Ngày nay khăn đỏ vào rừng

Ngày nay khăn đỏ vào rừng
TP - Một chuyên gia ngôn ngữ thống kê, riêng truyện cổ Cô bé quàng khăn đỏ trên internet đã có đến 427 phiên bản tiếng Hà Lan và tiếng Flamish (thuộc Bỉ) qua hai thế kỷ. Cổ tích nay khác xưa nhiều.

Qua các phiên bản của chuyện Cô bé quàng khăn đỏ, nhà nghiên cứu phát hiện có 98 chi tiết khác nhau trong chiếc giỏ của cô bé. Theo tích cũ nhất, khăn đỏ mang theo chai rượu vang đi thăm bà ốm. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, chẳng ai tặng người ốm rượu vang nữa. Người kể thay rượu vang bằng nước ép trái cây- tốt cho sức khỏe hơn, bánh waffe lắm đường thay bằng bánh mì tròn. Đến chó sói cũng khác xưa, bớt hung tợn, ít xảo trá. Còn cô bé quàng khăn đỏ trở nên gan dạ, thông minh hơn chứ không yếu ớt ngốc nghếch như trước. Qua lời kể của các ông bố, cô bé quàng khăn đỏ còn biến thành một thợ săn thực thụ.

Cổ tích bây giờ thành chuyện kể tùy thích. Suy nghĩ của phụ huynh và trẻ em ngày nay khó mà kiểm soát. Đầu năm học này, tôi đi họp phụ  huynh cho con mới vào lớp Một. Cô giáo than “Nhiều vị viết thư cho chúng tôi nhờ gửi giúp con vào nhà trẻ sau giờ tan học vì hôm ấy bố mẹ bận việc, đón muộn. Nhưng làm ơn dặn cả con nữa. Chúng rất hay cãi rằng bố mẹ không hề bảo chúng phải ở lại trường thêm giờ. Cô nói cũng chẳng tin ngay đâu”. Phụ huynh xì xào  “Ai bảo các vị dạy trẻ đánh vần từ đầu tiên trong sách tập đọc là Tôi. Dạy chúng cái tôi trước nhất, về nhà bố mẹ cũng khổ sở vì luôn miệng con thấy thế này, con nghĩ thế khác...”.

Ở Bỉ, có những cha mẹ đi họp phụ huynh hoặc sau chuyến khảo trường lớp cho con trở về tức tốc rủ nhau mở trường riêng, vì “Nhìn dãy bàn ghế kê thẳng hàng, chỉ một hướng lên bảng mà phát ớn. Đơn điệu thế là cùng, bao năm không đổi”. Phụ huynh muốn trường kiểu mới dạy trẻ theo kiểu mới, học bằng hoạt động ngoài trời nhiều hơn đút chân dưới gầm bàn trong lớp.

Vì điều kiện công việc, một ông bố người Anh phải rời Việt Nam sang Myanmar. Nơi đây còn khá tách biệt thế giới hiện tại, cơ sở vật chất trong trường học quốc tế cũng không được như ở Việt Nam. Người vợ Việt kể với tôi rằng, chị lo đứa con trai 6 tuổi lúc đó không thích sống ở môi trường mới thiếu thốn vật chất hơn Việt Nam. Họ quyết định cùng con làm chuyến khảo sát Myanmar vài ngày trước khi quyết định. Sau chuyến đi, bố mẹ hỏi ý kiến con đi hay ở. Cậu bé trả lời: “Người Myanmar hiền lành, thú vị. Nơi nào cũng thấy cây xanh, không ô nhiễm... Con thích nhà mình ở lại đây”. Sau hơn một năm, cậu bé vẫn quyết định ở lại Myanmar cho đến hết trung học. Lập trường rõ ràng.

Thật kỳ diệu rằng sự tò mò vẫn sống sót sau giáo dục truyền thống. Albert Einstein còn nói vậy. Một người Anh khác, là giáo viên tiếng Anh cho cả trẻ em lẫn người lớn chia sẻ rằng sử dụng kiến thức sách vở không có nghĩa phải dạy theo quy trình sách đề ra “không nên gò bó kiến thức vào một quyển sách, dạy học sinh theo khả năng từng em”. Vợ chồng anh cho con gái lai Việt xem Baby Einstein gồm nhiều tập video có âm nhạc cổ điển, hình khối, màu sắc, chuyển động, kèm giọng chú thích từ lúc 4- 5 tháng tuổi. Khi đọc sách họ thường cùng con sáng tác cho chuyện sinh động hơn. Nay cô bé 4 tuổi rưỡi thể hiện rõ ý thức biết lắng nghe, nói chuyện có chính kiến, đã có thể viết theo mẫu, tự đọc sách theo kiểu đánh vần Phonics - phương pháp dạy tiếng Anh mới. Kế hoạch của cặp vợ chồng này là chu du khắp thế gian, dạy con mọi thứ trên đường đi mà ở trường con không được nhìn thấy. Trở thành công dân toàn cầu cũng là mục đích gia đình định hướng cho con gái- con không chỉ là người Việt, người Anh, mà sẽ am hiểu cả thế giới.

Vậy nên, ngày nảy ngày nay, cô bé quàng khăn đỏ vào rừng thường mang theo cái rìu làm vũ khí phòng thân. Phiên bản năm 2004 của Edward van de Vendel còn kết luận cô bé quàng khăn đỏ đã tay không giết chết sói. Đọc đến đây, tôi bật cười vì bình luận của một ông bố: Vào rừng bây giờ thà gặp sói còn hơn gặp cô bé quàng khăn đỏ.

MỚI - NÓNG