“Người điên” trên đồi Ghềnh Ráng

“Người điên” trên đồi Ghềnh Ráng
TP - Mắt Dzũ Kha đượm buồn. Mãi lúc sau ông mới nghẹn ngào cho biết, cách đây vài tuần, khu di tích Ghềnh Ráng được chủ đầu tư tư nhân quy hoạch lại. Vườn tược, lều tranh nơi Dzũ Kha làm việc và ngày ngày tưởng niệm thi nhân Hàn Mặc tử trên đồi đã bị san phẳng.

Tôi đã từng gặp Dzũ Kha cách đây vài năm, khi ghé thăm mộ Hàn Mạc Tử, người đàn ông cặm cụi, tỉ mẩn dùng chiếc bút lửa viết thơ Hàn lên những tấm gỗ xù xì. Nhưng phải đến khi gặp lại ông ở Hà Nội, mới có thời gian chuyện trò, để hiểu hơn về một con người gần như dành trọn cả đời làm những việc mà người ta vẫn cho là “quái gở”, “điên rồ”...

Duyên kỳ ngộ

Năm xưa, thi sĩ họ Hàn trước lúc nhắm mắt xuôi tay, từng khao khát: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng/ Không nhìn thấy nàng tiên mô đến khóc/ Để hôn anh và rửa vết thương tâm... (Duyên kỳ ngộ)”. Có lẽ, ở cõi vô cùng ấy, Hàn Mạc Tử đã thỏa lòng khi bên ông đã có Dzũ Kha. Người vì yêu thơ ông mà dựng lều cỏ bên mộ thi sĩ, sống và giữ thơ Hàn theo một cách riêng, suốt hơn 35 năm qua.

Dzũ Kha tên thật là Trương Vũ Kha, sinh năm 1960 tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM nhưng ra trường, chàng thanh niên lãng tử vẫn muốn phiêu diêu khắp nơi để trải nghiệm cuộc sống. “Yêu thơ Hàn Mặc Tử, tôi quyết định về Quy Nhơn nơi ông từng sống những ngày cuối đời để tham quan một chuyến. Sau chuyến đi đó, chuyện đời và chuyện thơ của Hàn cứ ám ảnh tôi, run rủi tôi ở lại” - Dzũ Kha kể.

“Người điên” trên đồi Ghềnh Ráng ảnh 1

Dzũ Kha làm “hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ” trên đồi Ghềnh Ráng. Ảnh: nhã khanh.

Thế là người ta thấy một anh chàng tóc dài như đạo sĩ, hì hục tự dựng lều trên đồi Thi Nhân, ngay cạnh mộ Hàn Mạc Tử, dùng bút lửa để khắc, viết thơ Hàn; nắm rõ từng bài thơ đến chi tiết cuộc đời sự nghiệp của Hàn và có thể nói chuyện hàng giờ không chán về Hàn Mặc Tử với du khách đến Ghềnh Ráng.

Dzũ Kha trở thành một hướng dẫn viên du lịch miễn phí, cứ đúng 5h sáng lại thức dậy, công việc đầu tiên là thắp nén nhang thơm lên mộ Hàn Mạc Tử, mở cửa lều thơ, đón du khách ghé thăm căn lều nhỏ nhắn của mình với tất cả sự nồng hậu của người con Quy Nhơn. Không chỉ được làm đám giỗ, hương khói ngày lễ, Hàn Mạc Tử có lẽ là danh nhân duy nhất đã qua đời hơn nửa thế kỷ nhưng năm nào cũng được đều đặn tổ chức sinh nhật. Cứ đến ngày 22 tháng 9 hàng năm, Dzũ Kha lại tổ chức một lễ sinh nhật nho nhỏ cho thi sĩ họ Hàn, có bánh ga tô, nến, rượu trắng và trái cây. Ở đó, ông cùng những người yêu thơ Hàn ngồi chuyện trò, bình thơ đến thâu đêm.

Tên tuổi “dị nhân” trên đồi Ghềnh Ráng ngày càng vang xa, kèm theo những đồn đoán, nhưng Dzũ Kha vẫn bất chấp “Tôi yêu thơ Hàn Mặc Tử và kính trọng ông, nên việc người đời nghĩ tôi bị hâm, bị điên, tôi không cần phải giải thích”.

Hơn 35 năm qua, Dzũ Kha miệt mài chép lại hàng chục ngàn bức tranh thơ Hàn để làm quà cho du khách tới thăm khu di tích mộ của nhà thơ. Đó có thể là mảnh gỗ nhỏ bằng lòng bàn tay hoặc bức tranh to như tờ báo nhưng đều được gửi gắm tình cảm và tâm hồn của người nghệ sĩ. Cây bút lửa, thân làm bằng một đoạn trúc, ngòi bút là một dây kim loại được nối dây điện với một chiếc ắcquy 5 vôn có công tắc ngắt mở, mỗi khi bật công tắc, chiếc bút lửa tỏa ra một ngọn lửa bé xíu, Dzũ Kha lia lia cây bút trên tấm gỗ, để lại những câu thơ chìm nổi. Thật ra, kỹ thuật “bút lửa” không có gì mới, nhưng điều Dzũ Kha làm được là không chỉ vẽ lên gỗ mà còn vẽ lên cả giấy thường. Mỗi bài thơ Dzũ Kha viết ra như một kiểu thư pháp nghệ thuật. 

Với tình yêu thơ Hàn vô điều kiện, mấy chục năm qua ông cũng lặn lội đến nhiều nơi để tìm kiếm, gặp nhân chứng sống, sưu tầm những bút tích, giai thoại về nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Dzũ Kha kể, để có những tư liệu sống về thơ Hàn, ông đã trải qua rất nhiều năm tháng rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm, sưu tầm những câu chuyện về Hàn Mặc Tử… Dzũ Kha vẫn nhớ mãi lần gặp nữ sĩ Mộng Cầm: “Thực sự rất khó khăn, vì dẫu sao tôi cũng là người lạ, không họ hàng, thân thích gì với Hàn Mạc Tử. Nhưng rồi sau quá trình đi lại, có lẽ bà cảm nhận được tấm lòng của tôi nên đã nhiệt tình cung cấp nhiều tư liệu quý giá”.

“Người điên” trên đồi Ghềnh Ráng ảnh 2

Dzũ Kha trình diễn bút lửa trong lễ ra mắt lần tái bản thứ 15 cuốn sách “Hành trình đến với thơ Hàn Mặc Tử” do ông sưu tầm và biên soạn.

Mong được giữ lửa thơ Hàn

Hỏi vì sao lại dùng bút lửa để truyền bá thơ Hàn, Dzũ Kha cười: “Hàn Mạc Tử ra đi trong cô đơn, lạnh lẽo, bệnh tật. Tôi mong chiếc bút với những tia lửa ấm áp sẽ sưởi ấm những câu thơ của ông, cũng là để linh hồn ông luôn cảm thấy được vỗ về”.

Học mỹ thuật nhưng Dzũ Kha là người yêu thơ và biết làm thơ. Nếu như tranh của ông thiên về thủy mặc, lãng du, hoài cổ thì thơ ông lại chịu ít nhiều ảnh hưởng của thơ Hàn. Có những đêm trăng thanh - mùa trăng cũng là lúc người bị bệnh phong đau nhức nhất, nhớ thương Hàn Mạc Tử, Dzũ Kha lại làm thơ: “Đông về, thu lại, xuân sang/ Cùng ai với ánh trăng vàng biển khơi/ Thỏa lòng đuổi trót cuộc chơi/ Chỉ mong tìm lấy một đời thường thôi”.?Hay khi nhận được lời mời xuống phố làm việc, Dzũ Kha chỉ trả lời bằng 4 câu thơ: “Bạn lên phố thị xênh xang/Riêng ta ở lại đa mang xứ Ghềnh/Phồn hoa náo nhiệt lãng quên/Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn”.

Suốt mấy chục năm gắn bó bên mộ người thi sĩ bạc mệnh, Dzũ Kha nung nấu ý tưởng viết cuốn sách “Hành trình đến với thơ Hàn Mặc Tử” từ năm 2005 với bản thảo đầu tiên chỉ vỏn vẹn khoảng 100 trang. Sau nhiều năm tháng dày công chỉnh sửa, bổ sung nhiều tư liệu và thông tin độc đáo, mới đây, bản in lần thứ 15 của cuốn “Hành trình đến với thơ Hàn Mặc Tử” – Dzũ Kha sưu tầm và biên soạn đã được phát hành. Cuốn sách dày 223 trang, giới thiệu nhiều tác phẩm, bút tích đặc sắc mà rất ít người biết của Hàn Mặc Tử, những đoạn hồi ký của Nguyễn Bá Tín (em trai Hàn Mặc Tử) về người anh trai thuở thiếu thời... Hiếm có cuốn sách nào về cuộc đời danh nhân được tái bản hàng chục lần như “Hành trình đến với thơ Hàn Mặc Tử”. Tại lễ ra mắt cuốn sách, Dzũ Kha trình diễn bút lửa, vẽ tặng người hâm mộ Hàn Mạc Tử những vần thơ bay bổng của thi nhân.

Có thể nói, Dzũ Kha truyền thơ đến thế hệ mai sau, nhưng cũng chính những vần thơ của Hàn đã nuôi sống ông bao năm qua. Tuy nhiên, nếu chỉ để kiếm tiền thì có lẽ Dzũ Kha có nhiều lựa chọn hơn. “Đã từng có đại gia ở Quy Nhơn ngỏ ý mời tôi đến làm việc, tôi sẽ được cấp phòng làm việc riêng, một mức lương nhiều người mong ước và công việc vẫn là viết bút lửa thơ Hàn. Nhưng tôi đã từ chối để được sống ở căn lều quen thuộc của mình. Chỉ bên cạnh mộ Hàn, thơ Hàn mới thực sự tỏa sáng. Và tôi cũng vậy”- Dzũ Kha chia sẻ.

“Người điên” trên đồi Ghềnh Ráng ảnh 3

Thi sĩ Hàn Mặc Tử qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ.

Trải qua 2 mối tình và 2 lần kết hôn nhưng hiện giờ Dzũ Kha vẫn chỉ sống một mình nuôi con gái. Người ta nói, đời Hàn đã vận vào đời ông. Người vợ đầu của ông vì không chịu được cảnh chồng suốt ngày mải mê với thơ thẩn, thỉnh thoảng lại khăn gói ra đi theo dấu tích thi nhân đến cả tháng trời, nên cuộc hôn nhân tan vỡ. Rồi chính thơ Hàn đã mang đến cho Dzũ Kha một người vợ mới thảo hiền, đảm đang. Một người cũng yêu thơ Hàn. Nhưng có lẽ tình yêu không đủ lớn, người ta đã chọn cách ra đi, để lại cho anh một đứa con gái.?Người đời thương cảm nhưng Dzũ Kha vẫn thủng thẳng: “Có lẽ tôi chưa gặp được người thực sự thương tôi, thương Hàn. Và nếu buộc phải chọn, tôi vẫn sẽ chọn ở lại bên Hàn Mạc Tử”.

Nói đến đây, mắt Dzũ Kha đượm buồn. Mãi lúc sau ông mới nghẹn ngào cho biết, cách đây vài tuần, khu di tích Ghềnh Ráng được chủ đầu tư tư nhân quy hoạch lại. Vườn tược, lều tranh nơi Dzũ Kha làm việc trên đồi thi nhân đã bị san phẳng. Từ thiết kế trang trí đến trồng cây, từ phượng vĩ, hàng cau đến bậc đá... đều một tay ông chăm chút, tạo dựng theo sắc thái của Hàn Mặc Tử... Nhìn tất cả bị san phẳng, lòng ông không khỏi ngổn ngang. Đi tìm một nơi làm việc, hay một chỗ ở mới không phải điều khó. Nhưng người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ ấy vẫn cầu mong người chủ mới sẽ yêu thơ Hàn, để ông được dựng lại ngôi lều nhỏ của mình, hàng ngày tha thẩn bên mộ thi nhân...

MỚI - NÓNG