Mừng con vào Harvard

Mừng con vào Harvard
TP - Mấy năm trước, Ramon- con trai của Powell thi đỗ vào trường đại học Harvard. Vì có thành tích học tập cao và nhiều kinh nghiệm xuất sắc trong các hoạt động xã hội nên Ramon đã giành được học bổng toàn phần.

Đối với gia đình họ, đây là điều vô cùng hạnh phúc. Với tư cách là đồng nghiệp của Powell, chúng tôi cũng thấy mừng thay cho anh ấy.

Một hôm, Powell nói với mọi người rằng, con trai anh chuẩn bị lên đường nhập trường, anh vừa bàn với sếp, dự định thứ 4 tuần sau sẽ mời mọi người ăn trưa ở công ty, hôm đó anh sẽ đưa cậu con trai đến để mọi người chúc mừng.

Anh nói: “Làm như thế vừa không ảnh hưởng công việc, mọi người cũng cảm thấy thoải mái, thân thiện. Hơn nữa, một bữa tiệc chúc mừng giản dị như vậy cũng sẽ không ảnh hưởng gì xấu đến con trẻ!”. Mọi người đều tỏ ý tán thành, riêng tôi lại thầm thắc mắc: tổ chức ăn tiệc ở công ty thì bày biện thế nào nhỉ? Không biết ăn kiểu gì? Người Mỹ làm việc lạ thật đấy!

Hôm đó đi làm, vừa bước vào phòng làm việc tôi đã nhìn thấy Powell, anh nhìn tôi cười ha ha và nói: “Đừng quên trưa nay ăn cơm cùng nhau nhé”. Tôi hỏi con trai anh đâu, anh bảo, nó đang ở trong bếp chuẩn bị bữa trưa.

Ở Mỹ, rất nhiều công ty làm việc ngay bên cạnh phân xưởng, trong phòng làm việc có một cái bếp nhỏ để tiện cho mọi người hâm nóng đồ ăn trưa. Người Mỹ rất xuề xòa trong bữa trưa, một chiếc bánh Sandwich hoặc một chiếc xúc xích, hâm nóng lên, uống thêm một cốc cà phê, có cô chỉ ăn một chiếc kem ốc quế là xong.

Sau một hồi bận rộn, đầu óc rối bời, nhìn đồng hồ thì đã đến mười rưỡi, tôi định ra ngoài đi loanh quanh đâu đó 10 phút. Bất giác, tôi chợt nhớ rằng Ramon đang ở trong bếp, và thế là lòng hiếu kỳ đã thôi thúc tôi vào bếp xem cậu ta đang làm gì.

Vào đến nơi thì tôi thấy cậu ta đang bận rộn chuẩn bị bữa trưa, mặc dù bận nhưng rất đâu vào đấy, cậu còn hơi mỉm cười. Thấy tôi vào, Ramon liền hồ hởi chào tôi. Dĩ nhiên, tôi đã chúc mừng rất nhiệt tình việc cậu ta được vào trường Harvard.

Ramon hỏi tôi ở trong bếp bao lâu, tôi nói 5 phút. Ramon nói với vẻ ngượng nghịu: “Thời gian thế là đủ, cháu sẽ giới thiệu cho chú biết các món của bữa trưa!”.

Tiếp đó Ramon nói, vì sức khỏe nên món sa lát phải là sa lát rau tổng hợp, món canh là món hầm thịt bò, hình như Ramon cũng nhận ra được vẻ nghi hoặc của tôi, cậu ta chỉ vào một dụng cụ rất to giống dáng chiếc nồi cơm điện và bảo “trong nồi đây này,  cháu đang hầm.

Tôi nhìn thấy chiếc nồi đang bốc khói nghi ngút. Ramon nói: “Chú mở ra ngửi thử xem, thơm lắm. Cái nồi này cháu thuê hết 2 đô đấy”. Sau đó, tôi nhìn thấy trên chiếc bàn kê cạnh bệ bếp có một chiếc nồi to đựng đầy bít tết bò đã chế biến, một lò nướng bánh mì, trên đó còn bày rất nhiều bánh mì Ý vừa mới ra lò…

Mọi thứ đều khiến tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, tổ chức liên hoan tiễn một cậu bé đi học trường Harvard nhưng lại để cậu bé này vào bếp làm đầu bếp. Ở Trung Quốc, nếu một đứa trẻ thi đỗ vào trường đại học nổi tiếng, thì chắc chắn bố mẹ chúng sẽ tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn ở khách sạn mời mọi người đến ăn uống linh đình.

Ngoài sự thán phục và khen ngợi đối với cậu bé Ramon này, tôi còn có một thắc mắc: Tại sao vẫn còn hơn một tháng nữa mới đến ngày khai giảng mà Ramon đã lên đường nhập trường?

Và thế là tôi hỏi Ramon vấn đề này, Ramon trả lời: “Cháu dự định sẽ vay bố cháu 500 đô, trên đường đi cháu sẽ bắt nhờ xe, dọc đường cháu sẽ làm một số cuộc điều tra xã hội ở một số khu dân cư, cháu chủ yếu sẽ vừa làm thêm một thời gian ngắn ở các quán ăn, vừa điều tra chi phí ăn uống của các đối tượng khác nhau, như thế cháu cũng sẽ có một ít thu nhập. Nếu vậy thì rất có khả năng là cháu không phải mất một đồng nào mà vẫn đến được trường”.

Khoảng gần 12 giờ, mọi người tập trung lại để ăn trưa, ai cũng nhiệt tình chúc mừng Ramon và khen cậu khéo tay. Jessica – cô bạn đồng nghiệp khá ngốc nghếch của tôi còn thắc mắc hỏi tại sao Ramon không thi vào trường dạy nấu ăn mà đi học ở Harvard…

Hai tháng sau, Powell cầm một sấp ảnh của con trai anh gửi từ trường về cho chúng tôi xem và khoe với chúng tôi bằng giọng rất tự hào rằng: “Ramon đã đi hết 32 ngày trên đường, làm được rất nhiều điều tra xã hội, bản báo cáo điều tra của nó được thầy giáo đánh giá rất cao. 500 đô đó nó không tiêu một hào nào, trừ hết mọi khoản chi tiêu trên đường, nó còn kiếm được 100 đô”.

Ảnh Ramon chụp trên đường, phần lớn đều là ảnh chụp chung với các đối tượng được anh điều tra. Nhìn vẻ thật thà, hiền lành, non nớt hiện trên gương mặt Ramon, tôi cảm khái muôn phần, đây chính là sinh viên của Harvard!

Trần Quỳnh Hương dịch
Viện Văn học

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.