'Mỹ nhân' hội đủ thứ ẩu

Hình vua sư tử đã được xử lý khi phim công chiếu.
Hình vua sư tử đã được xử lý khi phim công chiếu.
TP - Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh ở thế kỷ 17 phần nào được minh họa trong Mỹ nhân - phim điện ảnh nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, Mỹ nhân một lần nữa khiến khán giả thất vọng về khả năng làm một phim cổ trang tử tế.

Mỹ nhân dựa trên tiểu thuyết của Văn Lê, trong đó các nhân vật đều có thật, xoay quanh những cuộc chiến đoạt vị chốn thâm cung. Đi liền với âm mưu đó là số phận hai người đàn bà: Tống Thị mưu mô quyến rũ em chồng là chúa Nguyễn Phúc Lan, tư thông em chồng nữa là Nguyễn Phúc Trung để cướp lại ngôi chúa cho con trai; Đào hát Thị Thừa ngoan hiền được Thế tử Nguyễn Phúc Tần đưa về dinh nhưng sau lên ngôi chịu áp lực của các quan nên sai đem ra sông dìm chết, tránh bài học vong quốc như Phù Sai vì mê sắc đẹp Tây Thi.  

Trước khi phim ra mắt độ chục ngày đã ầm ĩ vì vụ đưa cả Vua sư tử của Hollywood lên quan phục của Nguyễn Phúc Trung. Vì phốt này, khán giả soi khá kỹ trang phục của Mỹ nhân khi phim được công chiếu toàn quốc từ 13/11. Ngoài lỗi Vua sư tử (đã được xử lý bằng kỹ xảo vi tính), phục trang của phim cũng bộc lộ sự cẩu thả khó chấp nhận. 

Cụ thể, bổ tử (tấm vải hình vuông đính ở ngực và lưng áo trên phẩm phục các quan) được ghi chép rõ trong sử sách, nhưng họa sỹ có vẻ không thèm đếm xỉa. Chưa kể, gần 20 tỷ đồng kinh phí nhưng nhân vật quan trọng mặc chung: Nguyễn Phúc Tần nối ngôi cha mặc nguyên bộ của chúa Nguyễn Phúc Lan, 30 năm sau cũng vận đúng bộ trang phục đó thiết triều. Tỉ mỉ hơn, một họa sỹ chuyên thiết kế trang phục phim cổ trang, lịch sử chỉ ra sự thiếu đồng nhất trong trang phục quan văn võ. Nhà nghiên cứu có tiếng khác thậm chí còn chỉ ra chúa Nguyễn có lúc đội chung mũ với chúa Trịnh Tráng.

Câu chuyện phim và diễn biến lịch sử nhiều tình tiết hấp dẫn, nhưng đạo diễn khai thác chưa tới. Các trận đánh như thủy chiến với quân Hà Lan, hay trận chiến với nhà Trịnh đều lộ rõ điểm yếu, giả. Đôi chỗ lấy lời bình chèn vào để đỡ cho dàn dựng và diễn xuất. Cách xưng hô khá lộn xộn, khi cổ khi hiện đại, lời thoại đậm tính văn học hoặc sân khấu. Gần cuối phim có cảnh cầu siêu, bắc cầu chiêu hồn cho Thị Thừa khá xúc động, tạo dấu ấn cả về hình ảnh và sự trợ giúp về âm nhạc của nhạc sỹ Đỗ Bảo.

Trong số diễn viên, Quách Ngọc Ngoan (Nguyễn Phúc Tần) có vẻ chuyên nghiệp hơn cả, trước đó từng gây niềm tin với vai Nguyễn Du trong Long thành cầm giả ca, Lý Công Uẩn trong Khát vọng Thăng Long. Tuy nhiên, ở thời điểm này, thần thái của diễn viên họ Quách đi xuống rất nhiều, không tương xứng tài đức của Nguyễn Phúc Tần như sử sách ghi. Đây là vị chúa nhiều công lớn, thường được gọi Chúa Hiền mở mang bờ cõi, cắt đặt đội thủy quân thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa làm tiền đề cho các chúa Nguyễn sau này.

Phim đề cập cuộc đời hai phụ nữ, đều theo thuyết “hồng nhan bạc mệnh”. Vai Tống Thị (không từ thủ đoạn để đoạt ngôi chúa cho con) được giao Kim Hiền. Dù kinh nghiệm hơn hẳn Triệu Thị Hà (Thị Thừa), nhưng Kim Hiền lạm dụng cơ mắt, diễn xuất mang tính sân khấu hơn điện ảnh, kể cả đoạn cuối bị Nguyễn Phúc Tần luận tội chém đầu.

Hoa hậu dân tộc Triệu Thị Hà xuất hiện trên màn ảnh lớn sau một thời gian scandal trả vương miện, thỏa ước mơ bước chân vào showbiz. Vẻ đẹp tự  nhiên, có phần trong sáng, song đôi mắt vô hồn, đôi khi bất động ở những cảnh cần sử dụng ánh mắt khiến Thị Thừa trở nên mờ nhạt. Nhân vật thiếu sức sống cho đến lúc chết, thậm chí cảnh hồn ma hiện về cũng không làm tăng thêm sự xúc động.

Cảnh nóng nhiều, thiếu tinh tế

Theo tinh thần phim Mỹ nhân, đạo diễn cố ý chiêu đãi khán giả những hình ảnh nóng. Kim Hiền có màn khỏa thân toàn phần khi tắm từ phía sau và nhìn nghiêng, cảnh mát-xa cho chúa Nguyễn Phúc Lan và cảnh thân mật với Nguyễn Phúc Trung. Thị Thừa của Triệu Thị Hà được ưu ái đặc tả cảnh khỏa thân phơi sương gần một phút, đương nhiên có thêm chiếc khăn trắng làm đạo cụ che chắn để vượt kiểm duyệt. Cảnh khỏa thân, cảnh nóng cần thiết cho diễn biến kịch bản, tuy nhiên chưa được xử lý tinh tế, dễ gây cảm giác gợn và thô. 

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.