Người hồi sinh dòng gốm Luy Lâu

Người hồi sinh dòng gốm Luy Lâu
TP - Người hồi sinh dòng gốm Luy Lâu là nghệ sĩ Nguyễn Đăng Vông, ở  làng Mãn Xá Tây, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh.

    Dòng sông Dâu chảy từ đâu/ Mà trôi đến bến Luy Lâu lại dừng

Người hồi sinh dòng gốm Luy Lâu ảnh 1
Họa sĩ Nguyễn Đăng Vông đang làm tác phẩm Ngọc Bình. Ảnh: Hồng Vĩnh. 

Làng Mãn Xá Tây, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh, nơi Nguyễn Đăng Vông sinh ra và lớn lên, chính là quê hương của nàng A Man hay còn gọi là Man Ni, Man Nương.

Đây là nơi sinh thành tứ pháp, khởi nguồn Phật giáo Việt bản địa đầy huyền thoại những năm đầu công nguyên.

Bên cạnh tranh Đông Hồ, ca trù Thanh Dư, rối nước Đồng Ngư, thì gốm Mãn Xá, với lò gốm cổ khai quật ở Bãi Định, đã được khẳng định là dòng gốm cổ xưa nhất của Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Đăng Vông vẫn nhớ, thuở nhỏ được xem ông nội làm những chú lợn đất, con giống đất, nung lửa rơm, quết phẩm mầu bán chợ quê ngày Tết.

Trong những năm còn đi học, anh cũng được chứng thực về sự tồn tại của nghề gốm trong làng, khi theo chân các nhà khảo cổ đi khai quật, tìm kiếm di chỉ gốm Phùng Nguyên, Đông Sơn trên khu Bãi Định.

Bị gốm ám ảnh, khi hết cấp III, anh theo học chuyên ngành Mỹ thuật tại trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh Hà Bắc (cũ). Kiến thức hội họa được trang bị bài bản đã bổ sung cho anh trong quá trình sáng tác mẫu sản phẩm bằng gốm sau này.

Anh cho biết: “Tôi đi rất nhiều làng nghề nổi tiếng cổ từ Bắc vào Nam và thấy dòng gốm Luy Lâu vẫn có sự riêng biệt, không giống bất cứ dòng gốm nào cả”. Anh nung nấu ý định khôi phục lại dòng gốm quê mình.

Ngôi nhà bố mẹ để lại cho gia đình anh giờ chật chội, chen chúc những sản phẩm gốm. Sân, vườn cũng biến thành xưởng, dựng lò nung gốm.

Làm gốm là một công việc mất sức rất nhiều. Đất phải của chính vùng Dâu mà qua rất nhiều tháng ngày lang thang trên đồng bãi quê nhà, Nguyễn Đăng Vông mới tìm ra. Chúng  được luyện thật kỹ, thật mịn và thật dẻo, không quánh, nát để khi chuốt đạt được những yêu cầu kỹ thuật cần thiết và khi phơi, nung không bị biến dạng cong vênh, nổ, rạn.

Cũng từ bùn đất của sông Dâu, tro than đốt từ thân cây dâu mọc trên phù sa đồng bãi quê nhà, thêm chút sỏi đá của vùng rừng, vỏ sò vỏ điệp của biển, Nguyễn Đăng Vông đã hồi sinh được sắc màu men gốm cổ truyền của vùng Luy Lâu: xanh ôliu trầm ấm và trong trẻo, đỏ sậm mạnh mẽ đầy sức lực, như thuở nào ông cha từng chế tác.

Nguyễn Đăng Vông không đi theo lối sản xuất gốm gia dụng mà tập trung vào các mặt hàng gốm mỹ nghệ, với nghệ thuật trang trí đầy sáng tạo ngẫu hứng.

Có rất nhiều sản phẩm anh làm, kích cỡ và trọng lượng đều đáng nể. Chiếc Ngọc Bình của anh, với chiều cao 2 m, đường kính chỗ lớn  nhất hơn 2 m, trọng lượng gần 400 kg, có thể đạt kỉ lục về độ lớn của đồ gốm đất không chỉ ở phạm vi quốc gia.

Bỏ ra cả  tháng trời làm việc, hàng chục triệu đồng mua gas đun đốt cho một sản phẩm như thế liệu có được mấy người?

Từ sản xuất gia đình, giờ đây, Nguyễn Đăng Vông triển khai sản xuất quy mô lớn với nhiều người làm gốm theo cách của anh, tiếp tục nối nghề từ tiền nhân.

“Dòng gốm Luy Lâu đã và đang được khơi nguồn qua bàn tay, khối óc những con người tài hoa thời hiện đại” - đó là cách nói của nhà sử học Dương Trung Quốc. Còn với những con dân đất Luy Lâu, họ đang giàu lên từ gốm, giàu lên nhờ biết nhớ đến di sản của tổ tiên.

MỚI - NÓNG