Ngày 30/4/1975 và những nhà văn cầm súng

Quân đoàn 3 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975.
Quân đoàn 3 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975.
TP - Chiến tranh đã trôi qua tròn 40 năm (30/4/1975 - 30/4/2015). Song dường như ký ức ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt với những người lính văn nghệ, tay súng tay bút, quên mình trên chiến địa và cháy hết mình trên những trang viết. Họ đã và đang viết về cuộc chiến mà mình đã có mặt như một nhân chứng của lịch sử, một người trong cuộc...

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Viết về chiến tranh để phản chiến

“Ngày 30/4/1975, tôi đang đi săn thú trong một cánh rừng thuộc quân khu 5 cùng hai người đồng đội”, nhà văn Trung Trung Đỉnh hồi tưởng việc ông bỏ lỡ mất cơ hội hòa mình vào thời khắc lịch sử, đi giữa rừng hoa hay như đi giữa rừng cờ trong ngày thống nhất đất nước.

Vậy là mãi sau này, ông mới biết tin quân ta kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử?

Tôi vốn thành phần cầm súng ngoài chiến hào từ năm 1968. Trước tháng 3/1975, tôi được cử đi học một khóa chiếu bóng ở Trà My, Quảng Nam, Quân khu 5. Học xong được điều đến trạm khách của Quân khu chờ phục vụ chiến dịch. Tôi cùng hai đồng đội, một là Rơ-ma-chuốt người Gia Rai. Người kia dân tộc Hrê. Ba anh em nằm chờ mãi thấy chán, đòi ra chiến dịch vì nghe nói chiến dịch lớn lắm. Song Trạm trưởng lệnh phải ở nguyên vị trí để chờ nhận máy chiếu bóng của Ukraine, đang chuyển từ ngoài Bắc vào để đi chiếu phục vụ các đơn vị chủ lực.

Ngày 30/4/1975 và những nhà văn cầm súng ảnh 1

Chúng tôi liền đề xuất cho chúng tôi vào rừng đi săn. Trạm trưởng rất mừng bởi trạm đang thiếu thực phẩm tiếp tế cho các đơn vị. Ông cấp cho mỗi người chừng 5-7 cân cả gạo lẫn muối và dặn: khi nào hòm hòm thì gùi ra hoặc bắn súng báo, Trạm sẽ cho người vào hỗ trợ.

Chúng tôi đi sâu vào rừng già, đóng cọc dựng lều chừng hơn hai tháng, săn được khá nhiều heo rừng, hươu nai. Biết đâu, đúng trong thời gian đó, quân ta đã bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Có mỗi cái radio thì lại hỏng pin, không nghe được tin tức gì. Cũng không thấy Trạm trưởng cho người vào dù đã bắn súng báo hiệu. Xung quanh lặng như tờ, ngay cả máy bay địch trước vẫn lượn như cơm bữa, nay chẳng thấy đâu.

Chúng tôi phát lo, mò về làng người dân tộc cách đấy một ngày đường. Làng vắng hoe, chỉ thấy gà, heo chạy lung tung. Tìm mãi mới gặp được một ông già gần bảy chục tuổi, say rượu nằm dưới bến nước. Gọi mãi, hỏi mãi mới nhận được câu hỏi ngược lại: “Giải phóng lâu rồi sao chúng mày còn ở đây?”. Chúng tôi ngớ ra khi thấy trên gùi của ông già có cắm mấy cái cờ đuôi nheo màu đỏ. “Chúng tao đi mừng chiến thắng”, ông khoe, “Dân làng còn dưới Tam Kỳ, tao về cho heo ăn”.

Ba anh em mừng khỏi nói, xách ba khẩu AK chĩa lên trời kéo một tràng dài đến hết sạch đạn. Rồi bỏ cả đống thịt săn đã muối, đã sấy đó ra quốc lộ, vẫy xe bộ đội về Đà Nẵng. Tôi tìm về Trại viết Quân khu 5, các anh đang ngồi nghe chuyện của nhà thơ Trần Vũ Mai mới về từ Pleiku.

Sau này ông mới có điều kiện khắc họa lại những kỷ niệm cuộc chiến?

(lắc đầu) Tôi viết Lạc rừng, Lính trận, Ngược chiều cái chết ngay sau giải phóng chừng 10 năm. Hồi mới vô, tôi được chuyển đến cánh rừng già, nơi tập kết của bộ đội du kích và dân làng BahNar thuộc huyện đội An Khê (Gia Lai), sống chung với họ. Sau Giải phóng, tôi viết về đời sống người lính của tôi và sau này, viết cả về người lính trong thời bình mà ta gọi là thời hậu chiến như Tiễn biệt những ngày buồn, Ngõ lỗ thủng

Ông tâm đắc nhất tác phẩm nào?

Với tôi, cuốn nào cũng có dáng vẻ riêng của nó. Chúng giống như những đứa con. Tôi yêu đều, không bên khinh bên trọng. Còn đánh giá, lựa chọn ra sao là quyền của độc giả.    

Cảm ơn ông.

Nhà thơ Anh Ngọc: Chiến thắng 30/4/1975 mang lại cho chúng ta tự do nhân quyền

Tác giả trường ca Điệp khúc vô danh khẳng định: hòa bình lập lại cho ông thời gian để chiêm nghiệm, nhìn nhận về hai nửa của chiến tranh và viết ra những lời tình tự của dân tộc, của con người - những cảm xúc riêng tư đã buộc phải lùi ra sau trong
cuộc chiến.

Ngày 30/4/1975 và những nhà văn cầm súng ảnh 2

Trong chiến tranh, ông đã phải khóa kín những cảm xúc ấy?


Đáng lý phải như thế. Tuy nhiên đó là điều rất khó thực hiện. Bây giờ ngồi lại có thể nói trong các sáng tác thời bấy giờ, thường tính cá nhân độc lập bị tính chung đè bẹp. Viết giữa cuộc chiến phải thực hiện nghĩa vụ của người cầm súng và cầm bút do cách mạng cử đi, khó giữ cá tính độc lập. Mà điều sống còn của cánh văn thơ lại chính là cá tính ấy. Nó góp phần tạo ra những tác phẩm bất hủ.

Tôi may mắn bên cạnh phần học được trong sách vở, vẫn cố gắng giữ cho tính cá nhân không bao giờ phải kéo cờ trắng. Tính cá nhân trong thơ tôi dù rất đáng thương, bị tính chung đè bẹp dí dị nhưng không chết. Bởi vì tôi luôn tâm niệm, nhà thơ cần phải viết vì lẽ phải, vì tiến bộ, chân thiện mỹ.

Những tác giả thuần ca ngợi các biểu tượng đẹp đẽ như non sông gấm vóc, hình ảnh người chiến sĩ có khuất lấp cái tôi của ông không?

Tôi coi cây bút  là vũ khí, ca ngợi cuộc chiến đấu, động viên mọi người, lạc quan các mạng. Song không bao giờ quên nối cái nhất thời đó với cái vĩnh cửu là tình cảm riêng tư của con người.

Bài thơ Cây xấu hổ tôi viết năm 1972 khi tham gia chiến dịch Quảng Trị trong vai trò lính thông tin, vốn được nhiều người khen. Nhưng tôi đã nói trên truyền hình trong một chương trình làm chung với nhà thơ Vương Trọng rằng: Tôi xấu hổ vì bài Cây xấu hổ. Bởi nó thuần túy mang tư tưởng nhà trường và chỉ phản ánh được một mặt của chiến tranh. Trong giai đoạn này, khiến tôi tự hào có mấy bài như Thơ vui tặng con (của hiếm vì lúc đó người ta chỉ viết tặng đồng đội, tặng nhân dân) và Khoảng đất dưới võng (ba nghìn đêm mắc võng trên rừng, khoảng đất phía dưới có thể là sỏi đá, gai góc, thậm chí là một dòng suối. Nối chúng lại sẽ tạo thành một biên niên sử hành quân, một dải dọc đất nước.

Hiện tại ông vẫn viết về chiến tranh chứ?

Từ trong chiến tranh và nhất là từ sau chiến tranh, cứ cái gì ám ảnh nhất trong suy tư và cảm xúc của mình không thể không viết thì tôi viết. Càng về sau, những chủ đề mang tính vĩnh cửu và phổ cập càng chiếm hết tâm trí tôi…

Với tư cách phóng viên báo Quân đội nhân dân, ông cùng đồng đội lên đường vào Nam từ cuối tháng 1/1975 nên chắc đã trải nghiệm đủ cung bậc cảm xúc, đặc biệt là thời khắc kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử?

Đủ hết, trừ thời khắc 30/4. Bọn tôi đi từ Hà Nội, một tháng rưỡi cả ngồi ô tô lẫn đi bộ trên đường Trường Sơn. Ăn Tết ở Ngã ba Đông Dương. Vào tới Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, bước chân xuống xe đã theo bộ đội đánh ấp Tân Điền. Rồi mấy ngày sau đó đánh huyện lỵ Ma Lâm. Tối 18/4, nghe tiếng pháo tự hành trên xe tăng dọc đường 1 từ mạn bắc Bình Thuận đổ vào lập tức cuốn tăng võng, hành quân theo bộ đội chủ lực của Quân đoàn 2 mới ngoài Bắc vào. Sáng hôm sau vào giải phóng thị xã Phan Thiết (19/4).

Vì phía Nam đang đánh to nên tôi và nhà báo Hà Đình Cẩn nhảy ô tô ra Phan Rang, xem tháp Chàm. Khoảng 10 giờ sáng 30/4, thì nghe tin Sài Gòn giải phóng rồi. Ngay đêm đó, tôi và Hà Đình Cẩn nhảy ô tô của lính phòng không đi thẳng vào Sài Gòn. Chiều tối hôm sau (1/5) đã ở giữa Sài Gòn. Ăn cơm xong lập tức tới Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, ngủ đêm tại đó.

Đó là đêm đầu tiên chúng tôi nằm ở Sài Gòn sau mấy tháng trời chui rúc trong rừng. Lúc đầu mắc võng ngoài vườn hoa, sau gặp mưa ôm võng chạy vào trong, kiếm hai song cửa để mắc dù cả một doanh trại bỏ không mênh mông giường đệm. Chính cái khoảnh khắc giao thời ấy đã cho tôi rất nhiều cảm hứng sáng tác. Nhiều bài viết tại Sài Gòn, đến giờ, vẫn là tác phẩm tôi vô cùng ưng ý như Mắc võng ở Sài Gòn khắc họa tâm trạng người lính buổi giao thời chiến tranh và hòa bình. Hoặc Sài Gòn đêm giao hưởng mở ra sự hòa hợp dân tộc, Bắc - Nam chung một nhà thông qua cầu nối âm nhạc.

40 năm nhìn lại, ông thấy gì ở thời khắc lịch sử 30/4/1975?    

Xin mượn lời của tướng Trần Văn Trà trong buổi mít-tinh quân quản Sài Gòn: “Hôm nay không có chuyện ai thắng ai thua giữa người Việt Nam với nhau, chỉ có dân tộc Việt Nam thắng Mỹ mà thôi”. Bây giờ nhìn lại thì thấy hồn thiêng dân tộc đã nâng bước chúng ta vượt qua thời kỳ máu lửa đầy mất mát, cho chúng ta một ngày: thống nhất, hòa bình và độc lập. Bên cạnh đó cũng cho từng con người Việt Nam có thể sống đúng mình. Trên cơ sở tôn trọng quyền sống đúng mình của người khác.  

Cảm ơn ông.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi luôn biết ơn họ, những người lính vì nước vì dân

Với Nguyễn Trọng Tạo, được viết về lính và được lính thích là điều hạnh phúc của người nghệ sĩ, còn viết lúc nào không quan trọng: “Viết về cuộc chiến tranh thì viết ngay trong cuộc có lợi thế là dòng cảm xúc tươi rói, nhưng lùi lại để chiêm ngẫm về cuộc chiến thì các trang viết thaường sâu sắc hơn. Vấn đề cảm xúc chỉ do tác giả có tâm huyết với điều mình viết hay không mà thôi”.

Ngày 30/4/1975 và những nhà văn cầm súng ảnh 3

Là nghệ sĩ cầm bút, đi kháng chiến từ 1969 tới thắng lợi cuối cùng, song dường như những tác phẩm viết về ngày 30/4/1975 không để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp của ông?

Tháng 4 và 5/1975, tôi phụ trách một đội văn công xung kích thuộc quân khu 4, vừa sáng tác thơ nhạc, chúng tôi phải liên tục có tiết mục mới để phục vụ bộ đội và dân chúng. Chỉ riêng hợp xướng ba chương Đất nước Bác Hồ và cuộc hành quân không nghỉ tôi viết là được biểu diễn nhiều, và được Đài TNVN thu thanh phát trên sóng. Trong niềm vui thống nhất sau nhiều năm chiến tranh, tôi xúc động khởi bút viết bài thơ dài Cuộc diễu binh hùng vĩ trong ba tháng, được trích in một chương trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, có câu Bỗng bay lên ngàn vạn quả bóng màu/ Trời mặc áo hoa cùng trẻ nhỏ.

Trừ tập “Tình yêu sáng sớm” (in 1974), hầu hết thơ của ông đều ra mắt độc giả khi hòa bình lập lại. Phải chăng tới lúc đó, ông mới có thời gian đến với công chúng?

Không hẳn thế. Thời đó in sách rất khó khăn. Những tác phẩm lẻ thường được in trên báo, và đến độ nào đó thì tác giả mới được in thành sách. Càng về sau tôi viết “chín” hơn, đăng báo nhiều hơn. Nhiều tác phẩm đăng rải rác về sau khó sưu tầm đầy đủ. Hơn nữa tác giả cũng chỉ chọn những bài mình thích để in thôi.

Ông tự thấy mình là nghệ sĩ cầm súng hay chiến sĩ cầm bút?

Tôi nghĩ là hai nửa hòa làm một. Người nghệ sĩ luôn cần thể hiện tính công dân, tính chiến đấu trong sáng tạo của mình. Viết theo yêu cầu chính trị lúc đó không chỉ do lãnh đạo, mà mỗi người đều ý thức về điều đó. Về sau này quan niệm không còn cứng nhắc như thế nữa. Người ta đề cao tính nhân văn, nên các nghệ sĩ được sáng tạo trong bầu không khí tốt hơn. Các nhà văn tự do lựa chọn phương pháp sáng tác cho mình, nên văn học trở nên đa dạng, phong phú hơn.

Người ta nói quá nhiều về độ lùi thời gian trong giới sáng tác mà quên đi chiến tranh để lại những ám ảnh cần được gỡ bỏ. Không ít người trong cuộc muốn hướng tới tương lai hơn là đào xới quá khứ. Ông nghĩ sao?

Hướng tới tương lai hay cày xới quá khứ là do lựa chọn của mỗi nhà văn. Vấn đề quan trọng của tác phẩm không nằm trong tương lai hay quá khứ mà nằm trong câu chuyện, nhân vật của nó. Với những văn tài thì quá khứ không bao giờ là cũ.

Nghe nói giờ đây ông chỉ khoái rong chơi trong khoảng trời văn nghệ, gặp hứng thì viết. Chẳng biết trong mấy cái hứng thì hiện tại còn rơi rớt kỷ niệm, ám ảnh chiến tranh hay không?

Tôi không bao giờ quên những người đồng đội đã ngã xuống, những thương binh và cả những ai trở về với cuộc sống đầy gian khổ khó khăn trong thời bình. Các trang viết về người lính của tôi bao giờ cũng đầy trân trọng vì chính tôi từng trải qua sự khốc liệt của chiến tranh. Nên mấy câu thơ như: Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình/ Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học/ Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc/ Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều thường được cánh lính chép vào sổ tay hoặc thuộc nằm lòng.

Cảm ơn ông.

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tiếc mãi bản thảo viết tại Dinh độc lập

“Anh em làm báo bên Thông tấn xã Việt Nam biết tôi đi hướng Đồng Dù vào liền đề nghị tường thuật cuộc hành quân”, nhà văn Khuất Quang Thụy kể, “Tôi về hậu dinh, vào văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam cộng hòa lấy luôn tập giấy tiêu đề còn nguyên mấy chữ Việt Nam cộng hòa đầu trang viết bài lược thuật trận Đồng Dù. Có lẽ tôi là người duy nhất viết tin bằng giấy của văn phòng Phủ tổng thống Dương Văn Minh. Tiếc rằng các đồng chí bên TTX cầm bản thảo đó, ngoài tin về một hướng tiến quân, họ không thấy tờ bản thảo có gì đặc biệt nên vứt đi đâu đó rồi.  Sau Bảo tàng Hội Nhà văn muốn sưu tầm, đến hỏi thì mình chẳng còn mà đưa”.

Ngày 30/4/1975 và những nhà văn cầm súng ảnh 4

Ông theo mũi đột kích đánh vào Sài Gòn, nghĩa là ông may mắn vào Dinh Độc lập rất sớm?

Thời điểm Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi đã ở cửa sau Dinh Độc lập. Dù đã có lệnh ngừng bắn nhưng vẫn vấp phải sự kháng cự của lính Cộng hòa. Một vài đồng đội bị thương ở ngã tư Bảy Hiền và ngay trước cửa Dinh. Chúng tôi vào Dinh còn sớm hơn cánh vào mặt chính (tăng 483 do Bùi Quang Thận chỉ huy thuộc Tiểu đoàn 1, Quân đoàn 2). Sau khi cắm lá cờ cỡ nhỏ lên cổng sắt liền tập trung đào giao thông hào quanh ngọn đồi phía sau Dinh Độc lập, chuẩn bị ngăn địch phản kích. Sau nghe Dương Văn Minh đầu hàng mới thôi.

Lúc đó báo chí trong ngoài nước xô đến rất đông song bị đồng chí Tiểu đoàn phó giải tán. Bởi, với lính trận, lúc đó vẫn còn chiến sự. Đã vào cổng hậu lại không có dù chỉ một bức ảnh để chứng minh nên chúng tôi đành nhường lại thành tích cắm cờ trên nóc Dinh Đập lập cho cánh Quân đoàn 2. Thôi thì, cũng tự hào rằng lính Trung đoàn 64 là những người vớ được nhiều kỷ vật của Dương Văn Minh nhất. Từ mấy thứ quà tặng nho nhỏ tới vài chiếc bật lửa. Hay một lố radio loại nhỏ. Hân hoan mừng chiến thắng, Tiểu đoàn phó rộng tay phát mỗi người một cái, nghe cho sướng tai. Nhưng sau lãnh đạo Sư đoàn quyết định thu lại hết nên chúng tôi nói vui với nhau: đây là loại đài vừa phát vừa thu (cười).

Dường như tới tận bây giờ, trong con người ông vẫn đậm chất lính?

Tôi là nhà văn trưởng thành từ chiến sĩ. Có thể nói cuộc chiến đã làm nên tôi. Tôi viết trong suốt quá trình ra trận. Khi rời khỏi cuộc chiến lại tiếp tục viết về cuộc ra trận của mình. Tất cả những cuốn quan trọng nhất của tôi đều viết về các chiến dịch, các trận đánh. Cuốn Trong cơn gió lốc viết về chiến dịch Tây Nguyên. Trước ngưỡng cửa bình minh viết về trận Đồng Dù. Sau này tiếp tục viết về chặng đường chiến đấu của Sư 320 như Những bức tường lửa, Đối chiến.

Thực tế là trong chiến trường không có điều kiện viết tiểu thuyết, chỉ viết truyện ngắn và bút ký rồi gửi ra Bắc. Sau chiến tranh mới có thời gian suy ngẫm nên tất cả các cuốn tiểu thuyết của tôi đều viết sau chiến tranh.

Nếu cần chọn ra cuốn sách tiêu biểu cho cuộc đời sáng tác của mình, ông sẽ chọn?

Không phải trò đùa. Dù mỗi cuốn có một số phận riêng, sở đắc riêng nhưng Không phải trò đùa có cấu trúc đồng hiện, đan xen giữa hiện thực và quá khứ, đậm tính tiểu thuyết, với chất nghệ thuật cao hơn cả. Một phần lý do là cuốn này được viết khi đất nước trải qua hai lộ trình diễn ra cùng lúc: ra khỏi cuộc chiến chống Mỹ và bước vào cuộc chiến biên giới Tây Nam (1977).

Cùng một thế hệ song nhiều người đang tìm cách bước ra khỏi cuộc chiến. Lại có những người vào thời điểm 1978 vẫn chưa biết chiến tranh kết thúc do tổn thương tâm thần. Còn một số người khác chưa về được đến nhà, chưa kịp nghỉ phép, đã lại đi tiếp. Lúc đó dân tộc ta vừa phải giải quyết hậu quả chiến tranh và tiếp tục chiến đấu. Quả là thời điểm hết sức khủng khiếp, dữ dội. 

Từ sau Giải phóng (1975) tới nay là một chặng đường rất dài. Với một nhà văn chuyên viết về chiến tranh như ông, nhìn lại quá khứ có phải là động lực để đi tiếp hay không?

(gật đầu) Cũng để nhận ra giá trị của hòa bình. Chiến tranh là thử thách khốc liệt nhất với một con người và cả một dân tộc. Dân tộc ta gắn liền với chiến tranh suốt mấy chục năm trời. Người Việt Nam lớn lên, trưởng thành trong chiến tranh nên vẫn mang đậm dấu ấn chiến tranh tới tận bây giờ.

 Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG