Người đẹp và những vòng “thót tim”

Người đẹp Thanh Tú trả lời ứng xử trong vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014. Ảnh: Hồng Vĩnh
Người đẹp Thanh Tú trả lời ứng xử trong vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Vòng thi ứng xử ở các cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong và sau này là Hoa hậu Việt Nam gần 30 năm nay vẫn được quan tâm nhất. Vòng ứng xử còn được gọi: vòng “thót tim”, thót tim cả người xem lẫn ban giám khảo, ban tổ chức. Một câu trả lời hay có thể giúp người đẹp đăng quang hoa hậu, nhưng một câu trả lời ngớ ngẩn cũng có thể lấy đi của họ nhiều thứ.

Những màn “thót tim” diễn ra như thế nào?

Chung kết Hoa Hậu Việt Nam năm 2014, ban tổ chức coi trọng phần thi ứng xử nên đã mở một cuộc thi cho bạn đọc tham gia đặt câu hỏi ứng xử. 500 câu hỏi ứng xử được gửi về làm sao để lựa chọn 5 câu hỏi hay nhất là việc không đơn giản. Khi được chọn, 5 câu hỏi sẽ được giữ bí mật cho đến phút cuối. Thí sinh không biết trước câu hỏi, sẽ không trả lời kiểu học vẹt. Họ chỉ có thể chuẩn bị cho màn trả lời ứng xử qua các chủ để lớn được cho trước.

Nhà báo Trung Hiền- người nhiều năm tham gia tổ chức Hoa Hậu Việt Nam, thành viên tham gia lựa chọn câu hỏi ứng xử năm nay chia sẻ: “Trả lời ứng xử trước hàng triệu khán giản truyền hình mà dở thì không có gì giấu được”.

Nỗi lo đó hoàn toàn có cơ sở khi ở một số cuộc thi nhan sắc, nhiều câu trả lời ứng xử đã biến thành chuyện tiếu lâm. Chẳng hạn như trả lời câu hỏi: “Vì sao cái nết lại đánh chết cái đẹp” trong cuộc thi nhan sắc cấp tỉnh, một người đẹp đã “ngây thơ” hỏi lại: “Em nghĩ cái nết nó có tội gì mà cái đẹp lại đánh chết nó ạ?”.

Trong đêm chung kết năm nay, nỗi lo đó đã được giải tỏa, khi ở màn thi “thót tim” tốp 5 người đẹp đã trả lời suôn sẻ. Trên ánh đèn sân khấu, trước sự theo dõi của hàng triệu người xem, người đẹp Diễm Trang, Thanh Tú, Huyền My thậm chí đã thăng hoa với lời hay ý đẹp trong phần thi của mình và nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh - người sáng lập đồng thời là Trưởng ban tổ chức kiêm Trưởng ban giám khảo các cuộc thị Hoa Hậu Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2008 vẫn nhớ như in những vòng thi ứng xử mà hơn ai hết, ông thót tim nhất.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh kể: “Cuộc thi Hoa hậu đầu tiên năm 1988, người ta quan tâm nhất vòng thi áo tắm, vì lần đầu trong lịch sử Việt Nam, có người đẹp mặc áo tắm đi trên sân khấu. Nhưng bắt đầu vào cuộc thi thứ 2 năm 1990 thì sự quan tâm lớn lại dành cho vòng ứng xử. Năm 1990, ban giám khảo có hai nửa, một nửa phía Nam, một nửa phía Bắc và tôi. Phía Nam dứt khoát chọn người đẹp Vân Anh lên làm hoa hậu, phía Bắc lại chọn Diệu Hoa. Hai phía đều nhất quyết bảo vệ quan điểm của mình. Đạo diễn Việt Linh - giám khảo phía Nam còn doạ bỏ về nếu chọn Diệu Hoa là hoa hậu.

Vân Anh rất đẹp, quê ở Sơn Tây đi xuất khẩu lao động ở Nga về, còn Diệu Hoa là sinh viên năm cuối của trường đại học Ngoại thương. Diệu Hoa đẹp thuần hậu, đặc biệt là vẻ đẹp tri thức vì sinh ra trong nhà truyền thống, cháu của nhà văn Phạm Quỳnh, mẹ là bác sĩ nổi tiếng. Lúc ấy, tôi nói: “Hai giám khảo phía Nam muốn chọn Vân Anh là hoa hậu, hai giám khảo phía Bắc muốn chọn Diệu Hoa, coi như tỷ lệ bằng nhau nhưng còn một vòng thi chưa diễn ra là thi ứng xử, ai ứng xử hay thì người ấy là hoa hậu”. Đạo diễn Việt Linh và mọi người gật đầu đồng ý.

Vào vòng thi ứng xử, trưởng ban Giám khảo Dương Kỳ Anh hỏi Diệu Hoa: “Vì sao báo Tiền Phong tổ chức thi hoa hậu?”. Diệu Hoa trả lời: Thi hoa hậu là hướng tới cái đẹp. Báo Tiền Phong là báo của Đoàn Thanh niên, của Tuổi trẻ, tổ chức thi hoa hậu để tuổi trẻ hướng tới cái đẹp và đây là cách để tập hợp tuổi trẻ đến với Đoàn thanh niên, một hình thức sinh hoạt mới, hấp dẫn, bổ ích”.

Diệu Hoa trả lời đúng và cách nói rất tự nhiên, thuyết phục được khán giả lẫn ban giám khảo và đăng quang hoa hậu.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ: “Qua màn đăng quang của hoa hậu Diệu Hoa có thể thấy phần ứng xử rất quan trọng. Theo tôi, thi ứng xử không chỉ có kiến thức, không phải đo trí thông minh mà tổng hợp giữa sự hiểu biết, văn hóa ứng xử, văn hóa tiếp cận quần chúng. Ví dụ hai câu hỏi trả lời của Trịnh Chân Chân và Nguyễn Thị Huyền trả lời trong cuộc thi năm 2004.

Trịnh Chân Chân hiểu biết rộng, Nguyễn Thị Huyền lại rất hồn nhiên, chân thật. Với câu hỏi: “Vì sao người ta chọn người đẹp để làm đại sứ thiện chí”. Huyền trả lời hồn nhiên: “Cái đẹp là cái thiện cho nên chọn người đẹp để làm việc thiện thì cái đẹp, cái thiện được nhân lên”. Còn Trịnh Chân Chân trả lời dài, hay nhưng hay theo bài bản sách vở. Trong trả lời ứng xử quan trọng là biến kiến thức mình biết được thành cái của mình.

Còn nhớ trong đêm chung kết Hoa hậu Thế giới người Việt, người đẹp sống ở Anh - Teressa Sam đang trả lời ứng xử thì dừng lại khóc và nói: “Xin lỗi, em đã không học được nhiều tiếng Việt”.

Những giọt nước mắt chân thành của Teressa Sam đã nhận được sự chia sẻ của khán giả và cô gái này sau đó đoạt Á hậu 1. Một người đẹp khác, khi không trả lời được phần thi ứng xử cũng đã khóc và bảo: “Em nhớ bố mẹ quá”. Nhưng ban giám khảo biết những giọt nước mắt ấy hơi diễn vì cô gái này vừa xa bố mẹ có mấy ngày.

“Giải mã” những tràng vỗ tay trong vòng thi ứng xứ

Có cô gái về nhan sắc thậm chí có thể đạt hoa hậu thế giới, nhưng chỉ mất điểm trong vòng thi ứng xử và chỉ lọt vào top 10 rồi cũng bị lãng quên. Đó là trường hợp của Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long năm 1996 - Hồng Yến. Yến đẹp đến mức khi nhà thơ Dương Kỳ Anh và diễn viên Trà Giang - thành viên Ban giám khảo gặp, đã nói với nhau rằng “Năm nay đã nhìn thấy hoa hậu”. Diễn viên Trà Giang kể: “Tôi đang ốm mà gặp Hồng Yến, ngắm sắc đẹp của cô, tôi khỏe ra, kỳ lạ”. Hồng Yến cao 1m73, các số đo chuẩn mực, chân thẳng tắp, da trắng như trứng gà bóc. Nhưng kỹ năng giao tiếp của Hồng Yến yếu.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết, trước khi cuộc thi diễn ra 15 phút, nhà thơ bảo Hoàng Yến: “Nói lại những kiến thức đã được học cho cô chú nghe”. Hoàng Yến đỏ mặt bảo: “Cháu quên hết trơn hết trọi rồi”. Sau đó, phần thi ứng xử, trong 10 người, Yến đứng thứ 9. Ban tổ chức rất tiếc một nhan sắc như vậy, muốn bồi dưỡng thêm để lần sau đi thi tiếp. Nhưng bồi dưỡng mãi Yến vẫn vậy…

Người đẹp và những vòng “thót tim” ảnh 1

Người đẹp Huyền My trả lời ứng xử trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014

Lần nhà thơ Dương Kỳ Anh được mời làm giám khảo hoa hậu Asean, ông đặt câu hỏi ứng xử: “Sắc đẹp và thời gian là bạn hay thù?”. Người đẹp Malaysia khóc vì không trả lời được. Người đẹp Philippines trả lời: “Thưa ban giám khảo, thời gian vừa là bạn vừa là thù, qua thời gian vẻ đẹp hình thể bị tàn phá, nhưng vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp trí tuệ lại được bồi đắp. Người nào trau dồi sắc đẹp, văn hóa, kiến thức thì thời gian sẽ là bạn, còn không sẽ là thù”. Sau đó người đẹp Philippines đăng quang hoa hậu.

Các câu hỏi ứng xử trước đây thường do báo Tiền Phong đưa ra. Năm 2004 bắt đầu có cuộc thi đặt câu hỏi ứng xử, sau đó tập hợp lại để chọn. Cuối cùng, hình thành tổ chọn những câu hỏi hay nhất trong hàng ngàn câu hỏi. Nhiều giáo sư, tiến sĩ cũng tham gia đặt câu hỏi, nhưng thường các câu của họ chỉ họ mới trả lời được…

Trước đến nay các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam áp dụng cả ba cách đặt câu hỏi. Cách thứ nhất: giám khảo trực tiếp hỏi, mỗi người một câu. Có nhiều giám khảo đưa ra những câu hỏi thêm, thông thường là rất khó. Sau một vài lần thì thôi cách này. Cách hai: tất cả trả lời cùng một câu hỏi. Cách này cũng có cái hay vì có so sánh, người sau được lợi hơn vì có sự chuẩn bị trước. Cách thứ 3: mỗi người chọn một câu hỏi khác nhau, 5 câu hỏi 5 người. Cách thứ 3 tạo nên sự phong phú trong hỏi và trả lời nhất.

Trong màn thi “thót tim” này, vẫn thường có những tràng vỗ tay. Nhưng nếu “giải mã” ra thì vỗ tay cũng thường có ba loại: tán thưởng, động viên và mời xuống. Những cuộc thi gần đây, tràng vỗ tay “mời xuống” hầu như không còn vang lên vì các người đẹp thường thể hiện tốt để nhận được tràng vỗ tay động viên, tán thưởng.

Từ trước tới nay, chưa có người đẹp nào trả lời tệ trong phần thi ứng xử mà có thể đăng quang. Những người đẹp đăng quang thường có những câu trả lời súc tích, thông minh, hồn nhiên, chân thành. Trả lời ngắn gọn thường thành công hơn, nói dài hay “nói dại”.

MỚI - NÓNG