚI - NÓNG