Minh Hạnh: Đến lúc thiết kế cho người Mỹ mặc!

TP - Trở về từ sân khấu Kennedy Center, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ cảm xúc không chỉ về sự kiện thời trang nằm trong chuỗi hoạt động “Những ngày văn hóa Việt Nam ở Hoa Kỳ” kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt-Mỹ.

Minh Hạnh: Đến lúc thiết kế cho người Mỹ mặc! ảnh 1 Hoa hậu Ngọc Hân và các người mẫu nhí Việt kiều Vanessa, Lamda tại Kennedy Center tháng 8/2015.

Chị có thể tả lại không khí, câu chuyện tại sân khấu Trung tâm Kennedy lúc chương trình thời trang Việt Nam diễn ra trung tuần tháng 8 vừa qua?

Kennedy Center là một trung tâm biểu diễn chuyên nghiệp tọa lạc bên bờ sông Potomac thuộc Washington DC. Rất nhiều sân khấu cùng hoạt động tại những thời điểm đã được quy định- một thông lệ nơi đây.

Sân khấu dành cho buổi biểu diễn thời trang là Milennium (phía nam). Mỗi ngày, tại sân khấu này đều có những cuộc biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của các nghệ sĩ đến từ các nước trên thế giới. Theo thỏa thuận bằng thư điện tử trước đó, đoàn Việt Nam có 4 giờ chuẩn bị trang phục, trang điểm, trang trí sân khấu, kiểm tra hệ thống âm thanh ánh sáng và máy chiếu, kể cả tập dượt. Tôi ít nhiều áp lực vì thời gian quá ngắn.

Chúng tôi cùng ê kíp kỹ thuật của Kennedy Center có cuộc trao đổi ngay lúc 11h sáng cùng ngày. Ê kíp này chuyên nghiệp và thân thiện đến bất ngờ, ngay cả khi chúng tôi yêu cầu có thêm chiếc đàn piano thì vẫn được sự đồng ý tuyệt đối. Trong vòng gần 3 tiếng, tất cả các yêu cầu kỹ thuật được đáp ứng vô điều kiện. Cửa mở từ 17h khi rất nhiều khán giả sắp hàng chờ đợi, 17h30 tất cả khán giả được mời vào các hàng ghế và đúng 18h, chương trình bắt đầu.

Nhà thiết kế (NTK) trẻ Quang Nhật mở màn đêm diễn “Sự biến đổi kỳ diệu”. Chất liệu Jeans phổ biến của người Mỹ nay xuất hiện khác lạ hòa quyện cùng mô-tip của kiến trúc cung đình Việt làm những người Mỹ thực sự phấn khích. Jeans của Quang Nhật có tinh thần của phương Đông cổ. Một sự kết hợp táo bạo nhưng đường nét lại như một bài thơ diễn đạt vẻ đẹp của quê hương bằng ánh nhìn của một người trẻ nhiều năng lượng tích cực về cuộc sống.

Bộ sưu tập của NTK Lan Hương lại là sự chuyển tải có chủ ý giữa vẻ đẹp mềm mại tha thướt của áo dài và sự hiện đại của danh thắng Mỹ. Nét thêu tay công phu với sự óng ánh của những sợi tơ màu làm hiện lên vẻ đẹp truyền thống quý giá của chiếc áo dài.

Sự xuất hiện của NTK Chula cũng làm khán giả ngạc nhiên. Tại sao lại có một người Tây Ban Nha trong chương trình? Rất nhiều người Mỹ có nguồn gốc Mexico- đất nước sử dụng tiếng Tây Ban Nha nhiều nhất trên thế giới. Với bộ sưu tập của Chula, họ có ngay sự đồng cảm. Đây cũng là chủ đích của chúng tôi khi mời Chula- người sống và làm việc ở Hà Nội nhiều năm nay, tham dự với bộ sưu tập sử dụng chất liệu lụa Việt Nam. Một thông điệp chúng tôi đưa ra: Bất kỳ ai sống và làm việc bằng sự sáng tạo của trái tim cũng đều được đón nhận và thành công tại Việt Nam!

Một điểm nhấn nữa là những em bé Việt Nam sinh tại Mỹ, làm người mẫu của chương trình. Ở phần kết, khán giả bất ngờ khi thấy một em bé mặc áo dài chơi piano rất tình cảm. Những em bé còn rất nhỏ, chưa đầy 4 tuổi, rất tự hào được mặc chiếc áo dài đẹp đẽ, diễn cùng các chị người mẫu trong nước sang.

Kết thúc chương trình, những con diều Huế tung bay lộng lẫy! Một bác người Việt lớn tuổi lắm, có lẽ phải gần 100, nhờ con cháu đưa đến xem, xúc động nói trong nước mắt: “Nhìn những con diều, tôi nhớ tuổi thơ của mình quá”.

Cô bé Vanessa 4 tuổi, diễn xong đã không chịu thay áo dài, chạy nhảy khắp khu vực biểu diễn. Một số người Mỹ thấy cô bé đáng yêu trong chiếc áo dài, ngỏ ý muốn chụp ảnh chung và chúc Vanessa trở thành Miss America (Hoa hậu Mỹ) tương lai. Câu trả lời của cô bé: No, I’m Miss Vietnam. (Không, cháu là Hoa hậu Việt Nam). Sức mạnh của chiếc áo dài và những cánh diều là thế, tưởng như thật nhỏ bé bình thường nhưng khi chạm được vào trái tim thì trở nên huyền diệu. Sự biến đổi trở nên kỳ diệu bởi những cánh tay đã mở rộng và những trái tim đã cùng nhịp đập của thời đại.

Minh Hạnh: Đến lúc thiết kế cho người Mỹ mặc! ảnh 2

Người mẫu Hoàng Yến trong trang phục chất liệu Jeans họa tiết sen của NTK Minh Hạnh

Được biết “Ngày văn hóa Việt Nam” ở các nước lắm khi hiu hắt không ngờ. Lần này với Ngày văn hóa Việt Nam ở Hoa Kỳ, nhằm một dịp quan trọng- kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt-Mỹ, chị và các đồng sự có vẻ đã gây chú ý? Cái tên “Sự biến đổi kỳ diệu” được chị giải thích là diễn tả sự biến đổi của thời trang trong thế kỷ mới, và biến đổi quan hệ Việt-Mỹ- liệu có quá lời? Một chương trình thời trang, dù gồm những tên tuổi hàng đầu đi nữa, lại nói được những thông điệp to tát đến thế?

Tôi thật sự ngạc nhiên vì sự đón nhận “Những ngày văn hóa Việt Nam” tại Hoa Kỳ. Rất nhiều khán giả Mỹ, Việt đã không thể vào được vì khán phòng kín chỗ mất rồi.

Có khoảng 200 người ở bên ngoài, họ chờ đợi buổi diễn kết thúc để gặp các nghệ sĩ, người mẫu. Hoa hậu Ngọc Hân và các người mẫu vận áo dài họa tiết quốc kỳ Mỹ được khán giả vây quanh chụp ảnh. Rất đông kiều bào lặn lội từ các tiểu bang khác đến, không phải chỉ để xem một chương trình biểu diễn mà chính là tìm đến một chút gì đó thuộc về quê hương ngay trên đất Mỹ.

Về tiêu đề “Sự biến đổi kỳ diệu”. Khuynh hướng của nghệ thuật hiện đại luôn cần có thông điệp dành cho cuộc sống. Không có điều này, chúng ta sẽ khó chuyên nghiệp được. Đừng nghĩ thời trang chỉ là những trang phục đầy màu sắc được những cô gái xinh đẹp khoác lên người lượn lờ như những con búp bê vô hồn. Nhà thiết kế cần đặt để quan niệm sống, kể cả triết lý sống của mình vào mỗi bộ sưu tập và quan trọng là thông điệp đó mang tính chân thực.

Tôi không muốn người Mỹ nghĩ về Việt Nam như một đất nước chiến tranh nữa. Vẫn rất nhiều người Mỹ còn nghĩ như thế bởi chúng ta thiếu thông tin cho chính mình. Những giá trị kinh tế từ hàng dệt may cũng chính là giá trị về văn hóa khi mà chất lượng hàng dệt may Việt Nam được đón nhận một cách trân trọng tại thị trường Mỹ.

Lúc chúng tôi diễn ở Kennedy Center, phía ngoài có nhóm tụ tập biểu tình, điều này làm tôi nhớ lại cuộc biểu diễn cách đây 10 năm, cũng tại Washington DC, khi ấy chúng tôi ở khách sạn May Flower. Rất nhiều người biểu tình phản đối cả một ngày trời ở con đường chính - Connecticut. Mười năm trôi qua, có khi những người trong nhóm biểu tình cũng đã trở về Việt Nam nhiều lần, nhìn rõ những thay đổi tích cực trong mối quan hệ Việt Mỹ rồi. Vậy điều tốt nhất để có thể làm cho cuộc sống tốt hơn đó chính là nhìn nhận sự biến đổi chân thực này và tiếp nhận nó bằng trái tim của một người Việt chính gốc.

Minh Hạnh: Đến lúc thiết kế cho người Mỹ mặc! ảnh 3

Một mẫu của NTK Quang Nhật tại Kennedy Center 8/2015

Vâng, đâu chỉ thời trang, người ta biểu tình cả đoàn rối trong nước sang. Phản đối cả chú Tễu thì biết rồi đấy! Về ngành dệt may Việt Nam, gần đây nghe những thông tin lạc quan như: Từ vị trí ngang Mexico, ta đã có bước nhảy vọt về lượng quần áo cung cấp cho nước Mỹ, doanh số 1 tỷ đô năm 2001 đến nay hơn 10 tỷ, chiếm hơn 11% thị phần. Nhiều người dự đoán Việt Nam sẽ soán ngôi Trung Quốc thành quốc gia may cho người Mỹ mặc. Có người còn nghĩ ra slogan “May cho người Mỹ mặc” để tặng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam dùng quảng bá tại thị trường Mỹ. Và tiên đoán việc “may cho thế giới mặc- tailor the world” sẽ trở thành hiện thực của Việt Nam nay mai.

Các người mẫu, hoa hậu đợt này khi đi mua sắm tại trung tâm thương mại lớn nhất thế giới là Macy’s ở Times Square (New York)  cũng rất ngạc nhiên vì những sản phẩm thời thượng nhất được ghi Made in Vietnam. Điều này làm chúng tôi cảm thấy tự hào và suy nghĩ.

Nhiều năm nay, đúng Việt Nam là đất nước xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ với khối lượng khổng lồ. Người Mỹ rất yêu thích sản phẩm Made in Vietnam. Đó là lợi thế lớn. Nhưng trước nay ta chỉ mới may thuê cho người Mỹ, gia công cho người Mỹ. Vậy bây giờ chúng ta sẽ thiết kế cho người Mỹ, phải thiết kế cho người Mỹ mặc! Tại sao không, khi đó là thị trường quá lớn, đang cần rất nhiều phong cách khác biệt và độc đáo. 

Chuẩn bị cho sự kiện, Minh Hạnh đã lên ý tưởng khôn ngoan cho bộ sưu tập của mình: Kết hợp giữa hoa sen-biểu trưng của Việt Nam, quốc hoa, và Jeans- biểu trưng của phong cách Mỹ, không bao giờ lỗi mốt. Hai mô típ, hai chất liệu đối trọng- bên thì mạnh bạo, cứng, bên kia nhẹ nhàng mềm mại. Tạo nên hình ảnh khác của hoa sen và hình ảnh khác của Jeans. Đó cũng chính là một phần “Sự biến đổi kỳ diệu” mà chị muốn chuyển tải.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.