Miên man tùy bút - Kỳ II

Miên man tùy bút - Kỳ II
TP - Có con sông Thương chảy vào đời tôi, lại có dòng sông Cầu chảy qua đời tôi, và có những trang sách hay nâng bước tôi đi theo năm tháng...

>> Kỳ I

Miên man tùy bút - Kỳ II ảnh 1

Nhiều trang trong đó là của các nhà văn cùng thời với mình, tôi lấy làm vinh hạnh đã được đọc họ. Phần nữa là của một nhân loại tài trí đã dành dụm cả ngàn năm để hôm nay gửi tới chúng ta. Đó là những đôi cánh tinh thần đủ sức nâng bổng ta lên, đủ sức kéo ta đứng dậy.

Tôi ngồi đây trong góc phòng vắng vẻ ngước nhìn con móc nhách bám trên tường, đôi mắt mở thao láo, nó nhích dần lên một cách lặng lẽ với những bàn chân khôn ngoan và cái đuôi hết vật bên này lại vật bên kia.

Ở mảng tường xa xa là một chú gián nâu đang dò dẫm lần tìm gì đó, hai sợi râu không ngừng khua khoắng thăm dò. Đấy là mục tiêu mà con móc nhách nhằm tới. Cuộc săn đuổi diễn ra hết sức chậm chạp và không mệt mỏi, có thể kéo dài hàng giờ, hàng tháng hàng năm và lâu hơn thế.

Tôi lại quay sang ngắm nhìn cái tủ sách không lấy gì làm to tát của mình và tủm tỉm tự cười. Mỗi ngày tôi vẫn đến bên nó, với tay rút cuốn này cuốn khác, lật giở trang ngày trang nọ, tôi tìm kiếm nhặt nhạnh những gì trong đó thì chỉ mình tôi biết, lắm khi chính bản thân mình cũng còn chưa biết. Đó cũng là một cuộc săn đuổi bất tận.

Ở tuổi của tôi đôi  khi đã thấy mỏi mệt nhớ nhớ quên quên, lúc tóc trên đầu bạc trắng thì tuổi thơ của mình càng lùi xa ngút ngát, nhưng riêng chỉ có những quang sách chữ Nho treo lủng lẳng trong mấy góc nếp nhà cổ được gọi là thư phòng, lạ lùng làm sao vẫn cứ hiện lên như những ấn tượng đã được khắc sâu vào trí não.

Bàn nhiều và bàn thâm thúy về sách thì hình như khó có mấy ai dễ đã bì được với người Trung Hoa, một dân tộc sớm tìm ra chữ, họ mới đúng là một trong dăm ba xứ sở đã có nền văn minh lâu đời bậc nhất.

Có câu "Hữu Thi Thư khí sinh tử tất hiền, háo sơn thủy tình kỳ nhân đa thọ". Người mang khí Thi Thư ắt sinh con cái hiền thảo, ai nặng tình sông núi thì được sống lâu.

Lại có câu "Vạn bang giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao". Hết thảy các hạng trong đời đều thấp kém, chỉ những người đọc sách là cao quý mà thôi.

Xem thế đủ biết sách là gì kỳ lạ vô cùng. Nhưng nếu người có năm bảy hạng thì sách cũng có năm bảy thứ sách, nhiều khi rất khó phân định, hệt như với người vậy.

Đã có minh thư, cẩm thư, nhã thư, kỳ thư thì cũng còn có dâm thư, xuân thư, loạn thư, cuồng thư. Có sách chờ người khôn lại có sách đợi kẻ dại, có người đọc sách thành hiền, lại có kẻ đọc xong hóa dữ như hổ.

Có người đọc một quyển mà nên người, có người đọc một quyển hóa giặc, làm khổ mẹ cha vợ con chưa đủ còn toan làm khổ cả làng cả nước. Những cuốn như vậy người ta gọi là u thư, quỷ thư.

Cho nên một hôm thầy Mạnh Tử, một đại biểu xuất sắc của Nho giáo, người chỉ đứng sau có Khổng Tử mới phải thốt lên, "tận tín ư thư bất như vô thư". Là quá tin vào sách bất quá cũng như kẻ không đọc vậy.

Bởi thế đọc là một chuyện, học là một chuyện, còn như có biết đọc biết học hay không lại là chuyện khác. Với người như tôi đọc đã là khó lắm, thế mà lại còn dám nghĩ đến việc cầm bút làm sách thì thật đúng là đã tự dẫm chân vào nan lộ mất rồi. Không chỉ có vất vả thôi đâu, khéo còn dễ thành trò cười cho thiên hạ thì đấy mới thực khốn khổ.

Tôi thường vẫn tự hỏi mình sao cổ nhân lại dặn "lập thân tối hạ thị văn chương"? Ở đời có nhiều cách lập thân, có cách sang nhưng cũng có những cách chưa được sang cho lắm, tuy nhiên nếu dám đem cả văn chương ra để tìm kiếm cái danh cái lợi thì đấy mới thực là tồi tệ. Lúc ấy người cầm bút đã đặt mình xuống một đẳng cấp thấp, còn văn chương của anh ta thì chả còn biết phải nói thế nào nữa.

Từ cổ chí kim trong văn học thế giới cũng như ở ta, tôi chưa nghe nói có ai ngồi vào bàn cầm bút, lòng dạ cồn cào những ham muốn, những mưu toan tầm thường mà rồi những tác phẩm anh ta viết ra lại được thiên hạ chào đón mặn mà. Âu đấy cũng đang là một bí mật thiêng liêng của văn học.

Tôi ngờ rằng trong ngôi đền ngôi miếu này quả là có thần có ma. Ma thích trêu chọc đùa bỡn thử người, còn thần thì trang nghiêm chính trực, ông ta có đơn vị đo lường riêng của mình, cái  cân cái đấu của ông ta là mực chuẩn không thể nào rối loạn.

Do đó người cầm bút chớ sợ mình gặp oan khuất không ai biết tới, chỉ nên sợ mình chưa đáng để ai biết tới. Một khi lòng dạ chợt khuất tất, tâm thượng vẩn đục, thế là sớm muộn gì rồi cũng có chuyện cho mà xem.

Được đấy rồi lại mất đấy, nhắm mắt tưởng đang bay lên chín tầng mây, khi mở mắt ra mới biết là mình đang đứng trước cổng địa ngục. Dọc đường chỉ thấy những vàng là vàng, nhìn vào đâu cũng có vàng, nhặt thả cửa về nhà đổ ra sân mới biết chỉ rặt đá là đá.

Một con đường thật lắm chông gai vướng bận, sau tất cả mọi thánh thiện đều sẽ được giữ lại để tôn vinh, mọi mưu mẹo lộn sòng trước sau rồi cũng sẽ bị gạt bỏ.

Ma và thần ở đây không ai khác, nó chính là thiên hạ. Không gì mơ hồ và khó hiểu bằng thiên hạ và cũng không gì đáng nể sợ bằng nó. Khi chúng ta ngồi bàn với nhau về những cuốn sách chính là chúng ta đang bàn đến người, người viết sách và người đọc sách.

Cứ việc hão huyền, cứ việc đại ngôn, tha hồ tinh tướng, tha hồ mê mụ, tha hồ yếm trá, tất cả đều được thêu dệt ẩn giấu sau tấm lụa ngôn từ bóng bảy nhưng hết sức xiêu vẹo yếu đuối, do vậy một cái chết đang chờ sẵn cho các tác phẩm vô hồn là không sao tránh khỏi.

Chưa bao giờ như những ngày tháng này, câu chuyện văn chương rất có thể cũng là câu chuyện thời cuộc. Người ta hoàn toàn có thể không buồn nhìn vào mớ sách rởm đang được xếp ngổn ngang ngoài chợ như những đống rạ. Người ta hoàn toàn có quyền đòi được đánh giá lại nhiều công trình, nhiều thành tựu mà bấy lâu thật giả chả còn hiểu ra làm sao.

Sức mạnh của đám đông từng trải, sức mạnh của sự thức tỉnh nhân cách ở mỗi người là hiện thân của sức mạnh thực tiễn. Trên hành trình nhiều nỗ lực của toàn Đảng toàn dân tộc, trước xô đẩy gắt gao của lịch sử, trước những đòi hỏi tất yếu của công cuộc hội nhập và phát triển, trước hình hài đang hiện hữu từng ngày của một thế giới mới mẻ, cơ hồ nhiều nhà văn chúng ta vẫn còn đang dửng dưng thiếu nhạy cảm.

Đời sống hàng ngày của những người cầm bút xem ra ít nhiều đã có cải thiện, nhưng công việc sáng tạo thì chả hiểu còn vì những gì mà rất nhiều cái được in ra đã khiến người đọc thở dài, uể oải đón nhận.

Có lẽ đã đến lúc cần phải có sự chuẩn bị lại một cách hệ thống, một cách toàn diện, mang tính cách mạng cao, cho khu vực tư tưởng và văn hóa tất nhiên trong đó đã có văn học nghệ thuật.

Nhìn chung cái khí Thi Thư đang như muốn đuối, cái tình nước non hình như còn nhẹ, văn học của chúng ta đang chuyển động rụt rè và ít bản lĩnh trong khi đó thực tiễn đang tiến về phía trước với những bước đi hết sức vạm vỡ và quả quyết lạ thường.

Đã từ lâu tôi vẫn muốn có một ý kiến như thế này mà chưa dám nói, Hội Nhà văn Việt Nam nên mở một cuộc vận động viết, rất đơn giản thôi, các hội viên làm văn xuôi mỗi người nộp cho một cái truyện ngắn, các hội viên làm văn vần mỗi người nộp cho một bài thơ, còn các hội viên làm lý luận phê bình thì mỗi người cho một bài ngắn, một bài điểm sách cũng được, bắt đầu tính từ nay cho đến năm 2010, các vị cố gắng viết cho hết sức mình, có thể chúng ta sẽ có một công trình chung để chào đón ngàn năm Thăng Long một cách kính trọng và không xấu hổ.

***

Mở đọc lại thơ Đồng Đức Bốn chợt nhận ra lòng dạ anh mang một nỗi đau hết sức trong sạch. Từ sâu thẳm thơ anh có những tố chất giàu tính nhân bản, cái đó làm cho chúng ta quý anh, nhớ thương anh nhiều hơn tất cả những gì anh từng sống ngoài đời.

Hồn nhiên như một đứa trẻ anh đã xem những năm tháng đời mình chẳng khác nào một cuộc chơi chăn trâu đốt lửa. Lắng nghe một lời trách mà anh gửi lại: "Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi, con tôi chết đuối bởi lời người ru, con tôi chết ở ao tù, mà người vẫn cứ hát ru ngọt ngào".

Lại như mấy câu của Lâm Huy Nhuận, anh nói về anh mà cũng là đang nói hộ mỗi người trong chúng ta:

"Tự đốt pháo tự giao thừa, hai tay bắt chặt như vừa gặp nhau, giật mình đôi mắt trũng sâu, người trong gương ấy còn đau hơn mình".

Cô đơn ơi là cô đơn, nhưng đấy lại là dấu hiệu xác đáng của một tài năng. Đã không có thân phận, không còn buồn vui riêng tư gì nữa phỏng cái viết ra liệu ai đọc, cái hát lên liệu ai nghe.

Những câu thơ ấy chỉ có thể rút ra từ gan ruột, khiến người đọc phải rơi chén rơi đũa. Bàn về thơ, Lý Bạch đã có lần nói rất vắn tắt, ba năm gặp lại nhau đọc vài câu lên không thấy bạn trợn mắt giật mình đánh rơi chén rượu, không thấy bạn buông bát buông đũa thì nên quay về quê đuổi gà.

Tập "Trên đường" Trần Anh Thái gửi cho tôi đã mấy năm giờ mới mang ra đọc, càng đọc càng ân hận vì sự lơ đãng rất đáng trách của mình. Đây là tuyên ngôn thơ đầy sức lay động của một cây bút sung sức.

Tìm kiếm bản thân, trở về chính mình là một cuộc lên đường dài lâu không có điểm dừng, đứng lại là đắm chìm, là hoang mang cay đắng, anh đã nghĩ vậy mà tôi cũng nghĩ vậy.

Người ấy, nhà thơ của chúng ta, e rồi đây sẽ còn ngổn ngang những nghĩ ngợi, những trăn trở gừng già muối mặn, nhưng nó lại là thơ anh, là con đường mà anh phải đi phải đến.

"Không ai đốt lửa trước con đường, chỉ có niềm hy vọng cháy lên. Sức mạnh bàn chân ở nơi thẳm sâu niềm trắc ẩn, ngân nga nơi dấu chân tổ tiên, nơi những câu chuyện buồn không rứt. Đi! Đứng lại là đắm chìm, là hoang mang cay đắng, là tiếng vọng  lạnh buốt cõi người, không có bờ sóng vỗ về đâu?

Giữa bóng tối lê thê, mặt nước buồn tênh ao hồ không gợn sóng, có tiếng người lắng sâu vào đáy thời gian.

Gió rầm rì, mặt nước lao xao chợt ngời lên. Đất đang xanh ở nơi lửa mới lụi tàn".

***

Giáp Tết Đinh Hợi, một ngày nồm nực như sắp vào hè, Văn phòng Hội Nhà văn đã tổ chức bữa cơm thân mật, là để chia tay với một năm cũ quá nhiều rắc rối vụn vặt, và để đón một năm mới với những cố gắng mới.

Thành phần khách mời là những người đã và đang công tác ở cơ quan Hội. Người đang công tác đứng ra làm chủ mời khách, còn những vị hôm qua từng đã là chủ thì nay đóng vai thực khách.

Tôi là người thuộc diện sắp nghỉ hưu nên vừa là chủ lại vừa là khách, làm chủ được mời khách mà làm khách được chủ mời. Tôi chọn thời điểm chín giờ để đến cơ quan, chẳng phải khách mà cũng không phải chủ, khách sẽ đến muộn, còn chủ thì đến sớm.

Đang ngồi tào lao thiên địa với nhau thì trông thấy anh Nguyễn Xuân Thâm từ đâu lò dò hiện ra. Anh bắt tay lần lượt từng người, chậm rãi, trịnh trọng như vừa đi họp Trung ương về. Rồi anh khoe Tết này có năm sáu bài thơ in khắp các báo trong Nam ngoài Bắc.

Không cần chờ ai phải đề nghị, anh vừa xòe diêm hút thuốc vừa đọc bâng quơ mấy câu: "Trưa như bao trưa xa xăm, gà gáy lẻ trong im ắng, nắng thôi vàng hồn ngày ngõ xóm, đầy lá vông vang". Thật là đẹp như một mảng tranh ấn tượng.

Ngồi chưa kịp nóng chỗ anh đã đứng dậy toan đi. Hóa ra ngang qua đây vui chân thì tạt vào chứ anh ấy đâu có biết là nhà sắp có cỗ. Tôi liền kéo anh ngồi lại rồi nói, việc anh có mặt hôm nay ở đây là mang một ý nghĩa lớn, chúng tôi mừng anh đã thoát hiểm nghèo, nhà văn phải thế, rất lãng mạn và ung dung.

Đồng chí Chánh văn phòng mở ngăn kéo rút ra tờ giấy mời, điền vội tên anh vào đó, đặt tờ giấy lên tay anh và nói thật trìu mến, kính trọng bác đã phá được một cái án tử hình, ở đời ai cũng có lúc gặp những cảnh ngộ não nề, hơn nhau là khí phách.

Có một nhà văn cao tuổi cũng đang ngồi đó, nãy giờ bơ vơ nhìn đi đâu, đôi tai dài và đẹp như tai Phật dỏng lên nghe ngóng. Bất chợt ông ghé vào tôi hỏi thầm, Xuân Thâm phải ra tòa thật sao, dạo này anh em mình mắc vòng quan tụng nhiều hỉ!

Tôi cười lớn, để ông cụ yên tâm tôi liền giải thích, mấy năm trước anh ấy bị ung thư hàm mặt, mổ đi mổ lại mấy lần, nhìn khuôn mặt méo mó thế kia đủ rõ, là người vừa từ cõi chết trở về.

Cụ già gật đầu cười với anh Thâm, ông cụ nói, mừng!

Anh Nguyễn Xuân Thâm người Thừa Thiên, làng An Thuận, huyện Hương Trà, sinh 1936 tháng Giêng dương lịch, tức là giáp Tết Ất Hợi, cùng một ngày với Hoàng thái tử Bảo Long con trai cả của ngài Bảo Đại.

Chỉ tiếc không được cùng giờ, mà trong một lá tử vi thì giờ còn quan trọng hơn cả ngày, ngày lại quan trọng hơn tháng, tháng quan trọng hơn năm.

Giờ sinh khác nhau cho nên khi trưởng thành một người thì qua Paris làm việc trong ngành ngân hàng còn một người thì mò ra Hà Nội để làm nhà thơ.

Vậy là Tết này, Tết Đinh Hợi anh Thâm bước vào tuổi bảy mươi ba, vượt qua cái ngưỡng "thất thập cổ lai hy" mà cụ Đỗ Phủ đã từng bàn. Phải biết anh là một người hiền, sẵn mang trong mình cái khí Thi Thư từ nhỏ thì mới hiểu được vì sao đến hôm nay anh còn ngồi đây.

Anh vốn là học sinh trường Quốc học Huế từ năm 1948 đến năm 1954. Lúc đó ở Huế có vài tờ báo, trong Sài Gòn thì vô thiên lủng, Sài Gòn là đất báo, họ đã làm báo sớm hơn Hà Nội vài mươi năm, sớm nhất là tờ Gia Định báo.

Anh Thâm với bút danh Dao Ca đã gửi thơ in trên tờ Đời mới và tờ Thẩm mỹ ở Huế, gửi truyện ngắn in trên tờ Nhân loại ở Sài Gòn. Gửi hú họa mà họ in thật mới hay chứ. Hỏi sao anh lại lấy bút danh là Dao Ca thì anh chỉ ngẩn ra cười mà không nói.

Có lẽ Dao Ca là khúc đồng dao, anh đã nguyện làm một người hát rong trên đời và làm những bài đồng dao cho trẻ nhỏ của các làng mạc xa xôi vừa nhảy lò cò vừa hát, nếu thế thì còn gì bằng.

Ai chả hiểu những bài thơ của Nguyễn Xuân Thâm thuở ấy vẫn chỉ là những bài thơ học trò học chẹt, mơ mộng và man mác. Dẫu sao nó cũng đã đủ khiến nhóm nữ sinh áo tím Đồng Khánh mỗi lần gặp anh cô nào cô ấy đều co rúm cả người, mặt cắt không còn hột máu, hồi hộp không sao thở được.

Nhưng mặc họ, anh đưa mắt nhìn ngắm những con đò ngoài sông. Thơ anh viết ra đâu phải để tán tỉnh mấy cô, đấy là anh đang hướng về kháng chiến, nhớ tới chiến khu xa vời. Thơ rằng, "Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm, với nắng bâng khuâng mấy thuở nào, với núi xanh lơ chòi tím nhạt, mây trời bàng bạc sầu Ai Lao!".

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG