“Người Hobbit 3” có gì ngoài hoành tráng?

Nam diễn viên Martin Freeman - một trong những điểm sáng của “The Hobbit 3”.
Nam diễn viên Martin Freeman - một trong những điểm sáng của “The Hobbit 3”.
TP - “Người Hobbit: Đại chiến 5 cánh quân” ra rạp Việt Nam từ 19/12 khép lại bộ phim 3 phần về người lùn Hobbit của đạo diễn Peter Jackson, cống hiến nhiều cảnh quay mãn nhãn, nhưng cũng để lại chút tiếc nuối cho người xem.

Sự phô trương của công nghệ

Phim ra mắt khán giả Việt ở định dạng 3D. Suất chiếu ra mắt báo chí tại cụm rạp CGV Mipec Hà Nội tối 18/12 cho khán giả may mắn hưởng trọn vẹn cảm nhận âm thanh ATMOS. Đại diện nhà nhập phim giới thiệu về công nghệ hiện đại 48 hình/giây trong phần phim này. MV The last goodbye (Lời tạm biệt cuối) do ca sỹ-diễn viên Billy Boyd thể hiện cũng được phát trước khi phim mở màn.

Thành công đầu tiên của đạo diễn Peter Jackson chính là cuốn khán giả ngay lập tức vào trận chiến với rồng lửa - sự tiếp nối của kết thúc phần 2. Một phần ba thời lượng đầu, nhịp phim nhanh, hành động ấn tượng. Sau khi chiến đấu với rồng Smaug, thủ lĩnh Bard dẫn dắt tộc người bên hồ thẳng tiến ngọn núi Cô đơn, đòi tộc người lùn thực hiện cam kết chia tài sản ở kho vàng khổng lồ chiếm được từ rồng Smaug. Cùng lúc ấy, tộc tiên, lũ quái vật Orcs cũng thẳng tiến về ngọn núi này, hòng chiếm lại khi vàng cùng vị trí chiến lược.

Đối với bộ phim phiêu lưu, kỳ ảo mà tất cả cảnh quay diễn ra trong các phim trường khổng lồ ở New Zealand, hầu hết đều nhờ kỹ xảo đồ họa, việc áp dụng quay phim tốc độ 48 hình/giây là điều sáng suốt. Cảnh dàn quân trong trận chiến sống còn, các pha hành động trên không, trên bộ, dưới nước được thực hiện mượt mà, ít khi phải viện đến tốc độ quay chậm. 

Hiếm có cảnh quay nào mà khán giả phải thót tim vì đồ vật lao vun vút về phía mình, nhưng định dạng 3D khoe được bối cảnh hùng vĩ của vùng Trung Địa, với những triền núi hùng vĩ, tòa lâu đài đồ sộ, tái hiện không khí chiến trường quy mô. Đây là kết quả của kỹ xảo đồ họa tinh vi, trí tưởng tượng phong phú của đạo diễn, đưa thế giới trong tác phẩm của nhà văn Tolkien đi xa hơn.

Công nghệ chưa phải là tất cả, diễn xuất tốt của một số diễn viên mới chính là linh hồn của phim. Nam diễn viên Martin Freeman hoàn thành xuất sắc vai trò của chàng lùn Bilbo Baggins trong chuyến phiêu lưu kỳ thú bên cạnh tộc người lùn râu dài. Hài hước có, sâu lắng đúng lúc và nhất quán trong tinh thần làm nên anh chàng Baggins này. 

Trung tâm của phim, diễn xuất lấp lánh không kém là nam diễn viên Richard Amirtage trong vai Thorin Oakenshield-vua của tộc người lùn Dwarf. Quá trình diễn biến tâm lý từ một ông vua bị vàng làm lóa mắt, nghi ngờ bạn hữu, đi ngược lại với bản tính anh hùng cho đến cái kết phim, trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ cho bộ phim.

Thủ lĩnh Azog của bọn quái vật Orc được khắc họa thành công, làm nên nhân vật xấu xa có cá tính, trình độ xứng tầm đối thủ Thorin. Sự ích kỷ, xấu xa trong tên cơ hội, lừa lọc Alfrid (nhân vật phụ) đôi khi được khắc họa ấn tượng hơn vai chính trong phim.

Cái kết chưa hoàn hảo

“Người Hobbit: Đại chiến năm cánh quân” ít nhiều thể hiện tham vọng của đạo diễn Peter Jackson, khi kéo dài hành trình phiêu lưu của Baggins và người lùn nhiều nhất trên màn ảnh rộng. Đặc biệt, phần ba của phim chỉ dựa trên khoảng trăm trang sách mỏng của tác giả Tolkien về “bắt đầu một trận chiến không mong đợi”, gây cảm giác các nhà làm phim chịu áp lực bôi dài. Phim dung lượng 144 phút, ra khỏi rạp, khán giả không có cảm giác quá dài, tuy nhiên, ở nửa sau của phim ít đột biến, mạch phim phát triển chậm, kém thu hút hơn phần đầu.

“Người Hobbit 3: Đại chiến năm cánh quân” thu về gần 51 triệu USD tại rạp Bắc Mỹ, chỉ sau ba ngày ra rạp từ 17/12, nâng tổng doanh thu toàn cầu lên 173 triệu USD. Với kinh phí “khủng” 250 triệu USD, phim được kỳ vọng cán mốc doanh thu 1 tỷ USD như hai phần trước.

Nhiều khán giả dù có là fan của “The Hobbit” hay không, đều mang tâm lý chờ đợi vào lời tạm biệt nhiều cảm xúc hơn nữa, bởi phần hai “Đại chiến với rồng lửa” không ấn tượng cho lắm. Xem xong phim này, hẳn nhiều khán giả có cảm nhận hụt hẫng về cảm xúc. Phần đầu phim, anh chàng dũng cảm Bard, người tiêu diệt rồng Smaug, được khắc họa như anh hùng, nhưng chưa có sự phát triển và kết thúc như mong đợi.

   

Sự thiếu hụt những khoảng lặng, quan trọng hơn là mối liên kết dựa trên tình bạn, bài học về tình yêu thương, giá trị đạo đức được thể hiện nhạt nhòa trong phần này khiến lời tạm biệt chưa trọn vẹn. Có thể vì là phần kết, nên những nhân vật chính và số phận của họ đều được điểm danh, lướt qua màn ảnh, chưa có được cái kết mong muốn: Mối tình cảm động giữa người lùn Kili và nàng tiên Tauriel (Evangeline Lily) được mong chờ, nhưng được thể hiện khá sơ sài, chưa chạm đến trái tim người xem. Tình cảm tay ba giữa đôi này và Legolas của tộc tiên được xử lý chơi vơi.

Tính đến hết phần này, Peter Jackson khép lại hành trình 13 năm gắn bó với tác phẩm của Tolkien, từ “Chúa tể những chiếc nhẫn”. Áp lực thành công về nghệ thuật (17 giải Oscar cho ba tập “Chúa nhẫn”) cho đến doanh thu tỷ Mỹ kim đè nặng lên vai đạo diễn.

Có lẽ cũng vì áp lực và ý thức rằng “Người Hobbit” là câu chuyện xảy ra 60 năm trước “Chúa tể những chiếc nhẫn”, nên đạo diễn cố tình làm ra vẻ như cuối phim chưa phải là kết thúc, làm cầu nối đến cuộc phiêu lưu trong “Chúa nhẫn”. Lựa chọn này của Peter Jackson khiến cảm xúc người xem chưa trọn vẹn, và có chút tiếc nuối cho lời tạm biệt hoành tráng.


MỚI - NÓNG