'Một dân tộc mất bản sắc coi như xóa sổ'

Nghệ nhân, già làng dân tộc thiểu số hiến kế “cứu” bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ảnh: Toan Toan.
Nghệ nhân, già làng dân tộc thiểu số hiến kế “cứu” bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ảnh: Toan Toan.
TP - Lo lắng này không chỉ riêng của nghệ nhân Ma Thanh Sợi, dân tộc Tày ở Lào Cai mà còn là nỗi niềm chung của các đại biểu, nghệ nhân dân tộc thiểu số tại cuộc gặp gỡ do Bộ VHTTDL tổ chức sáng 20/4.

Dân tộc “lửng”

Mối lo tiếng nói, chữ viết của nhiều dân tộc thiểu số bị mai một và sự giao thoa văn hóa sinh ra dân tộc “lửng” là những điều gan ruột được các nghệ nhân, già làng bày tỏ tại cuộc gặp, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Khoảng 120 đại biểu là già làng, trưởng thôn/bản, nghệ nhân và người có uy tín ở các dân tộc khu vực phía Bắc tụ họp để hiến kế bảo tồn bản sắc dân tộc mình trước nguy cơ mai một, giao thoa.

Từ suy nghĩ “một dân tộc để mất bản sắc văn hóa coi như xóa sổ dân tộc đó”, nghệ nhân 74 tuổi Ma Thanh Sợi cho biết có hơn 20 năm kinh nghiệm sưu tầm văn hóa dân gian của người Tày. “Có những sự thật rất đau xót. Trong quá trình sưu tầm lời hát ru của người Tày, tôi tìm gặp nghệ nhân ru giỏi nhất trên 90 tuổi. Đến nơi thấy bà ho hắng, tôi thương quá sợ bà tắt thở tại chỗ nên đành thôi. Quá trình sưu tầm có rất nhiều sự cố. Và một thực tế đáng buồn là chính người Tày không hiểu tập quán cha ông mình”, ông Sợi nói.

Ông Sợi cũng cảnh báo nếu một dân tộc để mất bản sắc sẽ trở thành dân tộc “lửng”, bởi học hỏi dân tộc khác thì với không tới trong khi không hiểu hết giá trị văn hóa của dân tộc mình. Cụ Lò Văn Biến, dân tộc Thái ở Yên Bái kể, trong quá trình sưu tầm tài liệu về điệu Xòe Thái cũng nhận ra cộng đồng sở hữu văn hóa đó không nhận thức đúng về di sản. Không nói xa xôi các nghi lễ, tập tục khác mà ngay cả tiếng nói cũng đang trong tầm mai một nhanh nhất.

Dựa vào cộng đồng

PGS.TS Hoàng Nam nghiên cứu văn hóa dân tộc nhiều năm nay, đặc biệt là văn hóa dân tộc Tày-Nùng, cho rằng muốn bảo tồn di sản các dân tộc trước tiên cần xác định giá trị của văn hóa đó ở các khía cạnh bản sắc dân tộc, khoa học và giá trị thực tiễn. “Phải dựa vào già làng, trưởng bản, trưởng thôn, nghệ nhân ở mỗi dân tộc cũng như sự góp sức của cộng đồng dân tộc ấy”, PGS Nam nói. Chung quan điểm này, nghệ nhân Ma Thanh Sợi đề xuất mỗi dân tộc nên có những “người nông dân sưu tầm lịch sử, tư liệu”. Được mệnh danh là người đi tìm trầm tích của người Tày, ông Sợi khoe sưu tầm được 12 chuyên đề về phong tục tập quán của dân tộc Tày. “Tôi nghiên cứu khá tỉ mỉ, bài bản và thành tấm thành miếng rồi, tuy nhiên một mình tôi không làm nổi. Không có tiền là một, thứ nữa chưa được các cấp lãnh đạo cơ sở hưởng ứng”, nghệ nhân Sợi nói.

Lo lắng các cụ gần đất xa trời đem hết kho báu văn hóa dân gian đi mất, nhiều nghệ nhân như ông Bàn Văn Đức, người Dao Tiền ở Sơn La kiến nghị Bộ, Sở VHTTDL quan tâm hơn tới các giá trị di sản đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như lễ cấp sắc người Dao. Ông cũng kỳ vọng nguồn hỗ trợ cho các dân tộc thiểu số để mở lớp dạy tiếng, chữ, dân ca, tục ngữ, múa hát và nghi lễ cúng tế để bảo tồn bản sắc. Cụ Lò Văn Biến đề xuất tổ chức các cuộc thi nhạc cụ dân tộc hoặc hội diễn quần chúng. Điều quan trọng theo nghệ nhân này là giám khảo phải hiểu biết sâu sắc các loại hình, tránh đánh giá sai lệch khiến đồng bào không vừa lòng và chán nản. “Kinh phí chỉ là một phần trong công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Phương án bảo tồn cũng cần xây dựng trên ý tưởng và sự quyết tâm của người dân”, PGS Nam nói.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết Bộ sẽ có điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Một số giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc thời gian tới: Đầu tư cho Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên, khôi phục các lễ hội của đồng bào dựa trên sự cân nhắc và nguồn kinh phí có hạn. Ông Huỳnh Vĩnh Ái nói thêm, sẽ có nguồn kinh phí xuất bản sách sưu tầm phong tục tập quán của đồng bào, nghiên cứu lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận một số di sản văn hóa của đồng bào dân tộc. Đặc biệt là  chuẩn bị hồ sơ cho đợt công nhận Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân sắp tới.

“Kinh phí chỉ là một phần trong công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Phương án bảo tồn cũng cần xây dựng trên ý tưởng và sự quyết tâm của người dân”.

PGS.TS Hoàng Nam

Chiều 20/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt các đại diện già làng, trưởng thôn/bản, nghệ nhân, người uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc. Ngày 21/4, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng sẽ gặp mặt các đại biểu.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.