Nghệ sĩ trẻ nhất của buôn làng

Y Thu diễn tấu đing pah.
Y Thu diễn tấu đing pah.
TP - Mới 6 tuổi đã biết chơi nhạc cụ, 8 tuổi giành giải “Diễn viên trẻ xuất sắc”, 16 tuổi lưu diễn từ Nam ra Bắc. Đó là Y Thu Êban sinh năm 2000, ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn hoá văn nghệ, bố là nghệ nhân Y Thim Byă, người chuyên sưu tầm, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc, các anh chị trong nhà đều được đào tạo tại các trường văn hoá nghệ thuật nên ngay từ bé, Y Thu Êban đã có “máu” nghệ sĩ. Tuổi vừa lên sáu, Y Thu đã được làm quen và thạo dần cách sử dụng các loại nhạc cụ bằng tre nứa. Yêu thích các tiết mục độc tấu nhạc cụ của cha và các anh, Y Thu thường chú ý học lỏm theo. Trò chuyện với phóng viên, Y Thu cho biết: Em rất thích nghe cha và các anh diễn tấu nhạc cụ, những lúc nhà không có ai em thường lén lấy đing pah, t’rưng ra tập rồi biết đánh lúc nào không hay.

7 tuổi chơi giỏi 7 nhạc cụ

Thấy con say mê âm nhạc, mỗi lần buôn làng có lễ hội hay đi diễn, ông Y Thim đều cho con theo cùng. Ông cho biết: “Mỗi lần tôi dạy học trò cách đánh nhạc cụ, Y Thu đều chăm chú quan sát, lắng nghe. Một lần, hết buổi học, nó rụt rè xin tôi cho đánh lại bài “Bến nước Dur Kmăn” bằng đàn đing pah. Y Thu đánh chưa hay nhưng nhịp điệu rõ ràng, lưu loát. Từ đó, tôi dành thời gian hướng dẫn con tập luyện và học thêm nhiều loại nhạc cụ khác”. 

“Dù còn nhỏ tuổi nhưng Y Thu đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc, là niềm hy vọng của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Ê-đê”. 

Ông Lê Phước Phúc, cán bộ Văn hóa - Thông tin xã Cư Êbur

Lên 7 tuổi, Y Thu đã chơi thuần thục 7 loại nhạc cụ: t’rưng, đing pah, đing năm, đing puốt, ching knah (chiêng đồng), chinh kram (chiêng tre), ching aráp. Trong Liên hoan Văn hóa cồng chiêng dân ca, dân vũ và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2008, em là người chơi nhạc cụ dân gian nhỏ tuổi nhất, giành giải “Diễn viên trẻ xuất sắc” với tiết mục đàn t’rưng. 

Sau đó, em được chọn ra thủ đô Hà Nội diễn tấu đàn t’rưng trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cùng đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk và liên tục nhận được các “sô” diễn trong cả nước. 

Tham gia nhiều cuộc thi, Y Thu càng thể hiện rõ tài năng nghệ thuật và nhận được nhiều bằng khen. Năm 2014, em tiếp tục nhận giải “Diễn viên trẻ xuất sắc” trong liên hoan ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Trường THPT Chu Văn An đã chọn tiết mục “Mùa hái quả” của em để dự thi chương trình “Giai điệu tuổi hồng” tỉnh Đắk Lắk trong tháng 11 này.

Nghệ sĩ trẻ nhất của buôn làng ảnh 1

Y Thu chơi đàn t’rưng lúc 7 tuổi.

Trong các loại nhạc cụ, Y Thu thích chơi đàn t’rưng nhất. Hồi còn bé, mỗi lần độc tấu t’rưng, em phải đứng trên bục gỗ khá cao. Tác phẩm “Mùa hái quả” do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Xuân biên soạn cho sinh viên theo học chuyên ngành piano, thế nhưng Y Thu lại độc tấu trên đàn t’rưng hay không kém.

Vì muốn học thêm piano nên năm lớp 4, Y Thu quyết định theo anh trai Y Nal ra Huế để vừa hoàn tất chương trình tiểu học, vừa theo học lớp piano của Học viện Âm nhạc Huế, nhưng chỉ được một năm thì em bỏ về. “Em không thể chịu được nỗi nhớ cha mẹ, buôn làng, bạn bè. Lúc đó em nghĩ cứ về với mẹ đã, sau đó sẽ nhờ anh Y Nal dạy lại sau” - Y Thu chia sẻ. Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi, đến nay cậu nam sinh lớp 11 đã chơi giỏi piano và cả guitar.

Nối nghiệp cha

Vóc người cao ráo, nước da ngăm ngăm cùng đôi mắt tròn đen láy đúng chất  Tây Nguyên giúp Y Thu thu hút người khác mỗi khi xuất hiện. Là cái tên “hot” trong các sô biểu diễn nhạc cụ dân tộc, Y Thu được hâm mộ bởi tài năng, phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, lôi cuốn. Ngoài tiết mục “Mùa hái quả”, em còn gây ấn tượng với bài “Gọi cháu về” dân ca Êđê trên t’rưng và kèn đing puốt. Tiết mục này nhiều lần được ngành văn hóa tỉnh Đắk Lắk chọn đi biểu diễn ở các tỉnh thành trong cả nước.

Nói về cậu con trai út, ông Y Thim tự hào: “Nó nhớ rất nhanh. Nhạc cụ nào tôi cũng chỉ dạy vài lần là nó biết đánh. Bài “Gọi cháu về” nó chơi hay hơn cả tôi nữa. Nhiều đoàn khách du lịch khi đến Đắk Lắk vẫn thường tìm đến gia đình tôi để tìm hiểu văn hóa bản địa. Mỗi lần nó diễn xong, du khách vỗ tay rần rần khiến tôi sướng cả cái bụng”.

 Nói về dự định, Y Thu Êban cho biết: “Sau này em muốn đi theo con đường nghệ thuật, muốn làm một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tài giỏi như bố và anh Y Nal. Em sẽ dạy lại cho các em nhỏ trong buôn để nhạc cụ dân tộc không bị mai một, nhạt nhòa”.

MỚI - NÓNG