Ngày mới với "Gió bình minh"

Ngày mới với "Gió bình minh"
TP - Đến sân khấu ngoài trời giữa khuôn viên Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội mới biết vì sao Đỗ Bảo không chọn không gian Nhà hát Lớn hay một nơi nào đó sang trọng cho "Gió bình minh".
Ngày mới với "Gió bình minh" ảnh 1
Các nghệ sĩ tham gia chương trình “Gió bình minh” của Đỗ Bảo

Không lạ lắm khi sân khấu được dựng lên với chất liệu chủ đạo là tre nứa, phông được dùng bằng những cái mành tre, khung được dựng lên từ thân cây tre còn nền và xung quanh sân khấu được bao bọc bởi chiếu cói.

Nhưng ấn tượng đầu tiên chính là cách bố trí sân khấu, thay vì như thường lệ chỉ có duy nhất một sân khấu thì ở đây có tới 3 sân khấu được sắp xếp thành một tam giác đều, trong đó có một sân khấu chính, khán giả ngồi 3 bên quay mặt về phía sân khấu chính bỏ trống một khoảng không ở giữa.

Âm thanh được bố trí đều ở phía sau 3 sân khấu như vậy sẽ tạo được hiệu quả âm thanh đa chiều, khán giả lần đầu tiên sẽ trở thành trung tâm được bao bọc bởi sân khấu và âm thanh.

Gió bình minh được chia thành nhiều phần nhỏ liên kết với nhau thành một tác phẩm tổng thể. Mở đầu bằng dòng âm thanh điện tử sau đó điểm tiếng lục lạc rồi xuất hiện âm thanh mõ cụ đều đều giữ nhịp.

Trong khoảng 10 phút của phần đầu, tiếng trống cái dường như trở thành chủ đạo, làm nền cho màn múa với những động tác dứt khoát, nhanh gọn thiên về võ đạo.

Thỉnh thoảng giai điệu sáo Mèo mềm mại vút lên trả lại sự cân bằng. Phần vocali với sự tham gia của Tùng Dương, Minh Anh, Minh Ánh khai thác âm hưởng phảng phất của Huế, của âm nhạc Phật giáo...

Ấn tượng nhất có lẽ là phần vocal mang màu sắc huyền bí phương Đông của Tùng Dương. Giọng nam cao, khai thác phần kỹ thuật giả thanh khá khó nhưng anh hát rất trơn tru, điêu luyện.

Phần tiếp theo mở đầu có  âm hưởng của Tây Nguyên và có những tiết tấu những âm hưởng gần gũi với điệu Then miền núi phía Bắc... Rồi tiếng kèn sona, tiếng trống dân tộc, tiếng mõ vang lên và phần thứ hai kết với âm hưởng pha chút những làn điệu tuồng.

Những phần tiếp theo Bảo khai thác âm nhạc ca trù, âm hưởng của điệu hát nói được thể hiện qua giọng ca khá lạ của tay trống dân tộc Minh Chí. Đàn goong và cồng chiêng vang lên khiến người xem liên tưởng tới những lễ hội Tây Nguyên.

Phía cuối của chương trình, Bảo dành nhiều “đất” cho tay nhị Bá Nha thể hiện, ngay cả khi những tiết tấu rộn rã, thúc giục của điệu Xá thượng vang lên.

Tuy nhiên, lát sau Bảo đã trả lại đúng vị trí cho đàn nguyệt Việt Hồng mặc sức “phiêu”. Sau phần này, âm nhạc chuyển sang hơi hướng Trung Quốc... Nhưng ngay sau đó, là âm hưởng hân hoan, mênh mang núi rừng Tây Bắc vang lên khép lại chương trình.

Khai thác những âm hưởng trong kho tàng âm nhạc truyền thống, sử dụng phương tiện biểu hiện của âm nhạc phương Tây là một trong những hướng đi có thể nói là tốt nhất để các nhạc sĩ VN hòa nhập với âm nhạc thế giới.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo có lẽ là người mở hướng đầu tiên, sau này còn thấy ở Nguyên Lê, cả hai nhạc sĩ này đều đang hoạt động khá mạnh ở châu Âu.

Ở VN, khán giả từng quen với world-music của Quốc Trung, bây giờ là Đỗ Bảo. Nguyễn Thiên Đạo thiên về âm nhạc tiên phong, ấn tượng với những giai điệu phảng phất hồn dân tộc, có khi lại được thể hiện trên chính những nhạc cụ phương Tây.

Nguyên Lê thiên về khai thác âm hưởng nhạc hát dân tộc qua những bài dân ca các vùng miền. Nếu Quốc Trung thiên về khai thác nhạc cụ điện tử phương Tây, thì Đỗ Bảo tăng cường âm nhạc Việt Nam...

Một chút luyến tiếc về âm thanh hơi nhỏ, nhưng tựu trung, Gió bình minh là một đêm nhạc thành công, gây đầy ấn tượng trong lòng công chúng. Gió bình minh đã thể hiện một cách nhìn gần gũi hơn với âm nhạc truyền thống, “mở” ra một hướng đi mới cho khí nhạc ra đại chúng.

Nhưng quan trọng nhất, Gió bình minh đã mở ra một ngày mới cho Bảo.

MỚI - NÓNG