Một phát ăn ngay

Một phát ăn ngay
TP - Trong văn chương, thỉnh thoảng gặp một tác giả dùng chữ rất sắc, chỉ một chữ là điểm trúng huyệt, một phát ăn ngay, một phát chết ngay.

Chết ngay là một cách nói. Thực ra, đấy là kiểu dùng chữ đích đáng, gọn, chắc, truyền đạt chính xác ý của mình.

Ngược lại, đa số cây bút dùng chữ thừa thãi, lại có thói quen dùng chữ nhịp nhàng du dương, tưởng là thuận tai hơn, nhưng kết quả là làm cho câu văn bớt ấn tượng.

Ví dụ, chữ “giảm thiểu” trong câu này:

Trong năm qua, tỷ lệ người nghèo trong xã đã giảm thiểu.

Ví dụ, chữ “hạ đặt” trong câu này:

Công ty đã hạ đặt trái phép một chiếc cần cẩu ở ngay đầu đường.

Giảm đến mức tối thiểu, tức là xuống đến mức thấp nhất. Tăng tối đa tức là tăng lên đến mức cao nhất. Chẳng biết từ lúc nào, người ta đã nói tắt giảm tối thiểu thành giảm thiểu, rồi mặc nhiên dùng nó theo nghĩa là giảm. Trớ trêu, có người còn viết: “Giúp họ giảm thiểu tối đa những vất vả và đau đớn” (Thành Long - chưa lớn đã già, trang 464, An Lạc group dịch, NXB Văn Học và Huy Hoàng, 2016).

Nhắc đến tỷ lệ người nghèo trong xã, chỉ cần nói “giảm” là đủ rồi. Một chữ như thế vừa truyền đạt chính xác thông tin, vừa gọn. Một khi đã gọn đã chính xác thì tức là nó gây ấn tượng. Hơn là chữ “giảm thiểu”, thoạt nghe tưởng là đỡ cộc, nhưng hai âm tiết nhịp nhàng du dương đã làm hại cả câu văn. Câu trở nên không gọn, không sắc, cũng không chính xác.

Cũng thế là chữ “hạ đặt” trong câu thứ hai. Chỉ cần viết “đặt” là đủ. Đủ tức là hay, là sắc, là gây ấn tượng mạnh.

Như đã nói ở trên, người Việt khi sử dụng tiếng Việt có vẻ không yên tâm nếu chỉ dùng một âm tiết. Người ta sợ nó cộc lốc, nó hụt, nó không cân bằng, không đăng đối. Thế là rất nhiều từ có thể dùng đơn âm tiết đã được thêm vào thành hai âm tiết, nghe có vẻ nhịp nhàng, đu đưa, nghe có vẻ nhún nhường lịch sự. Nói và viết những từ hai âm tiết, xem ra cũng cảm thấy yên tâm hơn.

Đăng - đăng tải:

Tin vui ngay lập tức được đăng tải trên báo.

Một cái tin, thường là không dài, thì chỉ là “đăng” trên báo, chính xác thì không nên dùng từ đăng tải. Đăng tải là một từ cũ, từ thuở ban đầu của báo chí Việt Nam thời thuộc Pháp. Đăng tải có nghĩa là in và xuất bản theo định kỳ, thường dùng cho những phóng sự nhiều kỳ hoặc tác phẩm văn chương được chia ra từng phần và in trong một thời gian dài. Khoảng vài chục năm nay, từ này được khai quật và trở thành mốt.

Báo - báo chí:

Sáng nay tôi đã đọc tin ấy trên một trang báo chí.

Chỉ có một trang thôi thì nó là “trang báo” hoặc là “trang tạp chí”. Báo chí là một từ ghép để chỉ chung một thể loại hoặc một loại sản phẩm thông tin.

Thư - thư tín:

Cả nhà luôn mong nhận được bức thư tín của anh.

Nhận được thư của anh, vừa đúng vừa gọn. Việc gì mà vừa “bức” là rất cụ thể, lại vừa “thư tín” là chung chung khái quát như vậy.

Giá - giá thành:

Vây cá mập được bán với giá thành rất cao.

Một người viết văn muốn gây ấn tượng, chắc sẽ chọn chữ “giá”, chứ không chọn chữ giá thành. Một người làm báo muốn tăng độ chính xác cho thông tin cũng sẽ chọn chữ “giá».

Tăng - tăng cao:

Tin đồn vừa tung ra, giá cả lập tức tăng cao vùn vụt.

“Cũng vậy, câu văn sẽ khỏe hơn, chính xác hơn, nếu chọn chữ “tăng”, chứ không phải là “tăng cao”.

Khi chọn chữ, người viết nên biết kiềm chế thói quen dùng những từ đa âm tiết nhịp nhàng. Kiềm chế, nhà báo sẽ truyền được thông tin chính xác hơn. Nhà văn sẽ chỉ một chữ khô gọn mà xỉa trúng huyệt. Nhà thơ sẽ chỉ một chữ mà gây rung động tâm can.

Một phát ăn ngay. Không cần phát thứ hai.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.